Phiên 13/11: Đầu tư ngược

(ĐTCK) Trong khi cổ phiếu của doanh nghiệp có kết quả kinh doanh khả quan giảm giá, thì dòng tiền lại tìm đến các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh bết bát.
Phiên 13/11: Đầu tư ngược

Phiên chiều: Sắc đỏ bao trùm

Phiên giao dịch hôm nay thị trường đón nhận nhiều thông tin tác động. Ngoài việc giá vàng và USD biến động mạnh, thị trường cũng đón nhận tin kết quả kinh doanh quý III/2013 của các doanh nghiệp tiếp tục được công bố, thậm chí một số doanh nghiệp đã có kết quả kinh doanh 10 tháng.

Theo HSG, doanh thu thuần trong tháng 10 của Công ty đạt 1.028,6 tỷ đồng, giảm 4,32% so với tháng 9, nhưng lợi nhuận sau thuế lại tăng 277,9% so với tháng trước, đạt 32,5 tỷ đồng.

Tổng CTCP Dịch vụ tổng hợp Dầu khí (PET) cũng cho biết, 10 tháng đầu năm, PET đạt doanh thu khoảng 9.400 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 254 tỷ đồng.

Ước tính sơ bộ, PET có thể đạt từ 10.500 - 11.000 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận trước thuế 320 tỷ đồng. Nhiều khả năng Công ty sẽ xem xét nâng mức cổ tức so với kế hoạch 17% đã được ĐHCĐ thông qua.

Cũng sau 10 tháng, TNA đạt 1.287 tỷ đồng tổng doanh thu, bằng 117% kế hoạch năm 2013 và tăng 23,4% so với cùng kỳ 2012; lợi nhuận trước thuế đạt 40 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch năm.

Trong khi đó, doanh thu thuần trong quý III/2013 của IJC chỉ đạt 46 tỷ đồng, giảm tới 72% so với cùng kỳ, lãi ròng hợp nhất 13,65 tỷ đồng, giảm 78% cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, phần lãi của Công ty mẹ chỉ đạt 43,5 tỷ đồng, giảm tới 74% cùng kỳ. Tại 30/9/2013, hàng tồn kho tăng nhẹ so với hồi đầu năm lên 2.582 tỷ đồng, chiếm 56% tổng tài sản; tổng nợ phải trả là 1.749 tỷ đồng, chiếm 61% vốn chủ sở hữu.

Phiên 13/11: Đầu tư ngược ảnh 1

Nguồn SHS

Còn theo ông Bùi Dương Hùng, Chủ tịch HĐQT LCG, quý III/2013, LCG vẫn chưa thoát lỗ do vẫn phải trích lập dự phòng cho các dự án. LCG cũng đã giao bán Dự án Sky Park Residence với giá dự kiến 200 tỷ đồng. Tuy được nhiều nhà đầu tư quan tâm, nhưng vẫn chưa đi đến hồi kết.

Tưởng chừng thông tin kết quả kinh doanh khả quan sẽ giúp cổ phiếu PET, TNA, HSG tăng mạnh, hỗ trợ cho thị trường, nhưng diễn biến trên sàn lại không như vậy.

Dù đã rất cố gắng để giữ được sắc xanh trong phiên sáng, nhưng PET và HSG đã phải quay đầu giảm giá trong phiên chiều. Trong khi TNA giá cung và cầu quá cách xa nhau nên không có giao dịch nào được thực hiện.

Trái ngược với các cổ phiếu trên, IJC và LCG lại được giao dịch khá sôi động. Sau phiên giảm mạnh do lực chốt lời theo diễn biến chung của phiên hôm qua, cả IJC và LCG đã đứng vững trở lại trong phiên hôm nay.

Trong đó, LCG giữ được giá tham chiếu với hơn 2,1 triệu đơn vị được khớp, trong khi IJC lại tăng nhẹ 100 đồng, với hơn 2,75 triệu cổ phiếu được khớp. Cả 2 đều đứng trong top 8 mã có khối lượng khớp lớn nhất trên HOSE.

Trong khi sàn HNX do không nhận được sự hỗ trợ mạnh của dòng tiền đầu cơ như các phiên trước nên cũng đã chấp nhận phiên giảm thứ 2 liên tiếp.

Kết thúc phiên 13/11, VN-Index giảm 1,53 điểm (-0,31%), xuống 496,12 điểm. VN30-Index giảm 2,02 điểm (-0,36%), xuống 553,09 điểm. HNX-Index giảm 0,2 điểm (-0,32%), xuống 63,65 điểm. HNX30-Index giảm 0,74 điểm (-0,62%), xuống 119,38 điểm. Chỉ số VIR-50 đo lường biến động của 50 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất trên TTCK Việt Nam phiên này giảm 4,29 điểm (-0,87%) xuống 485,09 điểm (-1,04%).

Thanh khoản phiên hôm nay cũng giảm mạnh so với phiên hôm qua khi cả khối lượng và giá trị giao dịch của cả 2 sàn giảm từ 43 - 47% so với hôm qua.

Cụ thể, tổng khối lượng giao dịch trên HOSE đạt 64,53 triệu đơn vị, trong đó, giao dịch thỏa thuận 1 triệu đơn vị. Tổng giá trị giao dịch đạt 834 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận 88,5 tỷ đồng.

Trên HNX, khối lượng giao dịch đạt 36 triệu đơn vị, trong đó giao dịch thỏa thuận góp 0,5 triệu đơn vị. Tổng giá trị giao dịch đạt 260 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận 1,84 tỷ đồng.

Cổ phiếu trong nhóm VN30 và HNX30 đa số đều giảm, nhưng mức giảm nhẹ, chỉ một, hai bước giá, chỉ có 3 mã trong VN30 tăng giá là VSH, IJC và HCM. Trong khi nhóm HNX30 khá hơn với 5 mã tăng.

Trên HOSE có 4 mã có khối lượng khớp trên 3 triệu đơn vị là HQC, FLC, VSH và ITA, trong đó, FLC vẫn giữ được mức tăng nhẹ 100 đồng như phiên sáng. Trong khi trên HNX có 3 mã là SHB, PVX và SCR. Trong đó, SHB vẫn giữ được mức tăng nhẹ 100 đồng, trong khi PVX quay đầu giảm nhẹ 100 đồng, dù phiên trước còn dư mua giá trần tới hơn 5 triệu cổ phiếu.

Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng trên cả 2 sàn. Cụ thể, họ bán ròng trên HOSE 176.780 đơn vị, giá trị bán ròng 14,84 tỷ đồng.

Trên HNX, họ bán ròng 366.900 đơn vị, giá trị bán ròng hơn 5 tỷ đồng.

 

Phiên sáng: Toan tính mới

Sáng nay, Quốc hội đã phê chuẩn 2 Phó thủ tướng mới là ông Phạm Bình Minh và ông Vũ Đức Đam như đề nghị của Thủ tướng Chính phủ.

Trong khi đó, trên thị trường vàng ngoại tệ sáng nay cũng có những biến động mạnh. Trong khi giá vàng liên tục thay đổi giá với chiều hướng giảm dần theo đà giảm của giá vàng thế giới. Giá vàng SJC giảm 140.000 đồng/lượng so với sáng qua, niêm yết ở mức 36,34 – 36,4 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).

Trong khi đó, giá USD trên thị trường tự do đang có dấu hiệu nóng lên. Sáng nay, chiều bán USD tự do đã lên 21.210 đồng, tăng 20 đồng so với hôm qua và cao hơn 60 đến 70 đồng so với cuối tuần vừa rồi. Chiều mua vào từ khách cũng tăng vọt lên 21.190 đồng.

Những diễn biến trên thị trường vàng ngoại tệ, cùng với phiên chốt lời mạnh ngày hôm qua đã tác động không tốt lên thị trường chứng khoán.

Theo nhận định của các công ty chứng khoán, thị trường sẽ tiếp tục điều chỉnh, nhà đầu tư nên tiếp tục nắm giữ cổ phiếu, nhưng không nên gia tăng tỷ trọng trong giai đoạn thị trường đang tích lũy đi ngang.

“Thị trường nhiều khả năng sẽ cần thêm một vài phiên để có thể lấy lại trạng thái cân bằng. Nhà đầu tư được khuyến nghị duy trì một tỷ trọng cổ phiếu ở mức trung bình thấp, tránh các hành động mua đuổi trong các phiên thị trường bật tăng trở lại”, CTCK Bảo Việt  (BVSC) nhận định.

Phiên 13/11: Đầu tư ngược ảnh 2

Trở lại với thị trường chứng khoán. Thị trường trong phiên sáng nay đã trở lại xu thế lình xình với thanh khoản cầm chừng giống như dự báo của các công ty chứng khoán. Cả bên bán và bên mua đều tỏ ra thận trọng. Mặt khác, sau phiên phân phối ngày hôm qua, gần như lượng cung giá thấp cũng đã cạn, trong khi dòng tiền đầu cơ chưa dám tham gia trở lại ngay.

Diễn biến trong đợt mở cửa đã báo hiệu một phiên đi ngang với thanh khoản thấp của thị trường trong phiên sáng nay.

Kết thúc đợt 1, trên sàn HOSE chỉ có 1,75 triệu đơn vị được chuyển nhượng, trị giá hơn 16 tỷ đồng. VN-Index giảm nhẹ 0,75 điểm (-0,15%), xuống 496,9 điểm.

Những phút sau đó, chỉ số này giằng co mạnh quanh mốc tham chiếu, giao dịch ảm đạm hơn nhiều so với trung bình của các phiên gần đây.

Trong khi đó, nhờ sự hỗ trợ của các mã PVX, SHB… nên HNX-Index duy trì sắc xanh khá tốt trong nửa đầu phiên. Tuy nhiên, vào cuối phiên do lực mua không mạnh dạn, HNX-Index cũng quay đầu giảm điểm.

Đóng cửa phiên sáng, VN-Index giảm 0,16 điểm (-0,03%), xuống 497,49 điểm. VN30-Index giảm 0,74 điểm (-0,13%), xuống 554,37 điểm. HNX-Index giảm 0,04 điểm (-0,07%), xuống 63,81 điểm. HNX30-Index giảm 0,03 điểm (-0,02%), xuống 120,10 điểm. Chỉ số VIR-50 đo lường biến động của 50 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất trên TTCK Việt Nam phiên này giảm 2,51 điểm xuống còn 486,87 điểm (-0,51%).

Nhóm VN30 chỉ giằng co quanh mức giá tham chiếu, trong đó đáng chú ý là REE vẫn giữ được sắc xanh, VSH bất ngờ tăng khá, trong khi HSG và PET sau khi công bố kết quả kinh doanh tháng 10 khả quan cũng không thể tăng mạnh, khi HSG đứng ở mức tham chiếu, còn PET cũng chỉ tăng nhẹ 100 đồng.

Đà giảm của VN-Index được hãm nhiều khi GAS tăng nhẹ, trong khi VNM, VIC, VCB đứng giá, trong khi MSN lại kéo VN-Index khi giảm 500 đồng/cổ phiếu.

Phiên 13/11: Đầu tư ngược ảnh 3

Theo CTCK Bảo Việt, doanh thu từ dự án Mỏ Núi Pháo dự kiến sẽ đóng góp vào doanh thu của MSN khoảng 700 - 800 tỷ đồng vào quý IV/2013. Việc chuyển đổi từ công cụ nợ sang vốn chủ sở hữu cũng giúp hệ số nợ vay/vốn chủ sở hữu của MSN giảm từ mức 0,95 xuống 0,53. Vì vậy, MSN vẫn được đánh giá là cổ phiếu tốt cho mục tiêu trung và dài hạn.

Trái ngược với các cổ phiếu lớn bị yếu đà dù có thông tin tốt, cổ phiếu FLC lại vẫn ung dung nhích nhẹ trong 2 phiên trở lại đây sau thông tin Chủ tịch HĐQT đăng ký bán ra 4,5 triệu cổ phiếu được công bố.

Lượng khớp của FLC trong sáng nay dù thấp hơn phiên hôm qua khá nhiều nhưng vẫn ở mức 2,7 triệu đơn vị, cùng với một mã bất động sản khác là HQC đứng đầu về thanh khoản trên HOSE.

Các mã đầu cơ bị chốt lời mạnh hôm qua như LCG, IJC đều tăng nhẹ trở lại; các mã bất động sản cũng hội nhẹ sau phiên bị xả mạnh hôm qua.

Trong khi đó, PVX trên sàn HNX không còn giữ được sắc tím và lực mua mạnh như phiên trước đó, nên chấp nhận dừng ở mức tham chiếu khi kết thúc phiên sáng nay, dù có lúc cũng leo lên mức trần 3.000 đồng/cổ phiếu.

OPC: Ngày GDKHQ nhận cổ tức đợt 1/2013 (10%)

BBC: Ngày GDKHQ nhận cổ tức năm 2012 (12%) và tạm ứng cổ tức năm 2013 (6%)

>> CTCK nhận định thị trường ngày 13/11

>> Phiên 12/11: “Dội bom”

>> Khối ngoại bán ròng hơn 40 tỷ đồng

>> Góc nhìn kỹ thuật phiên 13/11

>> Tin tài chính nổi bật ngày 12/11

>> Cổ phiếu cần quan tâm ngày 13/11

T.Lê
T.Lê

Tin cùng chuyên mục