>> Sẽ kiểm tra lại vùng đỉnh 500 - 510 điểm
Phiên chiều: Lực bán tăng mạnh
Nhờ dòng tiền chảy mạnh vào các mã có tính đầu cơ cao đã giúp thị trường duy trì đà tăng khá trong hơn 1 tuần (trong đó, VN-Index có 1 phiên điều chỉnh thứ Năm tuần trước). Trong chuỗi tăng điểm này của thị trường, nhiều mã đã có mức tăng mạnh. Nếu tính mức giá cao nhất mà các mã đạt được trong phiên hôm nay, thì PVT tăng gần 25%, IJC tăng hơn 37,5%, ITA tăng gần 13%... Do đó, lực bán chốt lời đã tăng mạnh, kéo thị trường lùi xuống trong phiên giao dịch chiều. Dù lực bán tăng mạnh, nhưng dường như dòng tiền không rút ra mà chuyển hướng sang các mã có thị giá thấp khác, giúp thị trường có phiên giao dịch sôi động, thanh khoản tăng lên đáng kể.
Kết thúc phiên 1/10, VN-Index giảm 0,39 điểm (-0,08%), xuống 492,24 điểm. Tổng khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt 98,03 triệu đơn vị, tăng 43,57% so với phiên hôm qua; tổng giá trị khớp lệnh đạt 1.402,02 tỷ đồng, tăng 39,39% so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 4 triệu đơn vị, tương đương giá trị 253,23 tỷ đồng. Đáng chú ý là MSN được thỏa thuận hơn 2,55 triệu đơn vị, trị giá 218 tỷ đồng. Như vậy, tổng khối lượng giao dịch toàn phiên đạt 102,08 triệu đơn vị, tương đương giá trị 1.655,25 tỷ đồng, tăng 49,50% về khối lượng và tăng 64,54% về giá trị so với phiên hôm qua.
Áp lực bán tăng mạnh khiến số mã giảm giá nhiều hơn số mã tăng giá với 104 mã giảm so với 99 mã tăng. Trong đó, nhóm VN30 có 12 mã tăng, 13 mã giảm và 5 mã đứng giá. Kết thúc phiên, VN30-Index giảm 1,93 điểm (-0,35%), xuống 549,63 điểm.
Các mã thị giá thấp vẫn giữ được thanh khoản tốt. Phiên hôm nay, sàn HOSE có tới 30 mã được khớp trên 1 triệu đơn vị, trong đó có 5 mã được khớp trên 4 triệu đơn vị là ITA với 6,45 triệu đơn vị, IJC 5,25 triệu đơn vi, PPC 4,9 triệu đơn vị, PVT hơn 4,48 triệu đơn vị và TLH gần 4,48 triệu đơn vị.
Trong số trên, ITA đảo chiều giảm trở lại với mức giảm 200 đồng (-3,28%), xuống 5.900 đồng/cổ phiếu, trong khi 4 mã còn lại bị hãm đà tăng. Cụ thể, PVT tăng 200 đồng (+2,22%), lên 9.200 đồng/cổ phiếu, IJC tăng 200 đồng (+2,78%), lên 7.400 đồng/cổ phiếu, PPC tăng 200 đồng (+0,98%), lên 20.600 đồng/cổ phiếu và TLH chỉ còn tăng 200 đồng (+2,86%), lên 7.200 đồng/cổ phiếu.
Trong nhóm VN30, CII là mã tăng mạnh nhất với mức tăng 700 đồng (+4,22%), lên 17.300 đồng/cổ phiếu với 0,7 triệu cổ phiếu được khớp.
Nhà đầu tư nước ngoài vẫn giữ được nhịp mua như phiên sáng, nâng tổng khối lượng mua cả ngày lên 3.362.250 đơn vị, trong đó, họ mua vào nhiều nhất là VCB với 724.160 đơn vị, HPG 447.190 đơn vị, BVH 436.310 đơn vị.
Trên HNX, dù quay đầu giảm sớm hơn, nhưng nhờ lực mua nhẹ ở nhóm HNX30 ở đợt khớp lệnh ATC, nên giúp chỉ số HNX-Index hồi dù không thể lấy lại sắc xanh. Kết thúc phiên, HNX-Index giảm 0,03 điểm (-0,05%), xuống 60,93 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 45,43 triệu đơn vị, tương đương giá trị 363,71 tỷ đồng, tăng 35,37% về khối lượng và tăng 41,96% về giá trị so với phiên trước. Trong đó, giao dịch nhiều gấp đôi với 7,85 triệu đơn vị, trị giá 62 tỷ đồng.
Nhóm HNX30 có 7 mã tăng, 9 mã giảm, 11 mã đứng giá và 2 mã không có giao dịch. Kết thúc phiên, HNX30-Index tăng nhẹ 0,01 điểm (+0,01%), lên 113,3 điểm.
SHB, VCG, SCR vẫn là các mã được khớp lệnh nhiều nhất với 5,92 triệu đơn vị, 4,58 triệu đơn vị và 4,37 triệu đơn vị. Trong khi SCR giảm nhẹ 100 đồng, xuống mức thấp nhất ngày là 5.800 đồng/cổ phiếu, thì SHB và VCG đều lùi về mức tham chiếu, cũng là mức giá thấp nhất trong ngày của VCG.
Nhà đầu tư nước ngoài chiều nay bất ngờ mua vào mạnh VCS với 6.727.300 đơn vị, nâng tổng khối lượng mua toàn sàn lên 7.368.900 đơn vị, trong khi họ chỉ bán ra 186.228 đơn vị. Đợt mua mạnh VCS chỉ diễn ra trong đợt thỏa thuận, nên không ảnh hưởng đến giá cổ phiếu này trên sàn khi VCS đóng cửa ở mức giá tham chiếu 9.000 đồng/cổ phiếu với vỏn vẹn 1.000 đơn vị được khớp.
Chỉ số VIR-50 đo lường biến động của 50 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất trên TTCK Việt Nam phiên này giảm 1,03 điểm xuống còn 487,93 điểm (-0,21%). Trong đó có 15 mã tăng giá, 17 mã giảm và 18 mã đứng giá. Tăng mạnh nhất phải kể đến các mã như CII (4,2%), VCB (3,0%), NLG (2,9%), IJC (2,8%) và BVH (2,7%). Giảm mạnh nhất là các mã như ITA (-3,3%), KDC (-2,9%), KBC (-2,4%), NTP (-2,2%) và OGC (-2,0%).
Phiên sáng: Cổ phiếu nhỏ dậy sóng
TTCK Việt Nam bước vào phiên đầu tiên của tháng 10 với tâm lý e ngại của nhà đầu tư bởi nhiều thông tin không mấy tích cực.
Ở trong nước, thị trường đã bị “choáng” bởi đề xuất giảm lương của Bộ Tài chính, cho thấy ngân sách nhà nước đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, đề xuất này đã bị bác bỏ ngay trong phiên họp thường kỳ của Chính phủ. Cũng trong phiên họp này, Chính phủ yêu cầu giảm giá xăng, dầu khi giá dầu thế giới giảm mạnh thời gian qua. Trong tháng 9, giá dầu thô giảm hơn 1% do ngòi nổ Syria được tháo gỡ và quan hệ giữa Iran với Mỹ và các nước phương Tây đang “ấm” dần trở lại khiến lo ngại về nguồn cung được gỡ bỏ. Đề xuất giảm giá xang là một phần nguyên nhân giúp thị trường tăng mạnh trong phiên đầu tuần. Tuy nhiên, khi bước vào phiên sáng nay, thị trường nhận được thông tin không mấy khả quan. Theo đó, trong trả lời của Lãnh đạo Bộ Công thương cuộc họp báo thường kỳ tháng 9 vào ngày hôm qua, liên bộ Công thương – Tài chính dường như chưa muốn giảm giá xăng, dầu.
Ở ngoài nước, không chỉ nhà đầu tư trên TTCK Việt Nam, mà nhà đầu tư ở các TTCK khác trên toàn cầu vẫn đang “nín thở” theo dõi cuộc đấu ngân sách giữa Hạ viện, Thượng viện Mỹ và Nhà trắng. Dường như đảng Cộng hòa (kiểm soát Hạ viện) và đảng Dân chủ (kiểm soát Thượng viện) vẫn chưa có dấu hiệu nhượng bộ trong cuộc chiến này. Nếu 2 đảng này không đạt được thỏa thuận, nhiều khả năng Chính phủ Mỹ sẽ phải ngừng hoạt động do không có ngân sách, nhất là khi thời gian bước vào năm tài khoán mới 2014 chỉ còn được tính bằng giờ. Khi đó, nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể sẽ rơi vào khủng hoảng thật sự và nó sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ không chỉ lên nước Mỹ và cả các nền kinh tế khác trên thế giới.
Trở lại với TTCK Việt Nam, với những thông tin không mấy tích cực, chứng khoán Việt Nam đã điều chỉnh ngay khi bước vào phiên giao dịch sáng nay, không còn sự mạnh dạn mua vào như phiên hôm qua.
Kết thúc đợt 1, VN-Index giảm 0,71 điểm (-0,14%), xuống 491,92 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 1,94 triệu đơn vị, tương đương giá trị 22,79 tỷ đồng.
Tuy nhiên, khi bước vào đợt khớp lệnh liên tục, dòng tiền nóng tiếp tục chảy vào các mã có thị giá thấp đã giúp thị trường hồi phục. Trong khi đó, nhóm bluechip chỉ lình xình quanh mốc tham chiếu, phần lớn đứng mức tham chiếu.
Trong phiên hôm qua, SAM là mã nổi sóng với thông tin vợ Tổng giám đốc đăng ký mua vào, thì trong sáng nay, “sóng” đã ập đến 2 mã có thị giá thấp khác là TLH và TTF.
Lực mua lớn giúp cả 2 mã này tăng trần với lượng khớp mạnh. Tính đến 9h38, TLH đã được khớp hơn 2,3 triệu đơn vị và đang giao dịch ở mức trần 7.100 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, TTF dù chỉ được khớp 0,62 triệu đơn vị, nhưng tăng trần từ rất sớm do lượng mua mạnh, trong khi bên bán ít nhả hàng. Hiện mã này còn dư mua trần 0,31 triệu đơn vị.
Ngoài 2 mã trên, các mã vốn có tính đầu cơ cao như IJC, PVT, ITA vẫn hút được dòng tiền khá mạnh. Trong đó, PVT đang được khớp hơn 1,3 triệu cổ phiếu và có thời điểm lên mức trần 9.600 đồng/cổ phiếu trước khi hạ nhiệt lùi nhẹ về 9.500 đồng/cổ phiếu. IJC hiện cũng lên mức trần 7.700 đồng/cổ phiếu với hơn 1 triệu đơn vị được khớp. ITA cũng được khớp hơn 1,1 triệu đơn vị và đang tiến dần về mức trần.
Ngoài ra, SAM vẫn giữ được đà tăng tốt nhờ lực mua vẫn còn mạnh. Hiện mã này cách mức trần 7.700 đồng/cổ phiếu 2 bước giá và được khớp hơn nửa triệu đơn vị.
Nhờ sự hỗ trợ của các mã có thị giá thấp, VN-Index đã phục hồi trở lại và dần nới rộng đà tăng. Đến 9h44, VN-Index tăng 3,03 điểm (+0,62%), lên 495,66 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 18,82 triệu đơn vị, tương đương giá trị 228,74 tỷ đồng.
Trong khi đó, trên sàn HNX, HNX-Index được hỗ trợ mạnh bở nhóm HNX30 khi nhóm này có tới 18 mã tăng giá dù mức tăng không lớn, trong đó có nhiều mã có sức ảnh hưởng lớn như ACB, VCG, SCR…
Đến 9h50, HNX-Index tăng 0,29 điểm (+0,48%), lên 61,21 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 8 triệu đơn vị, tương đương giá trị 60 tỷ đồng.
Dù có thời điểm chững lại do lực bán gia tăng, nhưng cả 2 chỉ số sau đó đã lấy lại được đà tăng nhờ lực mua một lúc một tích cực hơn. Nhóm cổ phiếu thị giá nhỏ vẫn là địa chỉ quen thuộc của dòng tiền khi trong 6 mã có khối lượng khớp trên 2 triệu đơn vị trên HOSE có tới 5 mã có thị giá dưới 10.000 đồng/cổ phiếu, trong khi cả 5 mã có khối lượng khớp trên 1 triệu đơn vị trên HNX đều có giá dưới mệnh giá.
Nhờ có sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu thị giá thấp này, VN-Index đã chinh phục được ngưỡng 496 điểm, trong khi HNX-Index cũng leo lên 61,4 điểm.
Kết thúc phiên sáng, VN-Index tăng 3,4 điểm (+0,69%), lên 496,03 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 55,59 triệu đơn vị, tương đương giá trị 817,49 tỷ đồng, với 117 mã tăng giá, 60 mã giảm giá và 68 mã đứng giá. Giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể khi chỉ có 0,75 triệu đơn vị, trị giá 24,59 tỷ đồng được chuyển nhượng.
TLH duy trì được thanh khoản tốt trong phiên sáng nay với tổng khối lượng khớp đạt hơn 3,46 triệu đơn vị, đứng đầu sàn HOSE. Tuy nhiên, kết thúc phiên sáng, mã này không giữ được mức trần 7.400 đồng/cổ phiếu khi đóng cửa ở mức 7.300 đồng/cổ phiếu.
Trong khi đó, PPC lại được mua vào mạnh sau đó, giúp mã này tăng 500 đồng (2,45%) với 3,44 triệu đơn vị được khớp, đứng sau TLH.
Các mã có thanh khoản tốt khác là ITA với 3,23 triệu được khớp, lùi về mức tham chiếu 6.100 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, IJC vẫn giữ được sắc tím khi đóng cửa ở mức 7.700 đồng/cổ phiếu với 2,98 triệu đơn vị được khớp. Đây cũng là mã tăng mạnh nhất trong nhóm VN30.
Ngoài IJC tăng trần, VN30 còn được sự hỗ trợ của 19 mã khác, trong khi chỉ có STB và KDC ngáng chân. Kết thúc phiên sáng, VN30-Index tăng 2,92 điểm (+0,53%), lên 554,48 điểm.
Nhà đầu tư nước ngoài mua vào khá tích cực trong phiên sáng với tổng cộng 1.675.560 đơn vị, trong đó, họ mua vào nhiều nhất là VCB với 412.720 đơn vị, BVH với 256.310 đơn vị, KBC với 247.550 đơn vị.
Sàn HNX, chỉ số HNX-Index tăng 0,44 điểm (+0,73%), lên 61,4 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 22,38 triệu đơn vị, tương đương giá trị 179,92 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là giao dịch khớp lệnh.
HNX30-Index tăng 1,48 điểm (+1,31%), lên 114,77 điểm với 17 mã tăng, 10 mã đứng giá, duy nhất 1 mã giảm là PVV và 2 mã không có giao dịch.
SHB và VCG là 2 mã được khớp lớn nhất với tổng khối lượng lần lượt là 3,46 triệu đơn vị và 2,47 triệu đơn vị. Trong đó, SHB tăng nhẹ 100 đồng (+1,47%), VCG tăng 400 đồng (+4,60%). Tăng mạnh nhất trong nhóm HNX30 là PVE với mức tăng 600 đồng (+9,68%), lên mức trần 6.800 đồng/cổ phiếu.
Khối ngoại mua vào tổng cộng 449.000 đơn vị và bán ra 37.928 đơn vị. Trong đó, họ mua vào nhiều nhất là VCG với 110.000 đơn vị, tiếp đến là SDH với 90.100 đơn vị.
Hôm nay, rổ cổ phiếu tính chỉ số VIR-50 sẽ được thay đổi theo định kỳ. Theo đó, 2 mã bị loại khỏi rổ cổ phiếu tính VIR-50 trong quý IV/2014 là PVX và DIG. Trong đó, DIG vừa được bổ sung từ ngày 24/9 thay cho PVF hủy niêm yết. Hai mã được bổ sung vào rổ từ ngày 1/10 là PNJ và PVT.
Kết thúc phiên giao dịch sáng nay, chỉ số VIR-50 đo lường biến động của 50 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất trên TTCK Việt Nam tăng 2,60 điểm, lên mức 491,56 điểm (0,53%). Trong đó có 28 mã tăng giá, 5 mã giảm và 17 mã đứng giá. Tăng mạnh nhất phải kể đến các mã như IJC (6,9%), VCG (4,6%), PVT (4,4%), BVH (4,0%) và NLG (3,4%). Giảm mạnh nhất là các mã như NVB (-2,9%), KDC (-1,0%), STB (-0,6%), HVG (-0,5%) và DPR (-0,2%).
HTL: Ngày GDKHQ lấy ý kiến bằng văn bản
NLG: Ngày GDKHQ lấy ý kiến bằng văn bản
HAR: Ngày GDKHQ lấy ý kiến bằng văn bản
SEl: Ngày GDKHQ nhận cổ tức năm 2012 (10%) và hoán đổi cổ phiếu SEL thành cổ phiếu SJE
PRUBF1: Ngày GDKHQ thanh toán phần vốn góp bằng tiền cho nhà đầu tư