Phí ATM: Mưa dầm thấm lâu

(ĐTCK) Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bật đèn xanh cho Hội Thẻ ngân hàng và các NHTM được thu phí ATM bắt đầu từ ngày 1/1/2009. Xung quanh chủ trương này đang có các luồng dư luận trái chiều và mối quan tâm lớn nhất hiện nay là phí ATM sẽ được hướng dẫn thu như thế nào để vừa tránh thiệt thòi cho các ngân hàng, vừa khuyến khích người dân tiếp cận với ATM và sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Dự kiến, cuối tuần này, NHNN và các liên minh thẻ sẽ có câu trả lời chính thức.
Đến nay, đã có 39 tổ chức phát hành thẻ với mạng lưới khoảng 6.200 máy ATM. Đến nay, đã có 39 tổ chức phát hành thẻ với mạng lưới khoảng 6.200 máy ATM.

Bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho hay, cuộc họp sáng 21/11 do NHNN tổ chức với sự tham của VNBA, Hội Thẻ ngân hàng, CTCP Chuyển mạch tài chính quốc gia Banknetvn, CTCP Dịch vụ thẻ Smartlink và một số NHTM, chủ yếu bàn về chủ trương, cách thức thu phí giao dịch thanh toán thẻ ATM. Và chủ trương thu phí đã được thống nhất với lý do, các ngân hàng đã có sự đầu tư rất lớn về vốn, công nghệ và con người để phát triển và duy trì hệ thống ATM; cách thức thu về nguyên tắc sẽ là tối thiểu 1.000 đồng/giao dịch; ngoài ra, "các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán được quyền thu phí của người sử dụng dịch vụ thanh toán. Mức thu phí dịch vụ thanh toán do tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán quy định và niêm yết công khai".

Theo một cán bộ Ban Thanh toán, NHNN, tiền mua mỗi máy ATM hiện khoảng 20.000 USD, đồng thời các ngân hàng phải thuê chỗ đặt máy, phí bảo dưỡng, nhân sự, phần mềm chăm sóc khách hàng… Người dân gửi tiền vào tài khoản ATM được trả lãi không kỳ hạn; tại sao các ngân hàng vốn là đơn vị kinh doanh tốn kém chi phí như vậy lại không được thu phí? Theo vị cán bộ này, nếu như cho rằng, nhiều chủ thẻ ATM là công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất có thu nhập thấp, nay lại mất phí rút tiền để nhận định chủ trương này là vô lý thì không hẳn đúng. Chỉ thị 20 về trả lương qua tài khoản không buộc những đối tượng trên ở trong diện phải mở tài khoản, lập thẻ ATM. Việc trả lương như vậy là do thỏa thuận giữa chủ DN và tổ chức thanh toán (có thể đem lại lợi ích cho hai bên), ở nhiều nơi chưa được sự đồng tình của người lao động, lại cộng thêm việc công nhân luôn rút tiền lương cùng thời điểm, dẫn đến máy móc quá tải và hay trục trặc, gây bức xúc cho nhóm khách hàng này. Còn đa số nhóm khách hàng khác, sử dụng ATM với mức phí thấp hoàn toàn có lợi, đơn cử như chuyển tiền trong cùng hệ thống ngân hàng, nếu gửi qua bưu điện vừa mất thời gian hơn, vừa mất phí nhiều hơn.

Theo NHNN, đến nay đã có 39 tổ chức phát hành thẻ với mạng lưới khoảng 6.200 máy ATM, trên 22.000 điểm chấp nhận thẻ và đã phát hành được trên 12 triệu thẻ.

Đại diện Trung tâm thẻ Vietcombank cho biết, lâu nay khách hàng rút tiền ngoại mạng (mở thẻ ở ngân hàng này, rút tiền ATM tại ngân hàng khác trong cùng liên minh) không mất phí. Song mỗi giao dịch ngoại mạng, ngân hàng phát hành thẻ đều phải trả phí cho ngân hàng đã chi tiền cho chủ thẻ. Chẳng hạn, chủ thẻ Vietcombank rút tiền tại máy ATM của BIDV thì Vietcombank phải trả 3.300 đồng/giao dịch cho tổ chức chuyển mạch để nơi này chi lại 2.200 đồng cho ngân hàng đã chi tiền và trả 1.650 đồng nếu khách truy vấn số dư hoặc in sao kê.

Tuy nhiên, theo vị cán bộ này, mức phí có nên tối thiểu là 1.000 đồng/giao dịch không lại là điều cần bàn. Trên thực tế, từ khi chủ trương thu phí ATM được công bố, nhân viên, công nhân một số DN đã thay đổi thói quen rút tiền tại ATM bằng cách đến ngân hàng rút tiền từ tài khoản. Tại phòng giao dịch của BIDV trên phố Hai Bà Trưng (Hà Nội), nhiều khoản rút lương chỉ vài trăm nghìn đồng, khách hàng phải ghi phiếu rút tiền rất hay sai sót, nhân viên ngân hàng phục vụ không xuể, gây ra cảnh chờ đợi, mất thời gian cho khách hàng khác. Như vậy, có khi chi phí của ngân hàng và cả khách hàng tốn kém hơn 1.000 đồng mỗi lần giao dịch. Thế nhưng, với những người thu nhập thấp, lao động giản đơn, đó vẫn là khoản thu phải để ý, tính toán. Có khách hàng vốn quen thanh toán tiền điện qua tài khoản, nay lo ngại ngân hàng thu phí cao nên đã liên hệ nhờ nhân viên thu tiền điện đến thu tại nhà trở lại. Mong muốn hạn chế phương thức thanh toán bằng tiền mặt, đa dạng hóa nguồn thu từ dịch vụ của các ngân hàng do đó có thể bị ảnh hưởng, nhất là khi người dân Việt Nam vốn chưa quen với các hình thức thanh toán hiện đại.

Đề cập đến cách thức thu phí, trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Tú Anh, Tổng giám đốc Smartlink cho rằng, nếu là khách hàng sử dụng thẻ, bản thân bà cũng muốn mức thu thấp nhất, vì thế để người dân quen dần với phương thức chịu phí khi giao dịch ATM, đồng thời vẫn khuyến khích giao dịch không dùng tiền mặt, các ngân hàng nên cân nhắc thu phí ở mức hợp lý nhất, sau đó có thể điều chỉnh dần.

Bà Dương Thu Hương cho rằng, về nguyên tắc, tổ chức thanh toán được ấn định mức phí, với điều kiện của Việt Nam hiện nay, nên đưa ra nhiều biểu phí khác nhau cho phù hợp, chẳng hạn những giao dịch đơn giản như truy vấn tài khoản có thể thu phí thấp hơn rút tiền, các dịch vụ như thanh toán tiền điện, nước… qua tài khoản thì biểu phí có thể ưu đãi hơn… Thu phí một cách hợp lý, xã hội sẽ đồng thuận, bản thân ngân hàng cũng dễ dàng mở rộng đối tượng sử dụng dịch vụ của mình.

Thuỷ Anh
Thuỷ Anh

Tin cùng chuyên mục