Phế truất Chủ tịch HĐQT, khó không?

(ĐTCK) Khi nhận thấy sự điều hành của vị Chủ tịch HĐQT đương thời không hiệu quả, công ty thua lỗ và cổ đông không còn tín nhiệm, làm cách nào để phế truất Chủ tịch HĐQT trong trường hợp nhiệm kỳ chưa hết? Đây là vấn đề mà hàng loạt cổ đông của CTCP Vận chuyển Sài Gòn Tourist đang tìm lời giải.
Phế truất Chủ tịch HĐQT, khó không?

Bài 1: CTCP Vận chuyển Sài Gòn Tourist: Khi Chủ tịch HĐQT tham quyền cố vị

Sau khi cầm quyết định nghỉ hưu, đồng thời không còn là người đại diện vốn Nhà nước, Chủ tịch HĐQT của một công ty niêm yết đã triệu tập cuộc họp HĐQT để xem xét một loạt tờ trình với nội dung thanh lý tài sản giá trị lớn của công ty.

Sự việc trên xảy ra tại CTCP Vận chuyển Sài Gòn Tourist (STT). Ngày 2/5/2014, ông Đỗ Phan Châu, nguyên Phó bí thư thường trực Đảng ủy Tổng công ty Du lịch Sài Gòn cầm quyết định nghỉ hưu. Đồng thời với quyết định nghỉ hưu của ông Châu, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn cũng thông báo tới STT về việc ông Châu không còn là đại diện vốn góp của Tổng công ty này tại đây theo quy định của pháp luật công chức. Phần vốn góp do ông Châu đại diện sẽ được chuyển giao cho ông Lê Danh Đạt đại diện. Như vậy, ông Lê Danh Đạt đại diện cho 29,1% vốn góp của Tổng công ty Du lịch Sài Gòn tại STT.

Đây là tình huống hết sức phổ biến đối với các công ty niêm yết cũng như các công ty đại chúng chưa niêm yết khác. Mọi chuyện có lẽ không có gì gây chú ý nếu sau khi nghỉ hưu, Chủ tịch HĐQT đương nhiệm của STT làm đơn xin từ nhiệm như thông lệ, tuy nhiên, ông Đỗ Phan Châu đến thời điểm hiện tại không có đơn xin từ nhiệm.

Không những thế, đúng 2 tháng sau ngày nhận quyết định nghỉ hưu, ngày 2/7/2014, ông Đỗ Phan Châu đã triệu tập cuộc họp HĐQT với 3 nội dung: giải quyết các đơn từ nhiệm của thành viên HĐQT, thành viên BKS, thư ký HĐQT; thông báo thay đổi người đại diện vốn của Tổng công ty Du lịch Sài Gòn và xem xét 3 tờ trình với nội dung cơ bản là bán tài sản của Công ty.

Tại cuộc họp, một thành viên HĐQT đã đề nghị ông Châu nên làm đơn từ nhiệm bởi Tổng công ty Du lịch Sài Gòn đã có công văn thông báo ông Châu không còn nhiệm vụ tại STT. Tuy nhiên, ông Châu khăng khăng: “Khi nào tôi nộp đơn từ nhiệm trình ĐHCĐ thì khi đó mới kết thúc nhiệm vụ tại Công ty này”.

Cũng tại cuộc họp, 3 tờ trình của Tổng giám đốc Dư Hữu Danh liên quan tài sản lớn của Công ty cũng được đưa ra.

Thứ nhất là tờ trình xin thanh lý xe taxi Toyota Vios 1.5E và đầu tư xe taxi mới thay thế. Theo đó, Công ty có 100 xe Vios đầu tư từ năm 2009 xin bán thanh lý với lý do là vòng đời tuổi thọ của xe taxi 5 năm phải thay mới.

Thứ hai là tờ trình xin thanh lý xe dùng để đào tạo nhưng không sử dụng đến.

Thứ ba là tờ trình xin thanh lý khu đất 616,3 m2 tại Nguyễn Kiệm, Phường 3, quận Gò Vấp, TP. HCM, hiện đang thế chấp tại ngân hàng.

Tại cuộc họp, ông Đỗ Phan Châu cho rằng, hoạt động chính của STT là kinh doanh taxi nên việc đầu tư xa là vấn đề cấp bách, trong khi khách hàng có nhu cầu chất lượng xe phục vụ cao hơn. Với bộ máy nhân sự này, Công ty phải có 300 xe để hoạt động mới có hiệu quả.

Tuy nhiên, cũng trong cuộc họp, thông tin về tình trạng xe nằm bãi nhiều cũng được đưa ra, công suất hoạt động xe chỉ 85 - 87%.

Liệu việc thanh lý xe cũ, mua xe mới có đảm bảo công suất hoạt động xe đạt 100% hay không là điều nhiều cổ đông STT bày tỏ nghi ngờ. Theo nhiều cổ đông, trong tình trạng xe hoạt động không hết công suất, có lẽ phải xem xét nhiều khía cạnh trong quản lý, điều hành của Công ty.

Cổ đông cũng đặt vấn đề: Có phải sau gần 2 năm điều hành hoạt động kinh doanh ngày càng lỗ nặng, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc STT đã lập phương án bán dần tài sản để có nguồn tiền chi phí và sau khi sử dụng hết nguồn tiền thì sẽ đi đến giải thể hay phá sản Công ty?

Một nhóm cổ đông sở hữu trên 30% vốn điều lệ STT bày tỏ sự lo lắng vì ông Đỗ Phan Châu hiện nay đã nghỉ hưu, không còn là cán bộ Tổng công ty Du lịch Sài Gòn quản lý, tức là không còn có bất kỳ quyền lợi và nghĩa vụ nào liên quan đến cổ phiếu của STT. Thế nhưng, ông Châu lại chủ trì điều hành kế hoạch triển khai các quyết định thanh lý tài sản lớn của Công ty.

Nhóm cổ đông này đã có kiến nghị STT dừng ngay các phương án bán tài sản, đồng thời yêu cầu Tổng công ty Du lịch Sài Gòn cử người mới có trách nhiệm và trình độ chuyên môn thay thế cán bộ đã nghỉ hưu và các cán bộ yếu kém để cùng các cổ đông khác lập phương án kinh doanh tại STT.

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, trong trường hợp ông Châu không chủ động từ nhiệm, nhóm cổ đông sở hữu trên 10% vốn điều lệ có quyền yêu cầu HĐQT, BKS tổ chức ĐHCĐ bất thường bãi miễn tư cách thành viên HĐQT của ông Đỗ Hữu Châu.

Bài 2: Bãi miễn Chủ tịch HĐQT, cách nào?

Ngày 9/7, HOSE có công văn nhắc nhở STT về việc chậm tổ chức ĐHCĐ. HOSE đã yêu cầu Công ty tổ chức ĐHCĐ đúng quy định hiện hành.

Hoàng Duy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục