Phạm vi quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên tỉnh Điện Biên với quy mô khoảng 9.539,92 km2, gồm 10 đơn vị hành chính: Thành phố Điện Biên Phủ, thị xã Mường Lay, huyện Mường Nhé, huyện Mường Chà, huyện Tủa Chùa, huyện Tuần Giáo, huyện Mường Ảng, huyện Điện Biên, huyện Điện Biên Đông và huyện Nậm Pồ.
Mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Điện Biên trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc; là một trong những trung tâm du lịch, dịch vụ, y tế của vùng. Phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại, có năng suất và chất lượng cao kết hợp với công nghiệp chế biến, du lịch; kinh tế số đóng vai trò quan trọng trong phát triển tỉnh; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại. Ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021 - 2030 đạt 10,51%/năm. Cơ cấu kinh tế đến năm 2030: Ngành dịch vụ chiếm khoảng 41,2%; ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm khoảng 12,7%; ngành công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 42,4% (trong đó công nghiệp chiếm khoảng 12,1%).
Đến năm 2030 GRDP bình quân/người đạt trên 113 triệu đồng (theo giá hiện hành), năng suất lao động đạt 190,0 triệu đồng (theo giá hiện hành); giảm tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều xuống còn dưới 8%.
Các đột phá phát triển
Về các đột phá phát triển, hoàn thiện cơ chế, chính sách và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Cụ thể, tập trung nghiên cứu ban hành hoặc đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách liên quan đến thu hút đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế lâm nghiệp, chính sách hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu lao động..., thu hút giải phóng các nguồn lực. Thực hiện các giải pháp để tạo đột phá trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh với trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin để đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính. Xác định chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng góp phần đạt được các mục tiêu phát triển, tập trung vào tất cả các thành phần: Phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số...
Tạo dựng môi trường kinh doanh, đầu tư thông thoáng, minh bạch, thân thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải thiện mạnh mẽ các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX)…;
Bên cạnh đó, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội. Cụ thể, tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại với trọng tâm là hệ thống giao thông; xác định đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đi trước tạo đột phá và là động lực phát triển của tỉnh. Tập trung sớm đầu tư, nâng cấp và hoàn thành các dự án giao thông trọng điểm.
Đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tại thành phố Điện Biên Phủ; các thị trấn, thị tứ để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Ngoài ra, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Cụ thể, ứng dụng khoa học - công nghệ vào thực tiễn sản xuất, nghiên cứu triển khai các chương trình khoa học - công nghệ để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm chủ lực của địa phương (chè Tủa Chùa; cà phê Mường Ảng; mắc ca tại các huyện Tuần Giáo, Mường Nhé, Mường Ảng, Điện Biên và thành phố Điện Biên Phủ..).
Nghiên cứu, phát triển các loại cây dược liệu có giá trị; đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong chế biến nông, lâm sản, trồng và chế biến gỗ; ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao phù hợp trong nông nghiệp, y dược, bảo vệ môi trường và phát triển các sản phẩm thuộc Chương trình OCOP của tỉnh.
Tập trung phát triển sản phẩm nông nghiệp có lợi thế theo các nhóm sản phẩm chủ lực
Về phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng, với ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản, phát triển theo hướng hiện đại, bền vững gắn với phát triển nông thôn mới theo hướng sản xuất nông nghiệp theo vùng gắn với các chuỗi giá trị hàng hóa chất lượng cao, ứng dụng khoa học - công nghệ để nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông, lâm, thủy sản.
Tập trung phát triển sản phẩm nông nghiệp có lợi thế theo các nhóm sản phẩm chủ lực. Nâng cao chất lượng lúa, gạo đặc sản theo cánh đồng lớn; xây dựng các vùng trồng cây đặc sản, vùng sản xuất rau, củ, quả,... được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ; phát triển cây ăn quả, gia súc ăn cỏ; bảo vệ tốt diện tích có rừng, đẩy mạnh phát triển kinh tế lâm nghiệp (trồng cây gỗ lớn, cây dược liệu, mắc ca).
Xây dựng ngành lâm nghiệp thành một ngành kinh tế trọng điểm trong cơ cấu nông nghiệp toàn tỉnh. Phát triển cây mắc ca, trồng rừng sản xuất, lâm sản ngoài gỗ và cây dược liệu, sản xuất nông lâm kết hợp kinh tế tuần hoàn trong lâm nghiệp, cho thuê môi trường rừng, phát triển cảnh quan và các loại hình du lịch bền vững trên những khu vực có tiềm năng và tiếp cận với thị trường kinh doanh tín chỉ các-bon...
Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, dựa trên ba trụ cột chính
Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, dựa trên ba trụ cột chính là: Du lịch lịch sử văn hóa; du lịch sinh thái, khám phá cảnh quan thiên nhiên và du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe; phấn đấu đến năm 2030, du lịch đóng góp trên 10% GRDP của tỉnh. Đến năm 2050, Điện Biên là trọng điểm du lịch văn hóa - lịch sử - sinh thái quốc gia hướng tới đẳng cấp quốc tế, phát triển mạnh dịch vụ thương mại và vùng biên giới ổn định, vững chắc.
Định hướng phát triển các sản phẩm du lịch chủ đạo, mang tính đặc thù của tỉnh, gồm:
Du lịch lịch sử văn hóa: Nâng cao chất lượng dịch vụ, tập trung khai thác nhu cầu du lịch lịch sử gắn với khai thác, phát huy giá trị Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, nâng cấp lễ kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ trở thành lễ hội - sự kiện quốc tế; khai thác phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc và các cơ sở thờ tự trên địa bàn tỉnh, phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng.
Du lịch sinh thái, khám phá cảnh quan thiên nhiên: Du lịch sinh thái gắn với hồ, rừng; chinh phục đỉnh A Pa Chải (huyện Mường Nhé), đỉnh núi Phù Lồng (huyện Điện Biên Đông); vượt đèo Pha Đin,...
Du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe: Nghỉ dưỡng hồ (hồ Pá Khoang, lòng hồ thị xã Mường Lay); nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, tắm khoáng nóng (U Va, Hua Pe, suối khoáng nóng Bản Sáng); thể thao, giải trí (sân gôn, đua thuyền, các môn thể mạo hiểm như dù lượn, xe đạp địa hình); tổ chức các giải thi đấu thể thao quốc gia, quốc tế gắn với phát triển du lịch (việt dã, dù lượn).
Phát triển các sản phẩm du lịch bổ trợ như: Du lịch biên mậu (gắn với cột mốc A Pa Chải, cửa khẩu quốc tế Tây Trang, cửa khẩu Huổi Puốc); du lịch thương mại, công vụ; du lịch nông nghiệp gắn với các sản phẩm OCOP, nghề truyền thống, bản văn hóa du lịch cộng đồng...
04 trục động lực - 03 vùng kinh tế - 04 cực tăng trưởng
Về phương án tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội, tỉnh Điện Biên phát triển theo mô hình cấu trúc không gian 04 trục động lực - 03 vùng kinh tế - 04 cực tăng trưởng:
04 trục động lực, gồm:
- Trục kinh tế động lực theo quốc lộ 279, tuyến cao tốc Điện Biên - Sơn La - Hà Nội, gắn với cảng hàng không Điện Biên: Là trục động lực chính, quan trọng của toàn vùng; là tuyến giao thông tạo sự kết nối mạnh mẽ, thông suốt giữa tỉnh Điện Biên và các tỉnh Tây Bắc, các tỉnh trong vùng trung du miền núi phía Bắc cũng như sang nước bạn Lào thông qua cửa khẩu Tây Trang, cửa khẩu Huổi Puốc. Trục kinh tế này là động lực phát triển kinh tế toàn tỉnh mà trọng tâm là phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại, nông nghiệp hàng hóa, công nghiệp chế biến; tác động trực tiếp đến không gian phát triển của huyện Tuần Giáo, Mường Ảng, thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên.
- Trục phát triển kinh tế dọc theo quốc lộ 12: Là trục kết nối giữa khu vực phía Bắc với khu vực phía Nam tỉnh và kết nối sang Lào thông qua cửa khẩu Huổi Puốc, cửa khẩu Tây Trang; tác động trực tiếp đến không gian phát triển của huyện Mường Chà, thị xã Mường Lay, huyện Điện Biên và thành phố Điện Biên Phủ. Đây là tuyến giao thông cần được ưu tiên đầu tư trong giai đoạn tới để phát huy lợi thế của Cảng hàng không Điện Biên và tăng cường kết nối với các tỉnh lân cận.
- Trục phát triển kinh tế dọc theo quốc lộ 6: Là trục kết nối thị xã Mường Lay với khu vực huyện Tuần Giáo và các tỉnh, thành phố phía Đông Nam (Sơn La, Hòa Bình, Hà Nội); kết hợp với các tuyến đường tỉnh 139, đường tỉnh 146, đường tỉnh 149B tạo thành trục vành đai phía Đông của tỉnh liên kết các huyện, tăng cường giao lưu giữa khu vực phía Bắc và phía Nam của tỉnh.
- Trục phát triển kinh tế dọc theo quốc lộ 4H kết nối với vùng phía Tây của tỉnh: Là trục giao thông quan trọng góp phần phát triển du lịch và thương mại dịch vụ, kết nối với Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé và cửa khẩu A Pa Chải sang Trung Quốc; có tác động trực tiếp đến không gian phát triển của thị trấn huyện Nậm Pồ, thị trấn Mường Nhé và thị trấn Mường Chà.
03 vùng kinh tế, gồm:
- Vùng kinh tế I (vùng kinh tế động lực): Bao gồm thành phố Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên và huyện Điện Biên Đông; là vùng động lực phát triển đa dạng các lĩnh vực: Nông lâm nghiệp, du lịch, công nghiệp chế biến, thương mại dịch vụ…
- Vùng kinh tế II: Bao gồm huyện Tủa Chùa, huyện Tuần Giáo và huyện Mường Ảng; là vùng tập trung phát triển kinh tế nông lâm nghiệp và công nghiệp chế biến, du lịch.
- Vùng kinh tế III: Bao gồm huyện Mường Nhé, huyện Nậm Pồ, huyện Mường Chà và thị xã Mường Lay; là vùng tập trung phát triển nông lâm nghiệp và thuỷ sản, du lịch thương mại dịch vụ.
04 cực tăng trưởng, gồm:
- Thành phố Điện Biên Phủ: Là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế - xã hội, thương mại - dịch vụ, du lịch, khoa học - kỹ thuật, giáo dục - đào tạo, văn hóa nghệ thuật của tỉnh; là đô thị trung tâm của vùng Tây Bắc. Tập trung xây dựng hình ảnh đô thị lịch sử - văn hóa và du lịch; phát triển mạnh vận tải trung chuyển quốc tế gắn với cửa khẩu Tây Trang, cửa khẩu Huổi Puốc và trục kinh tế Viêng Chăn - Điện Biên Phủ - Côn Minh.
- Thị xã Mường Lay: Phát triển thành trung tâm du lịch sinh thái của vùng phía Bắc tỉnh; xây dựng các cơ sở phục vụ du lịch, tạo các sản phẩm du lịch đa dạng gắn với văn hóa bản địa.
- Thị trấn Tuần Giáo: Phát triển thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ thương mại cửa ngõ phía Đông của tỉnh; thu hút đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp để thúc đẩy kinh tế của thị trấn và vùng huyện Tuần Giáo.
- Thị trấn Mường Nhé: Là trung tâm vùng kinh tế III, phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, du lịch sinh thái và đặc biệt là thương mại - dịch vụ qua cửa khẩu biên giới.