Phê duyệt Đề án thành lập Công viên địa chất Phú Yên

Công viên địa chất Phú Yên khi được công nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO giúp thu hút lượng khách du lịch quốc tế đến Phú Yên, nâng cao vị thế của địa phương khi thu hút đầu tư.
Di tích quốc gia đặc biệt Gành Đá Đĩa là 1 trong 6 di sản nổi bật và hiếm gặp được đề nghị xếp hạng quốc tế nằm trong Đề án thành lập Công viên địa chất Phú Yên. Ảnh: Huỳnh Lê Viễn Duy. Di tích quốc gia đặc biệt Gành Đá Đĩa là 1 trong 6 di sản nổi bật và hiếm gặp được đề nghị xếp hạng quốc tế nằm trong Đề án thành lập Công viên địa chất Phú Yên. Ảnh: Huỳnh Lê Viễn Duy.

Ông Đào Mỹ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên vừa ký quyết định phê duyệt Đề án thành lập Công viên địa chất Phú Yên hướng tới danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO. Thời gian thực hiện đề án từ tháng 9/2024 đến 2027 với tổng kinh phí khoảng 36,5 tỷ đồng.

Theo UBND tỉnh Phú Yên, mục tiêu cụ thể của Đề án là thành lập Công viên địa chất Phú Yên, Ban Quản lý Công viên địa chất Phú Yên; ra mắt và tham gia Mạng lưới Công viên địa chất Quốc gia tại Việt Nam; triển khai công tác khảo sát, điều tra, đánh giá bổ sung và tổng hợp các tài liệu đã có chuẩn bị cho công tác lập hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận Công viên địa chất toàn cầu đối với Công viên địa chất Phú Yên.

Đồng thời, hình thành các sản phẩm du lịch địa chất gắn với phát triển các ngành kinh tế phụ trợ, phục vụ du lịch ngày càng chất lượng, chuyên nghiệp, đáp ứng được nhu cầu du khách nội địa và quốc tế.

Khu vực Công viên địa chất Phú Yên được xác định nằm trên địa bàn 7 huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gồm TP. Tuy Hòa, thị xã Sông Cầu, thị xã Đông Hòa, huyện Tuy An, một phần các huyện Phú Hòa, Tây Hoà và Sơn Hòa) với tổng diện tích đất liền khoảng 1.927 km2 và diện tích mặt nước vùng nội thủy khoảng 1.000 km2 (tính từ bờ ra đến độ sâu khoảng 50 m, bao gồm các đảo ven bờ).

Ranh giới tạm thời khu vực Công viên địa chất Phú Yên.

Ranh giới tạm thời khu vực Công viên địa chất Phú Yên.

Để thực hiện đề án, UBND tỉnh Phú Yên giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh Quyết định thành lập Ban Quản lý Công viên địa chất Phú Yên; triển khai các quy trình, thủ tục để hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận công viên địa chất toàn cầu.

Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp triển khai các hoạt động xúc tiến, kêu gọi, thu hút đầu tư các dự án (ngoài Khu Kinh tế Nam Phú Yên, khu công nghiệp, Khu Nông nghiệp ứng dụng Công nghệ cao) phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển Công viên địa chất Phú Yên.

Dự kiến, Phú Yên sẽ trình UNESCO hồ sơ dự thảo công nhận Công viên địa chất Phú Yên trong tháng 11/2025; trình hồ sơ chính thức sau khi UNESCO góp ý trong tháng 2/2026; đón đoàn thẩm định của UNESCO trong tháng 7/2026 và được công nhận chính thức nếu đạt điều kiện trong tháng 6/2027.

“Công viên địa chất Phú Yên khi được công nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO là một sản phẩm du lịch mang tầm quốc tế, giúp thu hút lượng khách du lịch quốc tế đến Phú Yên, qua đó khẳng định được vị thế của thương hiệu Du lịch Phú Yên”, UBND tỉnh Phú Yên thông tin.

Ngoài ra, việc tham gia Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu sẽ giúp quảng bá thương hiệu du lịch Phú Yên trong 211 thành viên của Mạng lưới và được quảng bá trên toàn thế giới thông qua các sự kiện, chương trình truyền thông do UNESCO tổ chức; thu hút các nhà khoa học đến thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu về các di sản, qua đó nâng tầm giá trị kho tàng di sản của tỉnh; đồng thời nâng cao vị thế của địa phương khi thu hút đầu tư.

Nguyễn Toàn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục