Là một trong 15 cảng biển loại I (cảng biển quốc gia, đầu mối khu vực) theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cảng Chu Lai (Quảng Nam) có vị trí và vai trò quan trọng trong xuất nhập khẩu hàng hóa, thúc đẩy giao thương tại miền Trung, Tây Nguyên và các nước lân cận.
Đưa vào hoạt động năm 2012, cảng Chu Lai là công trình được đầu tư từ nhu cầu tự thân của Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO) nhằm giải quyết bài toán về giao nhận - vận chuyển và xuất nhập khẩu khi đầu tư vào Khu kinh tế mở Chu Lai. Trong bối cảnh giá dịch vụ logistics tại Quảng Nam thời điểm đó cao hơn 50%, thậm chí một số tuyến cao gấp đôi so với hai đầu Bắc - Nam, việc đầu tư cảng Chu Lai và các dịch vụ bổ trợ đã giúp giảm đáng kể chi phí. Đến nay, cảng Chu Lai đã trở thành trung tâm logistics lớn phục vụ nhu cầu giao nhận - vận chuyển, xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp tại miền Trung, Tây Nguyên.
Những năm gần đây, các hoạt động sản xuất, kinh doanh đa ngành, từ ô tô, nông nghiệp đến cơ khí và công nghiệp hỗ trợ, đầu tư xây dựng, thương mại dịch vụ của THACO ngày càng phát triển, tạo ra “chân hàng” lớn và đều đặn cho cảng Chu Lai.
Tại tỉnh Quảng Trị, Dự án Trung tâm Dịch vụ hậu cần và logistics Khu kinh tế Đông Nam được tỉnh chấp thuận đầu tư từ năm 2020, chủ đầu tư là Công ty cổ phần ICD Đông Nam. Dự án có tổng vốn đầu tư trên 2.000 tỷ đồng.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, ông Hà Sỹ Đồng cho biết, UBND tỉnh đã có giải pháp tạo thuận lợi cho dự án nhanh chóng triển khai đúng quỹ đạo. Tỉnh cũng thu hút các nhà đầu tư vào Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị để tạo thêm chân hàng.
Còn với Thừa Thiên Huế, Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô được xem là động lực phát triển phía Nam của tỉnh và cảng Chân Mây hiện hữu như “trái tim” của khu kinh tế này.
Nói đến miền Trung, không thể không nhắc tới Đà Nẵng. Để trở thành trung tâm chuỗi logistics của khu vực, Thành phố đang tích cực triển khai Đề án Phát triển dịch vụ logistics TP. Đà Nẵng kết nối hiệu quả với vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung và Hành lang Kinh tế Đông - Tây giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo quy hoạch, Đà Nẵng có 5 trung tâm logistics chính được bố trí tại các đầu mối giao thông, khu công nghiệp, cụm công nghiệp với tổng diện tích 229 ha.
Ông Bùi Hồng Trung, Phó giám đốc Sở Giao thông - Vận tải cho hay, để Đà Nẵng trở thành trung tâm logistics của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, trong đó cảng Liên Chiểu được sử dụng như cảng cửa ngõ của chuỗi cung ứng dịch vụ logistics vào các nước ASEAN và châu Á - Thái Bình Dương, cần tận dụng các ưu thế của địa phương để phát triển hệ thống hạ tầng logistics đồng bộ, liên thông, đủ năng lực đáp ứng nhu cầu dịch chuyển, xử lý dòng hàng phát sinh của Thành phố và các tỉnh lân cận, đặc biệt là luồng hàng hóa trên Hành lang kinh tế Đông - Tây cũng như Đông - Tây 2 trong tương lai.