Dư địa lớn để thu hút nhà đầu tư
Chia sẻ trên được ông Phan Hữu Thắng, Chuyên gia kinh tế, Nguyên Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài cho biết tại Tọa đàm Nhận diện xu hướng mới trong phát triển khu công nghiệp sáng ngày 20/9 do Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức.
Theo ông Thắng, tính đến cuối 2020 có 380 khu công nghiệp, tổng diện tích 114.000 ha, hệ số lấp đầy của các khu công nghiệp 54 - 55%, với các dự án được cấp phép đạt 72 - 75%. Việt Nam thu hút được gần 10.000 các dự án đầu tư vào các khu công nghiệp, tổng vốn đầu tư trên 190 tỷ USD. Tại các khu công nghiệp, có 70 - 80% thuộc về ngành chế biến, chế tạo.
Bên cạnh tiềm năng về đất đai, phát triển khu công nghiệp Việt Nam còn được hỗ trợ bởi chính sách. Cụ thể, hệ thống luật pháp chính sách nhất quán từ nhiều năm nay đã hình thành xây dựng luật pháp, bổ sung theo hướng mở rộng phát triển khu công nghiệp, tìm mô hình phát triển khu đô thị mới như dịch vụ, đô thị, phụ trợ, nông nghiệp công nghệ cao. Dưới con mắt nhà đầu tư nước ngoài, hệ thống chính sách ổn định nhất quán, có tiềm năng, là căn cứ để họ quyết định đầu tư.
“Thách thức lớn nhất của chúng ta hiện nay và mục tiêu cần đạt tới là phòng chống được dịch để đời sống quay lại bình thường; giữ chân được nhà đầu tư; thu hút được nhà đầu tư mới”, ông Phan Hữu Thắng cho biết đây là 3 thách thức mới. Đồng thời, việc thu hút đầu tư nước ngoài phải đảm bảo đồng bộ tốc độ phát triển kinh tế xã hội theo hướng ưu tiên đảm bảo dự án công nghệ cao, 4.0, đảm bảo môi trường.
Kiến tạo phát triển Khu công nghiệp trước tình hình Covid
Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần SHINEC, Chủ đầu tư Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền cho hay, có nhiều khó khăn, thách thức để phát triển khu công nghiệp sau Covid-19.
Theo ông Điệp, hiện nay, mới khai thác được trên 50% quỹ đất dành cho khu công nghiệp, doanh nghiệp còn đối mặt với một số khó khăn.
Thứ nhất, do tích hợp giữa các luật với nhau, Luật Đầu tư, Luật đất đai, mà khó nhất là Luật Đất đai. Muốn thu hút được khu công nghiệp thì tất cả các Luật phải tích hợp được với nhau.
Thứ hai, theo chủ đầu tư Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, Covid-19 vừa qua cho thấy lực lượng lao động quan trọng. Tuy nhiên, tại Khu công nghiệp không có nhà ở cho công nhân, quản lý công nhân rất khó. Và sau đợt dịch bệnh tại TP.HCM, Bình Dương, người lao động không yên tâm ở lại dẫn tới nghỉ việc và doanh nghiệp sẽ xẩy ra tình trạng thiếu lao động.
Cùng với đó, việc Nghị định 82 quy định các tỉnh thành phố phải lấp đầy Khu công nghiệp trên 60% mới được tiếp tục xin cấp phép làm dự án mới cũng là một trong những khó khăn.
"Nhưng phải hiểu, mỗi doanh nghiệp đầu tư hạ tầng có một cách làm thu hút khác nhau. Nếu doanh nghiệp nào không làm được thì đã có Luật yêu cầu thu hồi. Sau Covid-19, chúng ta sẽ có cái nhìn tốt hơn về phát triển khu công nghiệp đô thị, sinh thái, chuyên ngành và đây là xu hướng quan trọng của thế giới, nếu làm được vậy thì Việt Nam sẽ phát triển rất tốt", ông Điệp cho biết.
Nam Cầu Kiền thiết lập kênh chuyên môn, tổ công tác để thực hiện các hành lang quy định đăng ký khu công nghiệp sinh thái. Trong giai đoạn chờ các chính sách cập nhật sau Nghị định 82, Nam Cầu Kiền đã chuẩn bị sẵn sàng thông tin, cơ sở dữ liệu, quan hệ thực tiễn của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp để đáp ứng, chuyển đổi thành khu công nghiệp sinh thái trong thời gian tới.
Làm thế nào để khu công nghiệp phát triển trước tình hình Covid-19, ông Ko Tae Yeon, Tổng giám đốc Công ty Heesung Electronics Vietnam cho rằng, đối với khu công nghiệp cần phát triển hệ thống thông minh. Từ tình hình thực tế là nhiều người không được gặp nhau thì phát triển mạnh hơn online giữa các công ty hay giữa các thành viên trong công ty.
Ông Ko Tae Yeon, cũng nhấn mạnh điều kiện đầu tư vào khu công nghiệp là sự quan tâm của Chính phủ. Hy vọng thời gian tới Chính phủ có nhiều chính sách tốt hơn để mở rộng khu công nghiệp tại Việt Nam.
Trong khi đó ông Hongsun, Phó chủ tịch Korcham tại Việt Nam kiến nghị xây dựng khu công nghiệp đa tầng. Các khu công nghiệp truyền thống thông thường chỉ có nhà máy đơn thuần, không có nhà ở. Tuy nhiên, xu hướng phát triển của khu công nghiệp nhiều nước khác là hỗn hợp, thậm chí là Khu đô thị nhà ở, phòng khám, nhà trường để có thể sinh hoạt phục vụ cho khu công nghiệp này.
Nếu Việt Nam từng phát triển khu công nghiệp dịch vụ, vừa có nhà ở, thì khi áp dụng 3 tại chỗ như hiện nay sẽ thuận lợi. Vì vậy, phát triển khu công nghiệp mới không chỉ riêng nhà máy mà đi theo dịch vụ để dân sống và làm việc tại chỗ.
“Đất bây giờ hạn chế, đất không phải là tài nguyên mãi mãi. Nhiều nước trên thế giới cho xây dựng nhà máy đa tầng hơn, nhà máy chung cư, 5 tầng, thậm chí 10 tầng để tận dụng, hiệu quả, tiết kiệm đất làm ra nhiều cơ sở sản xuất. Đối với một số lĩnh vực có thể thực hiện 1, 2 tầng thôi nhưng có lĩnh vực đa tầng”, ông Hongsun cho hay.
Theo Phó Chủ tịch Korcham, ở Hàn Quốc, kho vận, nhà kho không xây một tầng mà 4 - 5 tầng trở lên cho hiệu quả. Ông kiến nghị ban quản lý đầu tư, chính quyền địa phương, khu công nghiệp nên điều chỉnh lại vấn đề này để áp dụng mô hình các nước đang phát triển, đã phát triển.
"Nếu chỉ là nhà máy đơn thuần thì khó tồn tại bền vững đặc biệt thời gian chuẩn bị sau Covid. Kỳ vọng Chính phủ Việt Nam, địa phương nghiên cứu để áp dụng thành công", ông Hongsun nói.
Quy hoạch tốt thu hút nhà đầu tư tốt
Theo ông Bùi Ngọc Hải, Phó Trưởng Ban, Ban quản lý Khu kinh tế Thành phố Hải Phòng: "Chúng ta kỳ vọng phát triển theo xu hướng chất lượng hơn, khả năng linh hoạt hơn, ứng phó với bất thường tốt hơn, bền vững hơn. Đây là xu hướng nhưng xu hướng nào cũng cần lực lượng dẫn dắt. Khâu dẫn dắt đầu tiên là hình thành lại khái niệm quy hoạch, không quy hoạch độc lập thực thể nữa mà quy hoạch cả khu, ít nhất là Thành phố để có sự tương tác, hỗ trợ lẫn nhau. Khâu quy hoạch là vô cùng quan trọng".
Ông Hải nhấn mạnh, quy hoạch tốt thu hút được nhà đầu tư tốt, quy hoạch là nguồn lực của nguồn lực, quyết định sự thành công của khu công nghiệp. Cùng với quy hoạch phải có chính sách phù hợp và lựa chọn được doanh nghiệp dẫn dắt xu thế đó.
Hải Phòng đang Dự thảo ra Nghị quyết mới về phát triển Khu công nghiệp từ nay đến 2025 tầm nhìn 2030. Theo đó, chủ động chọn lọc thu hút đầu tư, gắn với khai thác lợi thế của Hải Phòng và cả lợi thế tập trung. Lợi thế tập trung là lợi thế rất lớn.
"Hải Phòng đi theo hướng chủ động chọn lọc, mạnh dạn áp dụng mới trong mô hình khu công nghiệp. Sự lãng phí lớn của xã hội chúng ta chính là về kỹ năng. Công nhân được đào tào kỹ năng sau thời gian 3 - 4 năm làm tại nhà máy lại về quê thì rất lãng phí. Cần có chính sách giữ chân người lao động, tạo điều kiện để họ gắn bó sản xuất để huy động tốt nguồn lực lao động", ông Bùi Ngọc Hải nhấn mạnh.