Theo Bộ trưởng, đất nước ta còn đang thua nhiều nước xung quanh ở nhiều khía cạnh, điều đó hun đúc trong mỗi lãnh đạo, công chức, viên chức của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư khát vọng bắt kịp các nước đi trước chúng ta.
“Thời gian là vàng nhưng cũng là kẻ thù nếu chúng ta để nó trôi đi vô nghĩa”, Bộ trưởng nói và chia sẻ, Việt Nam đã không còn là quốc gia nghèo, chậm phát triển, nhưng chặng đường đang phát triển để tiến tới một quốc gia giàu mạnh còn rất dài.
“Nếu phải mất 25 năm đổi mới để đạt tư cách “đang phát triển có mức thu nhập trung bình thấp” thì để trở thành một nước thu nhập trung bình cao và nước phát triển, sẽ phải mất nhiều hơn thế, sẽ là tầm nhìn 30 năm, 50 năm. Làm thế nào để rút ngắn được thời gian này?”, ông trăn trở.
Năm 2016, thu nhập bình quân đầu người của chúng ta mới chỉ tăng thêm được 106 USD. Nhiệm vụ và cũng là khát vọng đặt ra đến năm 2020 là phải đạt 3.200 đến 3.500 USD/người. Như vậy, mỗi năm phải tăng thêm ít nhất 250 USD nữa mới có thể đạt được mục tiêu đề ra.
Theo Bộ trưởng, để đuổi kịp các nước, chúng ta phải phấn đấu theo cấp số nhân, phải đạt được mức thu nhập vào tốp đầu của các nước ASEAN. “Khát vọng là lớn lao, nhiệm vụ là nặng nề nhưng nếu không có khát vọng, chúng ta sẽ rơi vào trạng thái hài lòng với những gì đạt được, ngủ quên với chiến thắng của quá khứ mà mất đi ý chí, quyết tâm và động lực để phát triển”.
Với nhiệm vụ tham mưu chiến lược về cơ chế, chính sách được đặt lên hàng đầu, tư lệnh ngành kế hoạch khẳng định, Bộ sẽ quyết tâm theo đuổi con đường đổi mới thể chế, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh hấp dẫn, cạnh tranh, bình đẳng; triển khai và thực hiện hiệu quả đột phá chiến lược về thể chế kinh tế thị trường trong lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ.
Bộ trưởng cho biết, “một bước đi lớn” trong đổi mới của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư chính là đổi mới tư duy, vượt qua chính mình, không vì lợi ích cục bộ. Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư công gặp nhiều khó khăn, Bộ đã đổi mới cách làm, tháo gỡ những khó khăn, rào cản trong việc tổng hợp kế hoạch đầu tư công trung hạn, và kế hoạch năm 2017; tham mưu, kiến nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao quyền lựa chọn dự án, chương trình cần ưu tiên đầu tư cho các Bộ, ngành, địa phương, tạo sự chủ động cho các Bộ, ngành và địa phương trong việc quyết định sử dụng nguồn lực của mình, đầu tư vào đâu đảm bảo hiệu quả, tạo động lực cho phát triển. Bộ Kế hoạch và Ðầu tư chỉ tập trung tham mưu về định hướng, nguyên tắc, tiêu chí, rà soát và tổng hợp kế hoạch.
Cũng theo Bộ trưởng, khát vọng kiến tạo phát triển của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đã được truyền cảm hứng từ tư tưởng xây dựng Chính phủ kiến tạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
“Với lịch sử hơn 70 năm đầy tự hào của ngành và Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, cùng với sự lớn mạnh và phát triển của cơ quan, vị trí, vai trò tham mưu chiến lược không ngừng được củng cố. Mỗi cán bộ của ngành phải luôn luôn đi đầu trong quá trình kiến tạo phát triển đất nước. Bóng dáng của hai chữ “kế hoạch và đầu tư” luôn xuất hiện trong những quyết sách, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội”, ông nói.
Ra quân trong những ngày đầu năm 2017 với chủ đề “Tăng cường kỷ cương, đề cao trách nhiệm, thi đua sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tiên phong đi đầu, nâng cao nhuệ khí, hào hứng bắt tay vào công việc, trước tiên là quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) của Đảng; triển khai toàn diện các nhiệm vụ của Nghị quyết 01 năm 2017 của Chính phủ; giữ vững ngọn lửa đổi mới; nắm chắc cơ hội, thực hiện nhiệm vụ nhanh, chính xác, kịp thời; phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra không chỉ của riêng Bộ Kế hoạch và Đầu tư mà còn của cả nước.
Bộ trưởng cho rằng, để thực thi được, gốc rễ là ở vấn đề “con người”, “Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng và đang phấn đấu thực hiện 8 chữ vàng: Trí - Hành - Kết - Tâm - Chuyên - Danh - Khát vọng - Bản lĩnh”, Bộ trưởng nói.
Năm 2017 và những năm tiếp theo, bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường tác động không nhỏ đến nền kinh tế. Cục diện quốc tế dự kiến có nhiều thay đổi cùng với sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đòi hỏi Việt Nam phải nhanh nhạy, nắm bắt cơ hội và tạo ra cơ hội mới, chủ động, linh hoạt, một mặt tránh cho đất nước rơi vào thế kẹt. Mục tiêu trọng tâm của đất nước là ổn định kinh tế vĩ mô.
“Trong việc thực hiện mục tiêu này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thành xuất sắc vị trí, vai trò “nhạc trưởng”, nhưng Bộ vẫn mong muốn nhận được sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, Bộ, ngành và địa phương, nhất là trong điều phối kinh tế vĩ mô”, Bộ trưởng nói.
Chia sẻ về mục tiêu phát triển đất nước, lãnh đạo nhiều bộ, ngành có mặt tại Hội nghị tổng kết năm 2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá cao vai trò của Bộ và mong muốn hợp tác và hợp tác chặt chẽ hơn nữa, để góp sức vì một nền kinh tế lớn mạnh. Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đánh giá cao những kết quả của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong năm 2016.
“Những nỗ lực của Bộ đóng góp quan trọng trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế đất nước khi Bộ giữ vai trò chủ trì, tham mưu phát triển nền kinh tế 2016-2020 theo chỉ đạo của Đảng và Chính phủ”, bà Hồng nói.
Nhiều đề án và những bản dự thảo chiến lược phát triển đất nước, thực sự rất khó, nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã soạn thảo trên tinh thần cầu thị các sáng kiến của người dân, chuyên gia và các bộ, ngành.
Bà Hồng đánh giá như vậy và cho rằng, những nỗ lực của Bộ đang và sẽ thúc đẩy việc cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam theo tinh thần cải cách, đổi mới nền kinh tế mà Đảng và Chính phủ đã chỉ đạo.
Sáng kiến các tư lệnh ngành cùng làm việc thường xuyên trong Tổ điều hành kinh tế vĩ mô đã khiến các góc nhìn vĩ mô có sự thống nhất, tạo thuận lợi trong việc ra các quyết sách hoặc tư vấn cho Chính phủ trong các quyết sách về điều hành nền kinh tế.
“Bản thân chính sách tiền tệ là chính sách ngắn hạn, phải theo dõi sát sao diễn biến để có quyết định mõi ngày, thậm chí là tức thời. Sự chia sẻ thông tin và dữ liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giúp NHNN hiểu được biến động trên thị trường là do các vấn đề từ nội tại nền kinh tế hay chỉ là yếu tố tâm lý. Đây là cơ sở quan trọng để NHNN điều hành chính sách tiền tệ, giữ được tỷ giá và lạm phát ổn định như năm vừa qua”, bà Hồng nói.
Theo quan điểm của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, một nền kinh tế phát triển là nền kinh tế huy động được sức dân vào sản xuất kinh doanh, cải thiện năng suất lao động, đồng thời có hệ thống pháp lý lành mạnh, đủ sức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.
Thủ tướng thúc đẩy khát vọng cải cách, đổi mới nền kinh tế, thúc đẩy sự hợp sức của các bộ ngành, trong đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư giữ vai trò tiên phong, kiến tạo sự đổi mới, cùng hợp sức xây dựng đất nước mạnh hơn.