Phát triển bền vững thị trường từ cơ cấu nhà đầu tư

(ĐTCK)  Nhà đầu tư đóng vai trò trung tâm trong mọi giai đoạn phát triển của thị trường chứng khoán. Nếu như nhà đầu tư cá nhân và nước ngoài góp phần tạo thanh khoản trong giai đoạn đầu, thì nhà đầu tư tổ chức mang lại sự ổn định và bền vững thông qua các khoản đầu tư dài hạn. Bởi vậy, sự phát triển bền vững của thị trường gắn liền với việc xây dựng một cơ cấu nhà đầu tư hợp lý cả về quy mô, trình độ và sự đa dạng.
Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, giá trị giao dịch của nhà đầu tư cá nhân hiện chiếm khoảng 80 - 85% tổng giá trị giao dịch hàng ngày

Vai trò của các nhà đầu tư đối với thị trường chứng khoán

Trên thị trường chứng khoán, mỗi nhóm nhà đầu tư đều mang những đặc điểm riêng biệt, từ đó tạo nên mức độ ảnh hưởng khác nhau đến sự vận hành và phát triển của thị trường. Trong giai đoạn đầu, các nhà đầu tư cá nhân đóng vai trò chủ lực nhờ vào số lượng đông đảo, sự phân bổ rộng khắp và nhu cầu đầu tư đa dạng. Tuy nhiên, nhóm này thường bị chi phối mạnh bởi tâm lý đám đông, thiếu kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn, lại thường chỉ tập trung vào các mục tiêu ngắn hạn. Bởi vậy, vai trò của họ chủ yếu nằm ở việc cung cấp thanh khoản trong ngắn hạn và có xu hướng giảm dần khi thị trường ngày càng hoàn thiện.

Bà Trần Thị Hà, Viện Chiến lược và Chính sách kinh tế - Tài chính

Trong khi đó, nhà đầu tư tổ chức có lợi thế về tiềm lực tài chính, sở hữu đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm và ứng dụng các phương pháp đầu tư chuyên nghiệp, khoa học. Họ thường theo đuổi chiến lược dài hạn, qua đó góp phần tạo dựng nền tảng ổn định và bền vững cho thị trường. Đồng thời, các nhà đầu tư nước ngoài - dù là tổ chức hay cá nhân - cũng mang lại nhiều giá trị tương tự nhờ nguồn vốn lớn, kỹ năng phân tích vượt trội và tiếp cận với các chuẩn mực đầu tư quốc tế.

Nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước đã khẳng định vai trò then chốt của nhà đầu tư tổ chức trong việc nâng cao tính minh bạch, ổn định và năng lực huy động vốn cho thị trường. Đặc biệt, sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài giúp bổ sung nguồn lực tài chính dài hạn và thúc đẩy việc nâng cao chất lượng hoạt động thị trường.

Chính vì vậy, cơ cấu nhà đầu tư cần được điều chỉnh theo hướng cân bằng hơn giữa các nhóm - cá nhân và tổ chức, trong nước và quốc tế - để đảm bảo sự phát triển ổn định và bền vững của thị trường chứng khoán trong dài hạn.

Thực trạng cơ cấu nhà đầu tư tại Việt Nam

Sau 25 năm phát triển, thị trường chứng khoán Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng về quy mô, khung khổ pháp lý cũng như hoạt động giao dịch. Tuy nhiên, thị trường hiện vẫn chủ yếu được dẫn dắt bởi nhà đầu tư cá nhân, chiếm khoảng 80 - 85% giá trị giao dịch hàng ngày. Đây là một đặc điểm phổ biến ở các thị trường mới nổi. Sự chi phối này dẫn đến tính bất ổn cao do các quyết định đầu tư của họ thường bị chi phối bởi cảm xúc và thông tin chưa được kiểm chứng.

Với tỷ lệ cao của các nhà đầu tư cá nhân, có thể nói, cơ cấu nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam còn chưa phù hợp với yêu cầu về sự ổn định và phát triển bền vững. Giá trị giao dịch của các nhà đầu tư tổ chức thấp hơn so với các thị trường phát triển, nơi mà giao dịch của nhóm này thường chiếm trên 50%.

Trong khu vực ASEAN, tỷ lệ giá trị giao dịch của nhà đầu tư tổ chức Malaysia và Thái Lan lần lượt đạt khoảng 45% và 35%. Đây được xem là nguyên nhân khiến sự biến động của thị trường chứng khoán Việt Nam mạnh hơn so với các thị trường trong khu vực tại các giai đoạn khủng hoảng tài chính 2008-2009, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 (2020-2022), hay gần đây nhất là việc công bố chính sách thuế quan đối ứng của Mỹ vào đầu tháng 4/2025.

Cụ thể, thị trường chứng khoán Thái Lan giảm khoảng 9,3%; Malaysia giảm 8,5%; Indonesia giảm 9,4%..., còn Việt Nam giảm tới hơn 18%. Sau khi Mỹ công bố tạm ngừng việc áp thuế đối ứng trong vòng 90 ngày với các đối tác thương mại, các thị trường Thái Lan, Malaysia, Indonesia… đều phục hồi về gần mức ban đầu, nhưng Việt Nam vẫn giảm 7,5% (Hình 1).

Xét về tổng thể, tính đến hết tháng 3/2025, số lượng tài khoản đầu tư trên thị trường chứng khoán là 9,69 triệu tài khoản, tăng 4,2% so với cuối năm 2024. Trung bình mỗi tháng, số lượng tài khoản mở mới tăng thêm 130.000 tài khoản, giảm khoảng 30.000 tài khoản/tháng so với bình quân của năm 2024. Trong đó, các nhà đầu tư cá nhân chiếm gần như tuyệt đối về số lượng với 9,66 triệu tài khoản, các nhà đầu tư tổ chức đạt 22.680 tài khoản, nhà đầu tư nước ngoài đạt 48.260 tài khoản. Bên cạnh đó, số lượng các nhà đầu tư nước ngoài mới đang có xu hướng giảm thời gian qua. Các nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư nước ngoài chỉ tăng bình quân 126 tài khoản/tháng và 192 tài khoản/tháng trong giai đoạn từ năm 2024 đến quý I/2025, mức tăng này giảm khá mạnh so với năm 2023 lần lượt là 279 tài khoản/tháng và 256 tài khoản/tháng (Hình 2).

Bên cạnh giảm về số lượng mới gia nhập, một vấn đề nữa là xu hướng bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài. Tính chung cả năm 2024, khối này đã bán ròng 85.700 tỷ đồng trên thị trường cổ phiếu ở cả 3 sàn, vượt xa năm 2023 là 22.00 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngoại trừ việc mua ròng 2.300 tỷ đồng trong tháng 1/2024, khối ngoại đã bán ròng gần như suốt cả năm qua và xu hướng này tiếp tục kéo dài trong những tháng đầu năm 2025, với giá trị bán ròng khoảng 27.600 tỷ đồng tính đến cuối quý I/2025 (Hình 3).

Nguyên nhân bán ròng xuất phát từ việc tái cơ cấu danh mục đầu tư của các quỹ nước ngoài trước sự biến động của thị trường tài chính quốc tế. Theo đó, giai đoạn 2022 - 2023, lãi suất trái phiếu tại Mỹ tăng cao, khiến các nhà đầu tư có xu hướng rút tiền từ các nền kinh tế mới nổi để đầu tư vào thị trường Mỹ nhằm hưởng lợi tức cao hơn. Đồng thời, việc tỷ giá của đồng Việt Nam so với USD giảm mạnh (khoảng 2,5% tại thời điểm cuối tháng 11/2024) so với đầu năm cũng là nguyên nhân dẫn đến thực tế trên. Tuy nhiên, vấn đề nguồn cung hàng hoá chất lượng, mức độ công khai, minh bạch thông tin trên thị trường, bên cạnh đó là một số hạn chế về quy trình mở tài khoản, hạn mức giao dịch của khối ngoại… cũng góp phần tạo nên xu hướng trên.

Một số giải pháp

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam đang từng bước chuyển mình theo hướng hiện đại và hội nhập, việc cải thiện cơ cấu nhà đầu tư là nhiệm vụ cấp thiết, nhằm hướng tới một thị trường phát triển ổn định, hiệu quả và bền vững. Từ một thị trường chủ yếu dựa vào nhà đầu tư cá nhân, xu thế tất yếu hiện nay là nâng cao vai trò của các nhà đầu tư tổ chức và thu hút mạnh mẽ hơn nữa dòng vốn từ khu vực đầu tư quốc tế.

Theo đó, trước tiên, cần có các cơ chế đồng bộ để phát huy vai trò dẫn dắt thị trường của nhà đầu tư tổ chức. Việc phát triển các quỹ hưu trí, quỹ bảo hiểm và các quỹ đầu tư dài hạn là giải pháp chiến lược. Tiếp đó, các chính sách ưu đãi về thuế và điều kiện đầu tư linh hoạt cần được thiết kế để khuyến khích dòng vốn dài hạn tham gia thị trường, đặc biệt vào các công cụ có rủi ro cao nhưng đem lại hiệu quả kinh tế như cổ phiếu và bất động sản. Song hành với đó là công tác đào tạo, nâng cao kiến thức và kỹ năng đầu tư cho nhà đầu tư cá nhân cần được triển khai rộng khắp, hiện đại và phù hợp với từng đối tượng. Việc thành lập quỹ bảo vệ nhà đầu tư cũng là bước đi cần thiết, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước tới quyền lợi hợp pháp của người dân tham gia thị trường.

Về phía nhà đầu tư nước ngoài, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn tới là xây dựng môi trường đầu tư minh bạch, thông thoáng và thân thiện hơn, qua đó khơi thông dòng vốn quốc tế chất lượng cao vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo đó, trước hết, cần tiếp tục đẩy mạnh việc nới lỏng giới hạn sở hữu nước ngoài trong các doanh nghiệp niêm yết, đặc biệt ở những ngành nghề không thuộc diện kiểm soát an ninh - quốc phòng, nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư toàn cầu tham gia sâu hơn vào thị trường. Tiếp theo, cần đơn giản hóa quy trình mở tài khoản, rút ngắn thời gian xử lý và loại bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết trong hoạt động đầu tư gián tiếp. Áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS) cho các doanh nghiệp niêm yết, từng bước đồng bộ hóa hệ thống báo cáo tài chính với thông lệ quốc tế, qua đó nâng cao tính minh bạch và khả năng so sánh thông tin.

Đồng thời, việc đẩy mạnh cung cấp thông tin bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh trên các cổng thông tin điện tử chính thức như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), các sở giao dịch chứng khoán và doanh nghiệp niêm yết sẽ giúp nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng tiếp cận, phân tích và ra quyết định đầu tư. Quan trọng hơn, cần đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp lớn có tiềm năng niêm yết, tạo ra nguồn cung cổ phiếu chất lượng cao - yếu tố then chốt để hấp dẫn dòng vốn quy mô lớn từ các quỹ chủ động và thụ động trên toàn cầu.

Cuối cùng, tiến trình nâng hạng thị trường cần được đẩy nhanh một cách bài bản, tạo đà để Việt Nam sớm gia nhập nhóm các thị trường mới nổi. Để làm được điều này, cần tăng nguồn cung cổ phiếu chất lượng thông qua cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và khuyến khích các tập đoàn tư nhân lớn tham gia niêm yết.

Cải thiện cơ cấu nhà đầu tư không chỉ là giải pháp về cấu trúc thị trường, mà còn là nền tảng để thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển bền vững, trở thành kênh dẫn vốn chủ lực cho nền kinh tế, đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trần Thị Hà
Viện Chiến lược và Chính sách kinh tế - Tài chính

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục