Mở những cánh cửa mới
Trong con mắt của những người đã gắn bó với Vicostone từ những ngày đầu, khuôn viên nhà máy giờ đây có một diện mạo hoàn toàn khác: một khoảng xanh mát mắt trải rộng; hệ thống xử lý nước thải với những cột lọc cao gần 20 m, dung tích hàng chục mét khối, đã tạo ra hệ thống tuần hoàn khép kín, sạch tối đa cho môi trường.
Hơn 15 năm trước, khi nhà máy đá ốp lát nhân tạo khánh thành và đi vào sản xuất, sản phẩm làm ra không đạt chất lượng, không có thị trường tiêu thụ, nằm thoi thóp chờ phá sản.
Khi quyết định bẻ ngoặt chiến lược của Vicostone từ sản xuất đá ốp lát thuộc phân khúc trung cấp phục vụ nhu cầu trong nước sang sản xuất hàng cao cấp, thân thiện với môi trường, lấy vật liệu sinh thái là mũi nhọn để xuất khẩu, Vicostone khiến không ít người hoài nghi về khả năng thành công.
Vậy nhưng, chiến lược trên đã đúng hướng, đưa doanh nghiệp lọt vào Top 4 “ông lớn” sản xuất đá thạch anh trên thế giới, lợi nhuận mỗi năm đạt hàng nghìn tỷ đồng.
Ðá tấm nhân tạo của Vicostone được sản xuất theo công nghệ rung ép vật liệu trong môi trường chân không, trên cơ sở thiết bị chuyển giao của hãng Breton và sự cải tiến đột phá của đội ngũ kỹ sư công nghệ - thiết bị của Vicostone.
Công nghệ này hoàn toàn thân thiện với môi trường. Quy trình sản xuất khép kín, kiểm soát chất lượng từ đầu vào cho tới đầu ra của sản phẩm.
Hệ thống nước thải tuần hoàn khép kín, không thải ra môi trường. Bùn thải được tái sử dụng để sản xuất các loại vật liệu xây dựng thân thiện khác.
Phát triển bền vững cũng là chìa khóa để Công ty cổ phần Traphaco bứt tốc đi lên từ doanh nghiệp 1.0 thành doanh nghiệp 4.0.
Gần 10 năm trước, trong căn phòng nhỏ tại đại bản doanh của Traphaco ở góc phố cổ Yên Ninh, Hà Nội, dự án “Nghiên cứu, phát triển bền vững nguồn dược liệu” (Green Plan) của Traphaco ra đời.
Kể từ khi đưa vào triển khai, dự án Green Plan giúp Traphaco tăng trưởng mạnh mẽ, vươn lên thành một trong các doanh nghiệp dược hàng đầu Việt Nam với nhiều sản phẩm điều trị có hiệu quả, sử dụng nguồn dược liệu quý trong nước, đồng thời tác động tích cực về mặt xã hội và môi trường.
Ðến nay, có hàng triệu người dân đã được đồng lợi từ dự án. Diện tích dự án Green Plan hiện trải dài trên 36.300 ha khắp cả nước.
Hàng trăm doanh nghiệp niêm yết khác như Vinamilk, Dược Hậu Giang, Bảo Việt, Vingroup, TNG, PAN… đã công bố những con số ấn tượng trong báo cáo phát triển bền vững thường niên.
Chỉ khi có những câu chuyện cụ thể, cách làm thực tế, doanh nghiệp mới có những câu chuyện sinh động để kể.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Ninh, tác giả có đóng góp cho công trình khoa học đạt giải Nobel Hòa bình về biến đổi khí hậu nhận xét: “Doanh nghiệp Việt có thể làm phát triển bền vững, thậm chí làm rất tốt, chứ không chỉ là các doanh nghiệp đa quốc gia như Heneiken, Unilever hay Coca Cola”.
Trên thực tế, phát triển bền vững đã trở thành xu hướng trên toàn cầu trong vài thập kỷ gần đây.
Cốt lõi của phát triển bền vững là sự cân bằng giữa 3 cột trụ: tăng trưởng kinh tế - vốn được coi là mặt nổi trội nhất để đánh giá doanh nghiệp, bảo vệ môi trường và đầu tư xã hội (người lao động, cộng đồng).
Phát triển bền vững không phải là điều xa lạ với các công ty đa quốc gia, nhưng sẽ là thách thức cho những công ty Việt Nam, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn hàng ngày phải vật lộn với nỗi lo tồn tại.
Lãnh đạo các doanh nghiệp niêm yết chia sẻ chung một quan điểm, chiến lược phát triển bền vững chỉ có thể thực hiện khi mục tiêu kinh tế được đảm bảo, bởi chỉ khi xây dựng được nguồn lực vững chắc cho bản thân doanh nghiệp, họ mới có thể đem lại lợi ích lâu bền cho khách hàng, cổ đông, người lao động và cộng đồng.
Bàn về câu chuyện này, Giáo sư Phan Văn Trường, Cố vấn thương mại của Chính phủ Pháp đặt một câu hỏi: “Doanh nghiệp là của ai?”.
Có người trả lời ngay, của chủ chứ của ai, chủ là người bỏ vốn hoặc là người sở hữu nhiều cổ phiếu nhất. Tuy nhiên, theo Giáo sư Phan Văn Trường, đó là một tư duy nhầm lẫn.
Nếu doanh nghiệp nào đó hoạt động hiệu quả, đó là nhờ sự tin tưởng của khách hàng, sự cố gắng của các thành phần lao động, sự đóng góp của các ngân hàng, thậm chí sự hỗ trợ công khai hay ngấm ngầm của thể chế.
Bởi thế, doanh nghiệp muốn phát triển và đi xa chắc chắn phải lưu tâm đến các yếu tố trong cả bức tranh trên chứ không thể tồn tại một mình, đắc lợi một mình. “Doanh nghiệp là một phần của những kịch sỹ nói trên. Bất cứ kịch sỹ nào hắt hơi thì công ty của bạn sẽ lao đao ngay”, Giáo sư nhận xét.
Xu hướng tất yếu
Ông Vũ Ðức Thịnh, Tổng giám đốc DYNAM Capital, đơn vị quản lý Quỹ Vietnam Holding cho biết, khi xem xét bỏ vốn đầu tư vào doanh nghiệp nào đó, ngoài các thông tin tài chính, thông tin phi tài chính hiện đang trở thành nội dung được các nhà đầu tư quan tâm.
Trên thực tế, các chỉ số tài chính chỉ cho biết một phần câu chuyện giá trị của một công ty. Những tài sản vô hình như thương hiệu, nhân tài và quy mô tiếp cận khách hàng là những yếu tố ngày càng ảnh hưởng quan trọng đến quyết định của nhà đầu tư. Ðây chính là những yếu tố có thể tạo ra giá trị dài hạn của một công ty.
Một nghiên cứu của PwC đã chỉ ra rằng, các nhà đầu tư muốn biết doanh nghiệp thích ứng như thế nào với rủi ro khí hậu, hiệu quả và cách thức quản lý của doanh nghiệp trong việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên ra sao, chất lượng và độ an toàn của sản phẩm hay các quan hệ lao động như thế nào…
Những doanh nghiệp có thể đáp lại khẩu vị đó thường đạt điểm cao về tính minh bạch, có được niềm tin của nhà đầu tư và kết quả cuối cùng thường phản ánh ở giá trị cổ phiếu.
Nhận thức vai trò quan trọng của phát triển bền vững đang ngày càng được cải thiện.
Theo Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam, có tới 71% doanh nghiệp cho biết họ đã lên kế hoạch hành động cho các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc và có 13% đã xác định các công cụ cần và 29% đặt ra các mục tiêu cụ thể.
Trong khi đó, 90% người dân tin rằng, việc các doanh nghiệp đăng ký với các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc là quan trọng, với 78% cho biết họ có nhiều khả năng sẽ mua hàng hóa và dịch vụ từ các bên đã đăng ký thực hiện các mục tiêu này hơn.
Như vậy, có thể thấy rằng, phát triển bền vững là đòi hỏi tất yếu từ cộng đồng xã hội, từ phía khách hàng với doanh nghiệp. Ðiều này đã ngấm vào ý thức của đa số doanh nghiệp Việt Nam và bước đầu được chuyển hóa thành hành động, mục tiêu cụ thể.
Một nghiên cứu thực hiện với 500 doanh nghiệp trong rổ chỉ số S&P 500 cũng chỉ ra rằng, tài sản vô hình (giá trị thương hiệu, uy tín, kế hoạch nghiên cứu và phát triển, độ hài lòng của khách hàng, sức khỏe an toàn, hiệu quả hoạt động về môi trường, quản trị doanh nghiệp, gắn kết lao động và sự đồng thuận của xã hội với hoạt động doanh nghiệp) ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tài sản của doanh nghiệp, đang “áp đảo” của tài sản hữu hình.
Nếu như năm 1975, tài sản hữu hình chiếm 83% trong cơ cấu tài sản của doanh nghiệp thì năm 1985 giảm xuống 68%, đến năm 1995 còn 32%.
Ðiều này đồng nghĩa với tỷ trọng tài sản vô hình tăng lên. Ðến năm 2010, tài sản vô hình chiếm 80% và năm 2015, con số này là 84%.
Như vậy, có cơ sở để tin rằng, trong thế kỷ 21, phát triển bền vững được xem là cơ hội lớn nhất và duy nhất để tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp.
Tập trung cho chiến lược phát triển bền vững sẽ giúp doanh nghiệp tạo ra các giá trị gắn kết với người tiêu dùng, tiết kiệm chi phí, giảm thiểu rủi ro hoạt động, từ đó nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm, tối ưu hóa lợi nhuận…
Với nhiều doanh nghiệp niêm yết, việc gắn kết các hoạt động phát triển bền vững của công ty với các mục tiêu về phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDG), có liên kết hoạt động của mình với Chương trình hành động quốc gia theo Quyết định 622/QĐ-TTg đã trở thành một chiến lược và được thực hiện xuyên suốt trong các kế hoạch kinh doanh, dự án của doanh nghiệp. Thay vì coi thực hiện các chỉ tiêu phát triển bền vững là gánh nặng, coi phát triển bền vững là phong trào hô hào, nhiều doanh nghiệp đã xác định đây là con đường phải đi để mở ra những cơ hội kinh doanh lớn hơn.