Phát triển bền vững là cơ hội kinh doanh cho DN

(ĐTCK) Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC, thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới) và ACCA đã có sáng kiến trao giải thưởng Báo cáo phát triển bền vững (PTBV) trong khuôn khổ Cuộc bình chọn BCTN năm 2013.
Phát triển bền vững là cơ hội kinh doanh cho DN

Đây là một trong những hoạt động của IFC nhằm thúc đẩy PTBV trong cộng đồng DN Việt Nam , bởi việc thiếu các thông tin này có thể dẫn tới mất cơ hội thu hút nguồn vốn từ những nhà đầu tư có chuẩn mực cao về trách nhiệm xã hội và môi trường. Báo ĐTCK đã trao đổi với ông Ian Crosby, Giám đốc Chương trình Phát triển kinh doanh bền vững, Đông Á - Thái Bình Dương, IFC về chủ đề này.

Thưa ông, tại sao các DN nên quan tâm đến PTBV trong bối cảnh hiện nay?

Nghiên cứu của chúng tôi cũng như nhiều nghiên cứu khác trên toàn cầu đã chỉ ra rằng, những DN nào có tầm nhìn vượt ra khỏi mô thức cổ đông - ban điều hành - khách hàng - lợi nhuận và xem xét chiến lược kinh doanh của mình trong bối cảnh rộng hơn với nhiều bên liên quan - bao gồm cả xã hội và môi trường - thì các DN đó có khả năng nắm bắt được xu hướng và cơ hội kinh doanh dài hạn, có thể hoạt động trong một môi trường đa liên kết và phức hợp cũng như thu hút được nhân tài và khách hàng tốt. Cũng chính vì thế, chưa bao giờ thị trường tài chính quốc tế lại quan tâm đến việc lãnh đạo các DN phản ứng như thế nào với các thay đổi về môi trường và xã hội như hiện nay. Có mối liên hệ trực tiếp giữa hiệu quả hoạt động về môi trường, xã hội và quản trị với khả năng sinh lời của DN trong dài hạn. Do đó, những DN nào thực hiện tốt việc báo cáo các vấn đề PTBV sẽ có cơ hội được các nhà đầu tư quốc tế quan tâm để đầu tư và hợp tác nhiều hơn.

 

Đánh giá của ông về thực trạng báo cáo PTBV của các DN tại Việt Nam hiện nay?

Chúng tôi cũng nhận thấy những dấu hiệu tích cực là các DN Việt Nam đã bắt đầu nhận thức được và áp dụng một số thông lệ quốc tế tốt vào quá trình lập BCTN. Một số ít DN cũng đã công bố hiệu quả hoạt động về PTBV trong BCTN của mình. Tuy nhiên, không chỉ ở Việt Nam, mà ở nhiều thị trường đang phát triển khác, việc công bố thông tin về hiệu quả hoạt động môi trường, xã hội và quản trị của các DN còn rất hạn chế. Rất nhiều nhà đầu tư, nhất là các định chế đầu tư, rất cần những thông tin này để ra quyết định đầu tư. Việc thiếu thông tin về PTBV có thể coi là một trở ngại đáng kể để các nhà đầu tư có thể phân tích và định hướng nguồn vốn vào các DN PTBV tại các thị trường đang phát triển.

 

Tại Việt Nam, IFC có những chương trình gì để thúc đẩy PTBV và với tư cách là một tổ chức đầu tư, IFC đặt ra tiêu chuẩn như thế nào về PTBV đối với DN mà IFC đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp?

IFC cam kết mọi hoạt động đầu tư và tư vấn của mình phải đảm bảo lợi ích phát triển kinh tế được chia sẻ đến những nhóm đối tượng nghèo và yếu thế cũng như tác động đến sự PTBV cả về môi trường, xã hội và tài chính. Trong bối cảnh phát triển kinh tế tư nhân, sự PTBV ngày càng được coi là một cơ hội để chuyển đổi thị trường, định hướng sáng kiến, cải thiện hiệu quả hoạt động kinh doanh và tăng lợi nhuận.

Trên nền tảng đó, khung PTBV 2012 của IFC, bao gồm Chính sách về PTBV môi trường và xã hội, Tiêu chuẩn hoạt động và Chính sách tiếp cận thông tin đã và đang cung cấp cơ sở cho mọi hoạt động của chúng tôi và các đối tác của chúng tôi để hỗ trợ bảo vệ con người và môi trường, thúc đẩy tính minh bạch và tính trách nhiệm, giảm thiểu rủi ro môi trường, xã hội và quản trị, nhằm hướng tới kinh doanh bền vững.

Tôi xin lấy hai ví dụ minh họa cách thức IFC hỗ trợ các DN tại Việt Nam cải thiện PTBV về môi trường và xã hội. Trước hết là trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng. Rất nhiều DN đã nhìn nhận được xu hướng ngày càng tăng của giá năng lượng và tìm cách để sử dụng nguồn năng lượng một cách hiệu quả hơn. IFC hỗ trợ các DN ở nhiều ngành nghề và quy mô khác nhau lắp đặt các thiết bị và quy trình sản xuất tiết kiệm năng lượng. Những cải tiến này có ý nghĩa tích cực về mặt môi trường - giảm thiểu phát thải ra môi trường. Những cải tiến này có ý nghĩa về mặt tài chính vì chúng góp phần giảm chi phí hoạt động với thời hạn thu hồi vốn ngắn. Chắc là rất nhiều DN đã biết đến sáng kiến hợp tác giữa IFC và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) nhằm cải thiện điều kiện làm việc tại các nhà máy dệt may. Nỗ lực này không chỉ mang lại lợi ích cho từng công nhân mà còn mang đến lợi thế cạnh trạnh mới cho các DN dệt may - việc tham gia vào chương trình này giúp các DN có thể tiếp cận với nhiều khách hàng lớn toàn cầu như Nike và Gap.

IFC cũng cam kết thúc đẩy việc công bố thông tin về hiệu quả hoạt động môi trường, xã hội và quản trị tại Việt Nam . Trong năm qua, IFC đã hỗ trợ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) soạn và ban hành cuốn Hướng dẫn báo cáo PTBV dành cho các công ty niêm yết. Cuốn hướng dẫn này là những chỉ dẫn cơ bản nhất để các công ty niêm yết bắt đầu thực hiện tuân thủ các chuẩn mực và thông lệ về môi trường, xã hội và quản trị. Đây cũng là sản phẩm của sự hợp tác giữa hai tổ chức trong nỗ lực thúc đẩy công bố thông tin về hiệu quả hoạt động môi trường, xã hội và quản trị của các công ty niêm yết trên hai sở giao dịch.

Phát triển bền vững là cơ hội kinh doanh cho DN ảnh 1

Phát triển bền vững có những lúc là một lựa chọn khó khăn, nhưng đó là lựa chọn của tương lai

Đồng thời IFC và Hiệp hội Kiểm toán Công chứng Anh quốc (ACCA) hỗ trợ xây dựng Giải thưởng Báo cáo PTBV trong khuôn khổ Cuộc bình chọn BCTN do Sở GDCK TP. HCM khởi xướng. Trong thời gian tới, IFC và ACCA sẽ tiếp tục phối hợp với hai Sở GDCK tổ chức các khóa đào tạo và hội thảo kỹ thuật để các DN Việt Nam được tiếp cận với thông lệ và xu hướng mới nhất trong lĩnh vực này.

Mặt khác, chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với UBCK để tìm kiếm cơ hội xây dựng các quy định bắt buộc về công bố thông tin PTBV nhằm tạo một sân chơi bình đẳng cũng như tăng cường tính minh bạch trong công bố thông tin của các DN niêm yết trên TTCK Việt Nam .

Theo kinh nghiệm của IFC, Chính phủ Việt Nam cần làm gì, bổ sung quy định về pháp lý, chính sách về môi trường xã hội và truyền thông như thế nào để khuyến khích các DN theo đuổi các mục tiêu PTBV?

Cộng đồng DN và các tổ chức khác đều nhất trí rằng, báo cáo PTBV chỉ có thể trở thành một thông lệ chung nếu các nỗ lực tự nguyện này được thừa nhận bởi các quy định mang tính pháp lý. Kể từ năm 2006, một số chính phủ và Sở GDCK đã ban hành các yêu cầu hay các hướng dẫn về báo cáo PTBV. Năm 2010, Nam Phi yêu cầu tất cả các công ty niêm yết trên Sở Giao dịch Johannesburg bắt đầu thực hiện công bố báo cáo tổng hợp (integrated reports) để công bố các thông tin về hoạt động tài chính và PTBV. Báo cáo hay giải trình (report or explain) là khuyến nghị mà TTCK BM&FBOVESPA của Brazil công bố trong năm 2012 tại Hội nghị Rio +20 với mục tiêu tạo điều kiện cho các bên liên quan - đặc biệt là nhà đầu tư và phân tích đầu tư - tiếp cận các thông tin về DN và hoạt động PTBV của DN và tăng tính minh bạch cho thị trường.

Nỗ lực của các Sở GDCK tại Việt Nam trong việc giới thiệu và xúc tiến công bố thông tin về PTBV trong BCTN của các DN niêm yết là một bước đi quan trọng để hỗ trợ các nhà đầu tư phát hiện và đánh giá hiệu quả hoạt động của các DN đã và đang coi PTBV là cơ hội kinh doanh của mình. IFC cam kết tiếp tục hỗ trợ nỗ lực này của các Sở GDCK để báo cáo PTBV trở thành thông lệ chung của các DN Việt Nam .

Thu Hương thực hiện
Thu Hương thực hiện

Tin cùng chuyên mục