Nhưng điều này đang dần thay đổi. Chỉ cần nhìn vào số doanh nghiệp lập báo cáo phát triển bền vững kể từ Cuộc bình chọn báo cáo phát triển bền vững do Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, Báo Đầu tư cùng một số cơ quan phát động lần đầu tiên cách đây 5 năm đã tăng gấp đôi với khoảng 90% doanh nghiệp trong số 500 doanh nghiệp lớn nhất đã lập báo cáo, trong đó có nhiều báo cáo được lập theo chuẩn mực quốc tế, có thể thấy rõ được điều đó.
Phát triển bền vững là yêu cầu…
Thế giới đã và đang đối mặt với những thách thức chưa có tiền lệ về kinh tế, xã hội và môi trường. Nhiệt độ tăng lên, biến đổi khí hậu, lũ lụt, hạn hán ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường.
Tháng 12/2015, trong Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) do Pháp chủ trì, gần 200 chính phủ đã cam kết cùng nhau đặt mục tiêu duy trì tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Sự kiện này là bước đi quan trọng có thể đưa thỏa thuận chống biến đổi khí hậu toàn cầu có hiệu lực trước thời gian dự kiến nhiều năm. Đây là cơ hội chưa từng có để loại bỏ đói nghèo cùng cực và đưa thế giới lên một con đường bền vững.
Ông Tôn Thất Hạc Minh, Chuyên gia đánh giá tuân thủ phát triển bền vững, Thành viên Hội đồng bình chọn, Cuộc Bình chọn Báo cáo thường niên
Ngày 10/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 622/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Mục tiêu của Kế hoạch là duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm mọi người dân được phát huy mọi tiềm năng, tham gia và thụ hưởng bình đẳng thành quả của phát triển, xây dựng một xã hội Việt Nam hòa bình, thịnh vượng, dân chủ, công bằng, văn minh và bền vững. Kế hoạch gồm 17 mục tiêu và 115 chỉ tiêu cụ thể.
Sự tham gia của Việt Nam vào nền kinh tế toàn cầu cũng đồng nghĩa với việc gia tăng các yêu cầu về đảm bảo các chính sách và thông lệ về lao động phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Theo Quyết định 2528/QĐ-TTg, Việt Nam cần phải cải cách khung pháp lý và thể chế về quan hệ công nghiệp theo hướng tôn trọng hoàn toàn Tuyên bố năm 1998 của ILO về những nguyên tắc và quyền cơ bản tại nơi làm việc.
Trong bối cảnh tham gia các hiệp định thương mại tự do mới, đặc biệt là FTA giữa Việt Nam - EU, Chính phủ Việt Nam đã khẳng định cam kết đối với Tuyên bố về những nguyên tắc và quyền cơ bản tại nơi làm việc của ILO năm 1998, xem xét nghiêm túc việc phê chuẩn Công ước 87 của ILO về quyền tự do hiệp hội và về việc bảo vệ quyền được tổ chức; Công ước 98 về quyền được tổ chức và thương lượng tập thể; và Công ước 105 về xoá bỏ lao động cưỡng bức. Giai đoạn 2017-2021 sẽ là giai đoạn quan trọng nhất để cải cách toàn bộ thể chế thị trường lao động.
Với việc chính phủ cam kết thực hiện môi trường phát triển bền vững, phương thức kinh doanh, vận hành doanh nghiệp có tiềm năng thay đổi về cơ bản, đòi hỏi một sự thay đổi thực sự trong toàn bộ cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là sự gia tăng ý thức về tác động của doanh nghiệp đối với xã hội. Do đó, phát triển bền vững phải được xem là một lĩnh vực quan trọng trong hoạt động kinh doanh cốt lõi của Công ty.
… và cũng là cơ hội kinh doanh
Phát triển bền vững, hay tăng trưởng xanh, mà cốt lõi là sự cân bằng của ba trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường, là đòi hỏi tất yếu đối với cộng đồng doanh nghiệp, nhằm đảm bảo quyền lợi của cổ đông và các bên liên quan.
Để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, doanh nghiệp gặp rất nhiều thách thức, tốn kém, chẳng hạn như thay đổi công nghệ sản xuất tiên tiến hơn, ít gây hại cho môi trường. Tuy nhiên, đi cùng với đó là những lợi ích to lớn, những cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp. Đó là đảm bảo khả năng tạo ra vốn và giá trị của cổ đông trong dài hạn.
Bằng cách liên kết ưu tiên chiến lược với môi trường phát triển bền vững, doanh nghiệp cũng gửi thông điệp tới nhà đầu tư về khả năng của họ trong quản lý rủi ro môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Và bằng cách sắp xếp các mô hình kinh doanh của mình cho môi trường phát triển bền vững, các công ty có thể được hưởng lợi từ các nguồn vốn mới như trái phiếu xanh.
Bằng việc xác định và kích hoạt mục đích hướng tới môi trường phát triển bền vững, lấy mục tiêu phát triển bền vững làm nền tảng cho chiến lược kinh doanh, doanh nghiệp có thể giúp tạo ra và gia tăng giá trị của các bên liên quan lâu dài.
Thấu hiểu và làm rõ vấn đề này là tiền đề để có được sự hậu thuẫn, đồng thuận của các bên liên quan, là cơ sở cho lãnh đạo cao nhất thể hiện cam kết trong việc đưa doanh nghiệp phát triển trong khi vẫn hoàn thành trách nhiệm công dân của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp cần cân nhắc điều gì?
Để thực hiện chiến lược phát triển bền vững hiệu quả trong bối cảnh hầu hết doanh nghiệp ở quy mô nhỏ, nguồn lực tài chính hạn chế, doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý những điểm sau:
- Xác định mục tiêu phát triển bền vững nào có thể có tác động lớn nhất đến công ty về rủi ro cũng như cơ hội trong thời gian dài.
- Đánh giá hiện trạng về lĩnh vực phát triển bền vững trên thế giới, ở Việt Nam và tại doanh nghiệp.
- Xác lập các mục tiêu dài hạn và ngắn hạn; tích hợp mục tiêu và kế hoạch thực thi vào hoạt động sản xuất - kinh doanh hàng năm.
- Tham vấn ý kiến chỉ đạo của hội đồng quản trị về định hướng, xu hướng, xây dựng mục tiêu phát triển bền vững hàng năm.
- Xác định xem các mô hình kinh doanh có thể được điều chỉnh như thế nào, các sản phẩm mới hoặc dịch vụ được điều chỉnh, phát triển ra sao, có cần chuyển đổi hoặc sắp xếp lại các chuỗi cung ứng hoặc nghiên cứu phát triển bền vững để đạt được cả mục tiêu kinh doanh và mục tiêu phát triển bền vững.
- Xây dựng các mục tiêu và các chỉ số hoạt động chính (KPIs) gắn chặt với các mục tiêu phát triển bền vững có liên quan.
- Tích hợp mục tiêu phát triển bền vững vào hoạt động sản xuất - kinh doanh thực tiễn với các chỉ tiêu phân bổ đến từng thành viên của doanh nghiệp.
- Cải tiến, cập nhật hệ thống quản lý và quy trình nội bộ cho phù hợp với định hướng phát triển bền vững và xu hướng thị trường.
- Xem xét sơ đồ tổ chức nhằm xây dựng bộ máy vận hành với các chức năng độc lập trong thực thi, giám sát, kiểm soát tuân thủ. Đầu tư vào giáo dục nâng cao ý thức cho nhân viên, gắn bó kết nối nhân viên, tiến đến việc chuyễn tải thực thi phát triển bền vững vào giá trị cốt lõi và văn hóa của doanh nghiệp.
- Kết hợp việc xem xét lãnh đạo định kỳ với việc tham vấn ý kiến phản hồi của tổ chức đánh giá độc lập và các bên liên quan về mục tiêu, chương trình, hành động của doanh nghiệp, để từ đó điều chỉnh, cải tiến lộ trình và nguồn lực cho phù hợp.
- Liên tục cập nhật kiến thức chuyên ngành, nâng cao năng lực thực hiện cho các nhóm thực thi, giám sát, kiểm soát tuân thủ.
- Ghi nhận và đánh giá thích đáng các thành quả và thất bại, điểm mạnh và điểm yếu, thách thức và cơ hội từ đó đưa ra cải tiến, khắc phục cho công tác hoạch định kế hoạch tiếp theo.
Ông Nguyễn Viết Thịnh, Thành viên Hội đồng bình chọn Báo cáo phát triển bền vững
Để phát triển bền vững, trước hết doanh nghiệp cần phải hiểu rõ phát triển bền vững là gì, các cấu phần của nó ra sao ở các cấp độ khác nhau: toàn cầu, quốc gia, doanh nghiệp và đối với bản thân từng cá nhân.
Hiểu biết thiên lệch và không toàn diện về phát triển bền vững, ví dụ như trước đây rất nhiều doanh nghiệp cho rằng phát triển bền vững là các hoạt động từ thiện, đóng góp lại cho cộng đồng) sẽ dẫn đến các hành động và mục tiêu không được đầy đủ. Các doanh nghiệp có thể tham khảo các tài liệu của Liên hợp quốc về chủ đề này hoặc các
tài liệu có liên quan của GRI hoặc các tổ chức chuyên nghiệp khác có liên quan.
Khi đã hiểu rõ phát triển bền vững là gì rồi thì cần đưa ra một chiến lược phát triển bền vững cụ thể, áp dụng cho doanh nghiệp/tổ chức của mình trong các mốc thời gian phù hợp. Chiến lược này cần được Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc thông qua và hiểu một cách thấu đáo. Chiến lược cần chỉ rõ các mục tiêu phát triển bền vững có thể đo lường được trong ngắn hạn và dài hạn một cách rõ ràng.
Sau khi có chiến lược, cần được truyền thông và lên kế hoạch cụ thể để thực hiện. Sự quan tâm và cam kết của ban lãnh đạo cấp cao là yếu tố tiên quyết để thực hiện việc này.
Một chiến lược, kế hoạch hành động không thể thiếu được các KPI để đo lường hiệu quả đầu ra. Do vậy, doanh nghiệp cần xây dựng hệ thống thông tin để có thể giúp đo lường, báo cáo và theo dõi các hoạt động phát triển bền vững.