Phát triển bền vững, chấm điểm không chỉ trên hồ sơ

(ĐTCK) Việc chấm điểm doanh nghiệp phát triển bền vững trong “Chương trình đánh giá, xếp hạng các doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với một số bộ, ngành triển khai liệu có thiên về dựa trên xét duyệt hồ sơ do doanh nghiệp gửi đến, mà thiếu kiểm chứng thông tin?
 
Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) có quá nhiều chỉ tiêu thành phần phức tạp, khó hiểu. Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) có quá nhiều chỉ tiêu thành phần phức tạp, khó hiểu.

Câu hỏi trên đã được một số đại biểu nêu ra tại Hội thảo phát động Chương trình đánh giá, công bố các doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam 2017, do VCCI vừa tổ chức. Đây là chương trình được tổ chức thường niên, với sự phối hợp thực hiện giữa VCCI với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Công thương, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương…, nhằm vinh danh các doanh nghiệp đạt những thành tựu nhất định về phát triển bền vững.

Đề cập đến hạn chế sau mùa đầu tiên xếp hạng doanh nghiệp phát triển bền vững, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó tổng thư ký VCCI kiêm Tổng thư ký Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững cho biết, thực tế tồn tại cách nhìn chưa chuẩn xác trong các doanh nghiệp rằng “quan tâm đến phát triển bền vững là chuyện của mấy ông doanh nghiệp lớn, lắm tiền”, trong khi thực tế không hẳn như vậy.

Dẫn ra ví dụ để chứng minh doanh nghiệp nhỏ vẫn thu được lợi ích không hề nhỏ nếu thay đổi nhận thức về phát triển bền vững, mà không phải lúc nào cũng phải bỏ ra nhiều tiền đầu tư, ông Vinh nêu câu chuyện Công ty cổ phần Giầy Ngọc Hà.

“Bài toán đặt ra là làm thế nào để cải thiện tình trạng nóng bức trong nhà xưởng làm việc của hàng nghìn công nhân khi Công ty không có tiền đầu tư, chúng tôi đã tư vấn cho Công ty lắp đặt hệ thống phun nước trên mái nhà xưởng với tổng chi phí 3 triệu đồng. Kết quả là nhiệt độ trong nhà xưởng giảm 3- 4 độ C so với trước, nhờ đó đã cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân”, ông Vinh nói.

Năm 2016, “Chương trình đánh giá, xếp hạng các doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam" lần đầu tiên được tổ chức đã thu hút 400 doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau trên cả nước tham gia, qua đó, 100 doanh nghiệp được vinh danh. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán như: CTCP Nhựa Bình Minh (BMP), CTCP Sợi Thế Kỷ (STK), CTCP Xuất nhập khẩu y tế Domesco (DMC), CTCP Mía đường Lam Sơn (LSS), CTCP Dược phẩm OPC…

Công cụ để đánh giá và xếp hạng doanh nghiệp phát triển bền vững dựa vào Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI). Qua một năm triển khai cho thấy việc áp dụng chỉ số này bộc lộ một số bất cập, như phản ánh của các doanh nghiệp, là bộ chỉ số có quá nhiều chỉ tiêu thành phần phức tạp, khó hiểu, khó áp dụng.

Để khắc phục tình trạng này, theo đại diện VCCI, các bên đang được rà soát lại theo hướng bổ sung một số chỉ tiêu mới, đồng thời tối giản một số chỉ tiêu theo hướng sao cho doanh nghiệp dễ hiểu, dễ áp dụng. Tuy nhiên, các chỉ tiêu về liêm chính và minh bạch sẽ tiếp tục được coi trọng, vì là nó là các chỉ tiêu trụ cột của CSI để đảm bảo thúc đẩy doanh nghiệp hoạt động minh bạch hơn, cải thiện chất lượng quản trị để không chỉ mang lại lợi ích cho công ty mà cho cả các cổ đông.

“Năm nay, các tiêu chí trong CSI đã được điều chỉnh nhằm đánh giá chính xác hơn mức độ phát triển bền vững của các doanh nghiệp, tuy nhiên vẫn tập trung vào ba nhóm yếu tố trọng điểm là chỉ tiêu kinh tế, chỉ tiêu xã hội và môi trường với 151 câu hỏi…”, ông Phạm Hoàng Hải, Trưởng ban thư ký Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững cho hay.

Một câu hỏi đang được quan tâm là với quy trình đánh giá theo CSI, thì doanh nghiệp gửi hồ sơ về Ban tổ chức để đánh giá, vậy kết quả chấm điểm có đáng tin cậy không khi mà doanh nghiệp có thể “làm đẹp” hồ sơ gửi tham dự?

Ông Hải cho biết, ở vòng đánh giá sơ khảo, trên cơ sở Tổ thư ký của Chương trình sàng lọc hồ sơ của các doanh nghiệp tham gia, Hội đồng xét duyệt sẽ đánh giá hồ sơ doanh nghiệp qua thang điểm của CSI.

Bước vào vòng chung khảo, ngoài đánh giá doanh nghiệp dựa trên bổ sung hồ sơ, còn có bước thẩm định thực tế tại doanh nghiệp, đồng thời tham vấn các cơ quan chức năng về tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp. Do đó, việc chấm điểm không thuần túy căn cứ vào hồ sơ của doanh nghiệp gửi lên.

Cũng liên quan đến phát triển bền vững, từ năm 2013, trong khuôn khổ Cuộc bình chọn báo cáo thường niên, Ban tổ chức đã chọn vinh danh các doanh nghiệp niêm yết có báo cáo phát triển bền vững tốt nhất. Chương trình này có sự hợp tác của IFC, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ACCA và có sự chọn lọc hơn khi chỉ chọn trao vinh danh cho Top 5 doanh nghiệp đứng đầu.

Hữu Đạo

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục