Phát ngôn của đại gia ấn tượng nhất?

“Không trả được nợ bắt tôi bỏ tù thì giải quyết được gì"; "tôi vẫn ngủ ngon trên đống nợ"; “giàu cỡ Bill Gate sang Việt Nam cũng... chết"; "ai khó nhưng với tôi có khó đâu"... là những phát ngôn gây chú ý của các đại gia thời gian qua.
Phát ngôn của đại gia ấn tượng nhất?

Phát ngôn ấn tượng

 

Xuất hiện tại kỳ họp thứ 6 quốc hội khóa XIII với gương mặt tươi tắn hơn rất nhiều so với lần trước, ông Đặng Thành Tâm, một doanh nhân nổi tiếng và từng là người giàu nhất trên TTCK (năm 2007) được nhiều người mong đợi vì đại biểu này thường có những ý kiến đóng góp về kinh tế, doanh nghiệp.

 

Tuy nhiên, với vị trí là một doanh nhân và doanh nghiệp của mình cũng gặp nhiều khó khăn nên ông Đặng Thành Tâm cũng đã có nhiều chia sẻ gây chú ý.

 

Trao đổi với báo chí bên lề phiên họp, ông đã không giấu giếm, lắm lúc muốn uống thuốc sâu tự tử cho xong chuyện. Điều này có thể bắt nguồn từ những khó khăn của ông Tâm cùng các doanh nghiệp của ông như Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC), Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA), SaigonTel... là rất rõ ràng và được nhận thấy qua những kết quả kinh doanh thua lỗ, doanh thu tụt giảm, lãi vay ngân hàng phải trả khoảng 1 tỷ đồng/ngày.

 

Trước đó, ông Đặng Thành Tâm cũng đã rất nổi tiếng trong cộng đồng doanh nhân Việt Nam bởi nhiều phát ngôn ấn tượng như: "Tôi không lấy những gì thuộc về tôi", "Điều tôi quan tâm nhất bây giờ là trả nợ", "Không trả được nợ bắt tôi bỏ tù thì giải quyết được gì"...

 

Trên thực tế, một số doanh nghiệp trụ cột của ông Tâm đã có những bước tái cấu trúc mạnh mẽ trong thời gian gần đây và có tín hiệu ổn định trở lại. Hồi đầu tháng 9, KBC đã trao giấy chứng nhận dự án 1,5 tỷ USD tại Hải Phòng cho LG. Doanh nghiệp này cũng đã lên phương án chào bán 100 triệu cổ phiếu, trị giá khoảng 1.000 tỷ đồng để cấn trừ công nợ. Một doanh nghiệp khác là Itaco (ITA) hồi tháng 3 cũng đã phát thành công 115 triệu cổ phiếu, thu ròng hơn 1.100 tỷ đồng...

 

Tuy nhiên, khó khăn là vẫn còn rất lớn, ông Tâm đang có kế hoạch thoái gánh nặng nợ nần trong vòng 2 năm. Khoản nợ còn nhiều, khoảng 5.000 tỷ đồng nhưng có lẽ cũng sẽ vơi dần đi nhờ vào những nỗ lực khoanh nợ, giãn nợ, xử lý nợ...

 Phát ngôn của đại gia ấn tượng nhất? ảnh 1

Cũng từng là người giàu nhất trên TTCK, ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) cũng có mức độ nổi bật không hề thua kém ông Đặng Thành Tâm, kể từ các hoạt động kinh doanh xuất chúng cho tới những phát ngôn ấn tượng, gây sốc.

 

Ông Đoàn Nguyên Đức từng nhiều lần cho rằng, ông và Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) chỉ thích làm những gì không ai làm, những gì người khác làm rồi thì thôi. Đại gia đam mê bóng đá này từng làm phát nổ thị trường với những tuyên bố nổi cộm trên báo chí như: "Sẽ giảm giá bất động sản 50%"; "Bất động sản Việt Nam bây giờ càng làm càng chết"; "tôi vẫn ngủ ngon trên đống nợ"...

 

Hay những phát ngôn gắn liền với những vụ kiện cáo ấm ĩ như: "Giàu cỡ Bill Gate sang Việt Nam cũng... chết" của ông chủ các khu công nghiệp Sóng Thần, Huỳnh Uy Dũng. Trong khi đó, khá nhiều doanh nhân nổi tiếng khác cũng có những phát ngôn "để đời" như: "Cứu doanh nghiệp là cứu chính ngân hàng" của ông trùm gỗ Võ Trường Thành hay nhã nhặn hơn "Mong quý cổ đông ủng hộ để Mai Linh vượt qua khó khăn" của ông chủ taxi Mai Linh, Hồ Huy.

 

Đáng chú ý, sau rất nhiều biến cố thì việc "Chỉ mong hai chữ bình yên" của đại gia thủy sản Diệu Hiền; "Ai khó nhưng với tôi có khó đâu" của bầu Thụy; có lẽ nhận được nhiều lời chia sẻ.

 

Nói cho bớt bức xúc?

 

Có lẽ những phát ngôn ấn tượng của nhiều doanh nhân được lan tỏa rộng khắp một phần là bởi chúng khá lạ và quan trọng hơn là do chúng được phát ngôn bởi những người nổi tiếng trong những hoàn cảnh có nhiều khó khăn bức xúc.

 

Đã có lần chia sẻ với báo chí, ông Đoàn Nguyên Đức cho rằng, người Việt có cái tật cứ hễ thấy ai làm một điều gì đó lạ lạ, vượt ngoài tầm một chút là lại cho là nổ.

 

Đi đầu, kiếm nhiều tiền và cũng sớm nhận ra chu kỳ suy thoái của các ngành nghề, bầu Đức đã gây dựng lên một Hoàng Anh Gia Lai có quy mô thuộc tốp đầu ở Việt Nam . Tuy nhiên, những phát ngôn, những dự báo, những chia sẻ của doanh nhân này đôi khi hơi sớm và không hợp tư duy của phần đông khác. Bên cạnh đó, tình trạng nợ khá cao của DN này cũng khiến những phát ngôn của doanh nhân này cần thời gian kiểm chứng.

 

Nhiều doanh nhân khác cũng vậy, họ nhận ra được cái khó của cơ chế, cái sốc của chính sách, cái gông è cổ của vốn vay ngân hàng... và chia sẻ những điều mình cảm nhận được.

 

Tất nhiên, ở chiều ngược lại, không ít các doanh nhân rơi vào tình cảnh "cái khó bó cái khôn", "khó làm liều", phát ngôn rùm beng, kêu gào khó khăn để chây ì trả nợ. Đứng ở vị trí chủ nợ, không ít người dở khóc dở cười với những con nợ kiểu này.

 

Ở tầm vĩ mô, tình trạng nợ xấu dồn đống, tăng cao trong hệ thống ngân hàng đã khiến Chính phủ phải thành lập ra Công ty mua bán nợ VAMC cho dù chưa thể xác định mức độ thành công trong việc xử lý "cục máu đông" của nền kinh tế này.

 

Việc các tập đoàn, các doanh nghiệp xin khoanh nợ, khất nợ, giãn thuế, giảm thuế... cùng với nhiều phát ngôn "ấn tượng" cũng phản ánh được phần nào tình trạng nợ nần chất đống, nợ nần bê bết và vòng quanh của các tế bào của nền kinh tế.

 

Với nhiều ngân hàng, việc thu nợ ngày càng trở nên khó khăn bởi con nợ trốn mất; con nợ không còn gì, chỉ còn cách vào tù; con nợ chây ì... Nhiều ngân hàng chết đứng khi biết con nợ đã cùng đường và mọi nỗ lực chỉ làm tăng thêm chi phí đòi nợ. Ngẫm cái câu "đứng cho vay, quỳ thu nợ" phần nào đúng trong các trường hợp khó đòi này.

 

Trong khó khăn, nhất cử nhất động của những người đại diện doanh nghiệp có thể phản ánh được tình hình thực sự của doanh nghiệp. Có lẽ vì thế, phát ngôn của các doanh nhân, đại gia luôn là tâm điểm gây sóng cho những cơn dư luận đa chiều.

>> Những "chiêu" khất nợ ghi vào sách giáo khoa!

>> Chuyện tiếp về "doanh nhân" Trần Văn Trí

>> Trải lòng của sếp Air Mekong khi quyết dừng bay

>> Ông Đặng Thành Tâm: Những phát ngôn để đời


VEF

Tin cùng chuyên mục