Phạt kiểm toán: Cần tăng chế tài để đủ sức răn đe

(ĐTCK) Những sai phạm trong việc lập báo cáo tài chính của các doanh nghiệp đại chúng gần đây gây không chỉ ảnh hưởng lớn tới tài sản của nhà đầu tư, mà còn làm suy giảm nghiêm trọng niềm tin trên thị trường chứng khoán. Ngoài trách nhiệm của ban lãnh đạo các doanh nghiệp, vấn đề được thị trường quan tâm là, kiểm toán phải chịu trách nhiệm liên đới như thế nào trong các sai phạm này?
Phạt kiểm toán: Cần tăng chế tài để đủ sức răn đe

Báo cáo tài chính kiểm toán, soát xét để làm gì?

Câu hỏi này tưởng chừng như đơn giản, nhưng nhìn chi tiết hơn vào các thủ tục hành chính, các quy định pháp lý trên thị trường sẽ thấy, báo cáo tài chính kiểm toán, soát xét đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp với thị trường, cơ quan quản lý.

Đối với một doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên niêm yết trên thị trường chứng khoán tập trung, báo cáo tài chính kiểm toán là căn cứ đặc biệt quan trọng cho việc xét duyệt điều kiện được niêm yết và duy trì niêm yết.

Không có báo cáo tài chính kiểm toán, doanh nghiệp sẽ mất ngay cơ hội niêm yết mới, duy trì niêm yết, bất kể thực trạng tài chính như thế nào. Quy chế của 2 sở giao dịch chứng khoán hiện nay đều quy định, doanh nghiệp đang niêm yết nhưng kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến kiểm toán, hoặc sau kiểm toán, có vốn chủ sở hữu âm… sẽ bị hủy niêm yết.

Quy định hiện hành cũng yêu cầu, doanh nghiệp muốn được lên niêm yết trên báo cáo tài chính sau kiểm toán phải thể hiện tỷ lệ thu nhập trên vốn chủ sở hữu từ 5% trở lên, không có lỗ lũy kế, bên cạnh các tiêu chí về quy mô vốn điều lệ, số cổ đông, tỷ lệ đại chúng hóa.

Báo cáo tài chính kiểm toán cũng là căn cứ quan trọng cho việc hồ sơ phát hành của doanh nghiệp đại chúng ra công chúng có được thông qua hay không. Để được chào bán chứng khoán ra công chúng với công ty cổ phần (trừ các trường hợp đặc biệt), doanh nghiệp phải đáp ứng yêu cầu có lãi năm gần nhất và không có lỗ lũy kế. Đồng thời, báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính năm phải là “sạch”, được kiểm toán viên chấp nhận toàn phần. Trường hợp báo cáo tài chính có điểm ngoại trừ, lưu ý, hiệu quả kinh doanh để xét phát hành phải được tính trên cơ sở đánh giá tác động của các vấn đề nhấn mạnh, ngoại trừ, lưu ý mà kiểm toán đưa ra. 

Xử phạt công ty kiểm toán vi phạm như thế nào là đủ?

Nhắc lại vai trò của báo cáo tài chính kiểm toán, vốn là những điều không mới với thị trường như trên để thấy rằng, kiểm toán đóng vai trò đặc biệt quan trọng với chất lượng hàng hóa trên thị trường chứng khoán. Nếu kiểm toán viên để doanh nghiệp đưa ra những báo cáo tài chính sai lệch về hiệu quả kinh doanh, tình trạng tài chính thì dù vô tình hay cố ý đều là hành vi tiếp tay cho việc lừa đảo trên thị trường chứng khoán, đưa hàng hóa kém chất lượng ra thị trường.

Nhóm nhà đầu tư sau quyết tâm sở hữu chi phối của ATA đã rất bức xúc vì cho rằng mình bị lừa, bởi hàng tồn kho thực tế gần như là con số 0 tròn trịa. Và ngoài việc truy trách nhiệm của Ban lãnh đạo cũ, điều được nhóm này quan tâm chính là: đơn vị kiểm toán trong quá khứ có vô can?

Nhà đầu tư Huỳnh Quốc Thuận tại TP. HCM chua chát nói: “Trước kia, đọc báo cáo kiểm toán của TTF, tôi hiểu là TTF bị khó khăn trong quá khứ vì hàng tồn kho lớn, thanh khoản kém nên hy vọng việc xuất hiện của cổ đông mới sẽ giải quyết được cả 2 yếu tố trên, Công ty sẽ khởi sắc trở lại. Hóa ra chúng tôi đã bị lừa. Tôi mua cổ phiếu TTF từ lúc giá 41.000 đồng/CP và sau đó phải chờ đến tận khi cổ phiếu về 10.000 đồng/CP mới cắt lỗ thành công. Đúng là tôi đã sai lầm khi mua TTF, nhưng tôi cho rằng, không nên chỉ xem xét trách nhiệm của Ban lãnh đạo của Công ty, mà cần xem xét xem những sai phạm này có từ bao giờ, kiểm toán có vô can trước sự che giấu sai phạm của doanh nghiệp hay không?”.

Hàng loạt vụ đổ vỡ bất ngờ của doanh nghiệp niêm yết rất cần có sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước để xác minh trách nhiệm của kiểm toán viên trong các báo cáo tài chính sau được kiểm toán trước đó.

Một kiểm toán viên giàu kinh nghiệm từ chối được nêu tên nhận xét với Đầu tư Chứng khoán rằng: “Nhiều đơn vị kiểm toán hay dùng các thủ thuật, đặc biệt là cố tình lựa chọn các hình thức kiểm toán phù hợp để không sai luật, nhưng tạo điều kiện cho doanh nghiệp lập báo cáo tài chính khống. Tuy nhiên, nếu suy đến cùng, đó đều là các hành vi vi phạm có thể “truy tội” được, bởi các chuẩn mực kiểm toán có những quy định khác để ràng buộc trách nhiệm của kiểm toán. Và về cơ bản, rất khó để doanh nghiệp qua mặt kiểm toán viên. Tôi ủng hộ quan điểm siết trách nhiệm của kiểm toán, vì hiện nay, nhiều công ty kiểm toán ra sức phá giá, làm ảnh hưởng đến môi trường chung của ngành. Một hợp đồng kiểm toán cả năm mà có khi chỉ 100 triệu đồng, thì làm sao đảm bảo chất lượng kiểm toán?”.

Vậy, kiểm toán viên chịu trách nhiệm thế nào đối với các gian lận báo cáo tài chính của doanh nghiệp? Thị trường đang chờ đợi sự quyết liệt hơn của cơ quan quản lý trong việc xác định vai trò của kiểm toán và tăng tính răn đe cho các công ty kiểm toán, vì có lẽ xử phạt hành chính là quá nhẹ so với thiệt hại mà thị trường phải chịu.    

​Bùi Sưởng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục