Phát huy hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ phát triển hợp tác xã

0:00 / 0:00
0:00
Trong bối cảnh hoạt động còn nhiều khó khăn, các nguồn lực tài chính, nhân sự là rất cần thiết cho sự phát triển bứt phá kinh tế tập thể hợp tác xã giai đoạn tới.
Toàn cảnh hội nghị Toàn cảnh hội nghị

Ngày 21/3/2022 tại Ninh Bình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội nghị phổ biến Chiến lược phát triển hợp tác xã giai đoạn 2021-2030 và Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2021-2025.

Đại diện Cục Phát triển Hợp tác xã (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã nhấn mạnh các chính sách hợp lý, đội ngũ cán bộ đủ năng lực, hợp tác xã có nhu cầu hỗ trợ thực sự là cần thiết nhưng chỉ là điều kiện cần, nếu không có các nguồn vốn để thực hiện chính sách hỗ trợ sẽ không đi vào cuộc sống. Trong giai đoạn trước, nhiều chính sách được ban hành nhưng không có nguồn lực thực hiện nên không đạt các mục tiêu đề ra và phần nào ảnh hưởng đến sự tin tưởng các hợp tác xã đối với các chính sách hỗ trợ của nhà nước.

Nhu cầu hỗ trợ từ ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 ước tính là 22.445 tỷ đồng, trong đó 15.038 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và 7.407 tỷ đồng vốn sự nghiệp. Tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển của 63/63 tỉnh, thành là 10.267 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khi trao quyền cho các địa phương lựa chọn các chương trình, dự án được thực hiện trong trung hạn thì chỉ có 5 tỉnh bố trí 5 dự án với số vốn 153,5 tỷ đồng (bằng 1,5% nhu cầu và 0,04% tổng vốn ngân sách trung ương hỗ trợ cho các địa phương, chưa bao gồm vốn hỗ trợ qua các chương trình mục tiêu quốc gia).

Tại hội nghị, bà Lê Thị Tâm, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Ninh Bình cho biết, nguồn vốn hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho các hợp tác xã còn rất hạn hẹp, hiện trạng cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị rất nghèo nàn, trong khi đó, việc tiếp cận vốn vay từ các ngân hàng thương mại gặp rất nhiều khó khăn. Tỉnh Ninh Bình đã dành 25 tỷ đồng từ vốn đầu tư trung hạn để hỗ trợ đầu tư sản xuất kinh doanh.

Theo chuyên gia Chu Tiến Quang, các chính sách hỗ trợ cần chỉ rõ định hướng hỗ trợ theo đối tượng hay theo mục tiêu. Hiện chỉ có 1.988 hợp tác xã công nghệ cao. Do vậy, cần những hỗ trợ thiết thực hơn nữa từ phía nhà nước để tăng cường gắn kết, thúc đẩy sự phát triển hợp tác xã, đưa các hợp tác xã công nghệ cao phát triển bứt phá, trở thành những cánh chim đầu đàn, lan toả giá trị và động lực.

Theo quan điểm của Cục Phát triển Hợp tác xã, kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã, là một trong 4 thành phần kinh tế quan trọng, cần được hỗ trợ phát triển nhanh và bền vững, hợp tác đa dạng, phát huy tối đa lợi thế các vùng miền, gắn sản xuất, kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm.

Ông Phùng Quốc Chí, Cục trưởng Cục Phát triển Hợp tác xã cho biết, các hỗ trợ dành cho đối tượng hợp tác xã hiện ưu đãi hơn hẳn so với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Ngoài ra, sự quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ của các cấp uỷ chính quyền địa phương cũng hết sức cần thiết nhằm huy động cũng như phát huy hiệu quả phân bổ, sử dụng nguồn vốn đa dạng cho phát triển hợp tác xã.

“Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trên cơ sở nội lực của tổ chức, Nhà nước xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển", ông Chí nhấn mạnh.

Chiến lược phát triển hợp tác xã xác định mục tiêu giai đoạn 2021-2030 cả nước có khoảng 140.000 tổ hợp tác với 2 triệu thành viên, 45.000 hợp tác xã thành viên. Trong đó số hợp tác xã hoạt động khá, tốt chiếm 60 - 70% trên tổng số hợp tác xã cả nước, phấn đấu đến năm 2030 cả nước có trên 5.000 hợp tác xã và 500 tổ hợp tác ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản, truy xuất nguồn gốc. Đồng thời tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và hợp tác xã, phấn đấu có khoảng 50% hợp tác xã nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị.

Để đạt được mục tiêu và tạo thuận lợi cho hợp tác xã tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế, Cục Phát triển Hợp tác xã đề xuất tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp như củng cố bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã; hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, tập huấn, phổ biến kiến thức pháp luật và các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi), dự kiến trình Chính phủ và Quốc hội xem xét vào kỳ họp cuối năm nay, được kỳ vọng tạo ra một hành lang pháp lý thông thoáng, loại bỏ các quy định rào cản, giúp hợp tác xã tham gia thị trường, tạo điều kiện phát triển các thành viên.

Nguyễn Hương
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục