Liên tục 9 phiên giao dịch vừa qua, TTCK Việt
Nguyên nhân khiến TTCK có xu hướng đi xuống thì có nhiều, nhưng lao dốc thì tôi cho rằng chỉ có hai: một là, "bong bóng" chứng khoán xì hơi sau giai đoạn tăng trưởng nóng; hai là, thị trường bị tác động bởi thông tin vô cùng bất lợi. TTCK đang lao dốc không thể vì nguyên nhân thứ nhất, ai cũng có thể nhìn thấy, bởi rất nhiều mã cổ phiếu đã và đang có thị giá thấp kỷ lục, thấp hơn mệnh giá, thấp hơn giá trị sổ sách.
Vậy nguyên nhân thứ hai, thông tin bất lợi là gì: lạm phát, lãi suất cao, siết tín dụng, kinh tế khó khăn, các kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn…? Riêng các kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn, trong lịch sử chưa thấy có sự liên thông mạnh mẽ kiểu bình thông nhau, nhất là khi các kênh đầu tư khác cũng đang gặp khó khăn. Chỉ có kênh tiền gửi ngân hàng là có vẻ hấp dẫn khi có mức lãi suất cao, nhưng mức lãi suất cao này đã được các ngân hàng áp dụng từ lâu mà vẫn khó thu hút được người gửi tiền.
Còn các thông tin bất lợi khác đã xuất hiện từ cuối năm 2010 đến nay, được chiết khấu dần dần vào giá cổ phiếu, khiến TTCK có xu hướng giảm, chứ không thể đột ngột dẫn đến hiện tượng bán tháo của NĐT. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh của các DN không đến nỗi quá xấu. Thống kê kết quả kinh doanh quý I/2011 của các DN trên HOSE cho thấy, ngoài một số DN thua lỗ thì trong 185 DN có số liệu để so sánh, có 82 DN có lợi nhuận giảm, 103 DN còn lại có lợi nhuận tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đa số tỷ lệ tăng trưởng lớn hơn tỷ lệ sụt giảm. Có thể thấy, nhiều DN đã nỗ lực vượt qua khó khăn để ổn định hoạt động.
Thông tin về nguy cơ an toàn tài chính tại 15 CTCK đang khiến thị trường lo ngại, nhưng tôi cho rằng, với số lượng quá lớn CTCK hiện nay, sự đào thải những công ty yếu kém là cần thiết. Tài khoản tiền và chứng khoán của NĐT tại những công ty đó sẽ được chuyển sang công ty khác quản lý, chứ không thể mất được. Trung tâm Lưu ký (VSD) đã quản lý đến chân tài khoản của từng NĐT, cổ phiếu do VSD giữ, tiền do ngân hàng giữ, nếu CTCK phá sản (chủ yếu là DN nhỏ) thì chỉ có cổ đông công ty đó bị ảnh hưởng, NĐT không nên lo lắng.
Vậy nguyên nhân nào dẫn đến sự đổ dốc của TTCK? Theo tôi, đó là thông tin "nhiều cổ phiếu cầm cố đang bị giải chấp", khiến thị trường dội cung. Nhưng tính tin cậy của thông tin này đến đâu? Đây là thông tin không bắt buộc phải công khai và có thể nói là không có số liệu chính xác. Tất cả chỉ là đồn đoán.
Có một thống kê chỉ ra rằng, khoản mục phải thu của khách hàng, phải thu khác tại 14 CTCK lớn tính đến cuối quý I/2011 là trên 11.000 tỷ đồng, mà khoản cầm cố chứng khoán thường nằm trong các khoản mục này. Tôi không biết nhiều về kế toán, nhưng giả sử đó đều là các khoản cầm cố thì liệu có phải tất cả đang thuộc diện phải giải chấp hay không? Theo tôi thì không, vì nhiều khả năng là một số đã trả nợ, một số chưa đến mức giải chấp, một số có khả năng trả nợ.
Mặt khác, từ cuối năm 2010 đến nay, TTCK được dự báo gặp nhiều khó khăn, sẽ không có nhiều NĐT cầm cố để vay tiền nhằm đầu tư. Do đó, số cổ phiếu thực tế bị giải chấp hiện nay có lẽ không lớn như đồn đoán, mà lượng hàng xả ra ở mức giá thấp chủ yếu là do NĐT hoảng sợ mà bán ra.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận hiện tượng giải chấp. Vì vậy, rất mong cơ quan quản lý có giải pháp quản lý hiệu quả hoạt động cầm cố cổ phiếu, cũng như công khai thông tin về hoạt động này để NĐT nắm rõ, tránh tình trạng bán tháo, gây thua lỗ cho NĐT (và tác động ngược lại đối với những NĐT đang cầm cố), tạo cơ hội cho một bộ phận NĐT thu gom với giá thấp sau đó.