Phát hiện nhà máy nấu rượu sake cổ nhất thế giới

Nhà máy nấu rượu sake 600 năm tuổi giữa sân ngôi đền cổ ở Kyoto được phát hiện tình cờ trong một dự án xây dựng.
Dấu tích của nhà máy nấu rượu thế kỷ 15 ở Kyoto. Ảnh: Asahi. Dấu tích của nhà máy nấu rượu thế kỷ 15 ở Kyoto. Ảnh: Asahi.

Công ty khai quật Kokusai Bunkazai tìm thấy nhà máy nấu rượu sake có niên đại từ thế kỷ 15 ở di chỉ khảo cổ Saga, nằm trong sân đền Tenryuji trước đây ở phường Ukyo của Kyoto.

Đáng chú ý nhất trong phát hiện là phòng ép rượu chưa tinh chế và khoảng 180 hố để chôn hũ đựng rượu, mỗi hố rộng 60 cm và sâu 20 cm.  

Các nhà khảo cổ cho rằng nhà máy này được sử dụng trong thời kỳ chiến tranh Onin (năm 1467 - 1477).

Nhà máy nấu rượu lâu đời nhất được biết đến trước đó ở Itami, quận Hyogo, ước tính xây vào thời Edo (năm 1603 - 1867).

"Cơ sở ở Kyoto có cùng kết cấu như nhà máy nấu rượu thời Edo, cho thấy người Trung Cổ sử dụng cùng một phương pháp ép rượu sake", Masaharu Obase, giám đốc bảo tàng Itami, cho biết.

Giới khảo cổ đã biết rượu sake được sản xuất ở đền Tenryuji vào thời Muromachi, năm 1336 - 1573) giúp mang lại lợi nhuận lớn. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên có phát hiện khảo cổ chứng thực điều đó, theo Kokusai Bunkazai.

Công ty Kokusai Bunkazai khảo sát khu vực rộng 700 m2 gần khu đất hiện nay của đền Tenryuji trước dự án xây căn hộ trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 8/2018.

Họ khai quật một phần phòng ép rượu. Các nhà nghiên cứu cho biết thợ sản xuất bỏ rượu sake vào túi vải và vắt chặt để rượu đổ vào bình chứa, sử dụng một thanh gỗ và đá làm đòn bẩy.

Một cột trụ dài 1 m và rộng 45 cm cùng với hai dầm đỡ dài 1,8 m, mỗi mặt rộng 15 cm, còn sót lại cùng khoảng 20 viên đá.

Các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy hố rỗng rộng 1,8 m và sâu 1 m để đặt bình chứa những giọt rượu saka đã ép bã. Cột trụ khác nhỏ hơn nằm cách hố 2 m về phía đông hé lộ nhà máy từng được xây lại.


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục