Hố đen mới nằm trong chòm sao Telescopium ở phương nam, cùng hệ với hai ngôi sao đồng hành đủ sáng để quan sát bằng mắt thường. Nhưng bạn sẽ không trông thấy bản thân hố đen bởi nó có lực hấp dẫn mạnh đến mức không gì có thể thoát khỏi, bao gồm cả ánh sáng.
Nhóm nghiên cứu đứng đầu là nhà thiên văn học Thomas Rivinius ở Đài thiên văn phía nam châu Âu phát hiện hố đen trong lúc nghiên cứu hệ thống mà họ cho là hệ sao nhị phân.
Họ sử dụng kính viễn vọng MPG/ESO khẩu độ 2,2 mét ở Đài thiên văn La Shilla tại Chile để quan sát hệ HR 6819 trong nghiên cứu rộng hơn về các hệ sao nhị phân. Khi phân tích dữ liệu, nhóm nghiên cứu rất bất ngờ nhận ra vật thể thứ ba ẩn trong hệ thống là một hố đen.
Dù không quan sát trực tiếp hố đen, các nhà thiên văn học có thể suy ra sự tồn tại của nó dựa vào tương tác hấp dẫn với hai vật thể còn lại trong hệ thống.
Sau khi quan sát hệ HR 6819 suốt vài tháng, họ lập bản đồ quỹ đạo của các ngôi sao và suy đoán một vật thể lớn chắc chắn đang ẩn trong hệ thống.
Kết quả quan sát cũng cho thấy một trong hai ngôi sao quay quanh vật thể vô hình theo quỹ đạo 40 ngày trong khi ngôi sao còn lại nằm ở khoảng cách lớn hơn nhiều.
Họ tính toán vật thể đó là hố đen khối lượng sao, hình thành từ quá trình sụp đổ của một ngôi sao chết lớn gấp 4 lần Mặt Trời. Rivinius và cộng sự kết luận hệ HR 6819 chứa hố đen gần Trái Đất nhất mà giới nghiên cứu từng biết.
Hố đen gần thứ hai sau HR 6819 ở cách Trái Đất 3.000 năm ánh sáng trong chòm Monoceros. Các nhà thiên văn học ước tính có hàng triệu hố đen chỉ tính riêng trong dải Ngân Hà.
Hố đen ở hệ HR 6819 là một trong những hố đen khối lượng sao đầu tiên trong thiên hà của chúng ta không giải phóng tia X khi tương tác với các ngôi sao đồng hành.