Phát hiện hàng loạt các sai phạm giao dịch chứng khoán

Sau 7 cuộc kiểm tra bất thường mà UBCK thực hiện tại 12 CTCK, các sai phạm chủ yếu là cho NĐT bán trước T+4, NĐT lợi dụng tài khoản giao dịch ủy quyền để thao túng giá cổ phiếu.
Trong hằng hà sa số những dấu hiệu nghi vấn vi phạm về giao dịch trên thị trường chứng khoán mà bộ phận giám sát tại các Sở Giao dịch Chứng khoán phát hiện và đưa vào tầm ngắm, thì chỉ có không nhiều trường hợp được làm rõ và xử phạt.
Thậm chí, có những tổ chức giao dịch, “ngửi” thấy được thao túng nhưng truy cho cùng lại rất khó... Nhiều vướng mắc hiện nay đang khiến cho những nỗ lực của công tác giám sát giao dịch trên thị trường đã không được như kỳ vọng.
Theo quy định, bộ máy giám sát giao dịch chứng khoán trên thị trường chứng khoán được tổ chức thành hai cấp. Cấp thứ nhất là các sở giao dịch chứng khoán (Phòng Giám sát giao dịch) và cấp thứ hai là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (Vụ giám sát thị trường).
Căn cứ vào dữ liệu, báo cáo giám sát giao dịch do các sở giao dịch chứng khoán gửi lên, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (Vụ Giám sát thị trường) giám sát diễn biến giao dịch hàng ngày, định kỳ, kịp thời phát hiện, phân tích đánh giá các dấu hiệu giao dịch bất thường, yêu cầu các sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) và công ty chứng khoán cung cấp, báo cáo để làm rõ, phát hiện các hành vi bị cấm, giao dịch nội gián, thao túng thị trường, tiến hành kiểm tra, lập hồ sơ xử lý các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Sau 7 cuộc kiểm tra bất thường mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2012 tại 12 công ty chứng khoán liên quan đến giao dịch của các cổ phiếu đang niêm yết trên cả 2 sở giao dịch chứng khoán, hàng loạt các sai phạm được phát hiện chủ yếu là: tình trạng các công ty chứng khoán cho nhà đầu tư bán chứng khoán trước T+4, cho nhà đầu tư vay tiền để mua chứng khoán, nhà đầu tư lợi dụng tài khoản giao dịch ủy quyền để thao túng giá cổ phiếu, tạo ra sự không công bằng những rủi ro tiềm tàng về tính thanh khoản, tính minh bạch và sự ổn định của thị trường.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã xử phạt 14 cá nhân vi phạm giao dịch thao túng chứng khoán với tổng số tiền hơn 4 tỷ đồng.
Các vi phạm chủ yếu
Theo Vụ Giám sát thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, kết quả công tác giám sát giao dịch hàng năm cho thấy các hành vi vi phạm về giao dịch tập trung chủ yếu ở 4 nhóm cơ bản.
Thứ nhất, các vi phạm quy định về giao dịch chứng khoán tại Thông tư số 74/2011/TT-BTC Hướng dẫn giao dịch trên thị trường chứng khoán. Đây là các trường hợp nhà đầu tư sử dụng từ hai tài khoản trở lên tại nhiều công ty chứng khoán khác nhau để thực hiện giao dịch mua bán trái chiều cùng một loại chứng khoán trong phiên.
Thứ hai, vi phạm chế độ báo cáo, công bố thông tin của cổ đông nội bộ, người có liên quan của tổ chức niêm yết; chế độ báo cáo cổ đông lớn của công ty đại chúng.
Các vi phạm này thường rơi vào giao dịch của các cổ đông nội bộ của tổ chức niêm yết (thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Ban giám đốc, Kế toán trưởng) và các tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quy định về “người liên quan” theo quy định Luật Chứng khoán mà không thực hiện báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, sở giao dịch chứng khoán, không thực hiện công bố thông tin theo quy định; cổ đông lớn của công ty đại chúng thực hiện giao dịch mà không tuân thủ chế độ báo cáo theo quy định tại Điều 29 Luật Chứng khoán.
Đối với hành vi vi phạm này, tùy theo mức độ vi phạm, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt vi phạm hành chính hoặc cảnh cáo nhắc nhở đối với các trường hợp vi phạm lần đầu, giao dịch với khối lượng nhỏ.
Thứ ba, các vi phạm theo Điều 9 Luật Chứng khoán (các hành vi bị cấm). Đại diện Vụ Giám sát thị trường cũng thừa nhận rằng, cùng với sự phát triển của thị trường chứng khoán, các hành vi vi phạm ngày càng trở nên tinh vi và phức tạp hơn như: sử dụng thông tin nội bộ để giao dịch chứng khoán; cấu kết, thông đồng mua bán chứng khoán tạo cung cầu giả nhằm thao túng thị trường, thao túng giá chứng khoán.
Đối với các trường hợp vi phạm này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ phối hợp với cơ quan công an để điều tra xử lý theo pháp luật.
Thứ tư, các vi phạm khi giao dịch cổ phiếu quỹ theo Luật Chứng khoán. Trong thời gian qua, trên cơ sở báo cáo của các sở giao dịch chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xử phạt nhiều trường hợp vi phạm quy định về giá và khối lượng khi giao dịch cổ phiếu quỹ.
Bên cạnh đó, các sở giao dịch chứng khoán cũng đã có công văn yêu cầu tổ chức niêm yết giải trình và hầu hết các phúc đáp đều cho rằng nguyên nhân là hiểu biết Luật Chứng khoán còn hạn chế.
Để giám sát hiệu quả hơn
Hiện tại, Dự thảo Thông tư Giám sát giao dịch chứng khoán trên thị trường chứng khoán đang được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xây dựng và trình Bộ Tài chính, dự kiến hoàn thành trong quý III/2012.
Ngoài việc bổ sung các quy định mới, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã chỉ đạo các sở giao dịch chứng khoán tổ chức việc hướng dẫn và phổ biến kiến thức về công bố thông tin một cách rộng rãi, hiệu quả hơn, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác giám sát.
Mặt khác, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã bổ sung quy định chặt chẽ hơn về cho phép giao dịch cổ phiếu quỹ của công ty niêm yết tại thông tư sửa đổi Thông tư 18/2007/TT-BTC ngày 13/3/2007 của Bộ Tài chính về hướng dẫn việc mua, bán lại cổ phiếu và một số trường hợp phát hành thêm cổ phiếu của công ty đại chúng (từ sở giao dịch chứng khoán về Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) và yêu cầu chặt chẽ hơn các điều kiện để giao dịch cổ phiếu quỹ.
Trong thời gian tới, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện tốt giải pháp này đồng thời phối hợp với cơ quan có liên quan để xử lý các vụ việc vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật về giao dịch chứng khoán.
Cùng với việc nâng cao trình độ của cán bộ giám sát, thanh tra, học hỏi kinh nghiệm của các nước trong khu vực và thế giới, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang khẩn trương xây dựng hệ thống phần mềm phục vụ cho công tác giám sát giao dịch thị trường chứng khoán, gồm: phần mềm lưu trữ và khai thác dữ liệu trong ngắn hạn và hệ thống giám sát giao dịch tự động trong dài hạn; tổ chức thực hiện và bảo mật quy trình nhận, chuyển, sử dụng, khai thác hiệu quả, an toàn các dữ liệu giao dịch cho công tác giám sát.

VnEconomy
VnEconomy

Tin cùng chuyên mục