Theo dữ liệu Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong tháng 4/2023 chỉ có 2 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp (một riêng lẻ và một đại chúng) với tổng giá trị phát hành 2.671 tỷ đồng, chỉ bằng 10% khối lượng phát hành tháng 3/2023.
Trong tuần đầu tháng 5/2023, không có đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp mới nào được ghi nhận.
Như vậy, lũy kế từ đầu năm đến ngày 5/5, tổng khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt gần 31.700 tỷ đồng, với 7 đợt phát hành công chúng và 15 đợt phát hành riêng lẻ. Trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ chiếm 83% khối lượng phát hành.
Trong khi phát hành mới sụt giảm thì doanh nghiệp lại tăng mua lại trái phiếu trước hạn. Tính đến ngày công bố thông tin 6/5/2023, các đợt mua lại mới được công bố trong tháng 5 đều được thực hiện trong các tháng trước đó. Tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn lũy kế từ đầu năm đến nay đạt gần 49.500 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2022.
Tính đến ngày công bố thông tin 5/5, tổng giá trị trái phiếu đến hạn trong tháng 5/2023 là hơn 21.400 tỷ đồng. Một số nhóm ngành có giá trị đến hạn lớn bao gồm bất động sản (9.600 tỷ đồng), hàng tiêu dùng (3.700 tỷ đồng), nguyên vật liệu (2.900 tỷ đồng), ngân hàng (2.500 tỷ đồng).
Theo kế hoạch, năm nay, Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo sẽ chào bán tối đa 1.000 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có bảo đảm với kỳ hạn tối đa 60 tháng kể từ ngày phát hành ra công chúng trong quý II/2023.
Ngoài ra, CTCP Vinhomes cũng phát hành tối đa 10.000 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên và tối đa không quá 60 tháng kể từ ngày phát hành với lãi suất phát hành tối đa 15%/năm.
Do có sự tăng trưởng đột phá bất ngờ trong tháng 3/2023, lũy kế 4 tháng đầu năm, bất động sản vẫn là ngành dẫn đầu về phát hành trái phiếu doanh nghiệp mới với cơ cấu chiếm hơn 61%. Ngành tiêu dùng đứng thứ hai với tỷ lệ 32,7%, tiếp đó là ngành xây dựng, nông nghiệp, chứng khoán.
Ngành ngân hàng hầu như không thể phát hành trái phiếu doanh nghiệp mới 4 tháng đầu năm nay do vướng mắc các quy định của Nghị định 65/2023/NĐ-CP về báo cáo tình hình sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu đối với trái phiếu còn dư nợ để công bố thông tin định kỳ, cũng như làm căn cứ phát hành các đợt trái phiếu mới.
Trong báo cáo về trái phiếu doanh nghiệp tháng 4/2023 vừa phát hành, FinnRatings cảnh báo về tình trạng nợ xấu trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục gia tăng. Cụ thể, theo FiinRatings, tính tới 4/5/2023, thị trường ghi nhận 98 tổ chức phát hành chậm thực hiện nghĩa vụ nợ trái phiếu doanh nghiệp với tổng giá trị 128.5000 tỷ đồng, tăng 13,6% so với giữa tháng 4/2023. Tỷ lệ nợ xấu trái phiếu doanh nghiệp của doanh nghiệp phi tài chính lên tới 16,29%.
Sau Nghị định 08/2023/NĐ-CP được ban hành, cho phép cơ cấu lại nợ trái phiếu với việc kéo dài thời hạn tối đa 2 năm, thị trường ghi nhận một số hoạt động triển khai theo quy định mới này.