Phát hành riêng lẻ: Sở Kế hoạch & Đầu tư lắc đầu?

(ĐTCK-online) Những DN có kế hoạch phát hành cổ phần riêng lẻ đang gặp khó khăn trong việc tìm đối tác do quy định NĐT bị hạn chế chuyển nhượng cổ phần tối thiểu 1 năm kể từ ngày hoàn thành việc chào bán theo Nghị định 01/2010/NĐ-CP về phát hành cổ phần riêng lẻ, có hiệu lực từ ngày 25/2/2010.
Các Sở kế hoạch và đầu tư đang lúng túng khi DN hỏi về thủ tục chào bán cổ phần riêng lẻ. Các Sở kế hoạch và đầu tư đang lúng túng khi DN hỏi về thủ tục chào bán cổ phần riêng lẻ.

Bên cạnh đó, các DN còn gặp phải vướng mắc là sự lúng túng của cơ quan có thẩm quyền trong việc triển khai các quy định mới trong Nghị định 01, do chưa có thông tư hướng dẫn.

Theo ý kiến của các DN, việc giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư quản lý chào bán cổ phần riêng lẻ của các CTCP không thuộc diện CTCK, ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty đại chúng, trong khi chưa có hướng dẫn cụ thể để thực hiện chức năng này đang gây khó khăn cho DN khi thực hiện kế hoạch chào bán cổ phần riêng lẻ.

Tổng giám đốc một DN tại Hà Nội than phiền, khi DN đến Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội tìm hiểu thủ tục đăng ký chào bán 3 triệu cổ phần riêng lẻ, với giá 15.000 đồng/CP cho hai cổ đông, thì không thấy bất kỳ hướng dẫn nào về quy trình, thủ tục để thực hiện việc này.

Quay sang hỏi một cán bộ tại đây thì nhận được câu trả lời thiếu rõ ràng, lúng túng, mà nguyên nhân theo giải thích của họ là do chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết Nghị định 01. Bởi vậy, hơn một tháng qua, DN vẫn không nắm được phải chuẩn bị hồ sơ như thế nào.

Trong khi đó, theo quy định của Nghị định 01, trình tự, thủ tục tiếp nhận và xử lý hồ sơ đăng ký chào bán cổ phần riêng lẻ phải được niêm yết công khai tại cơ quan có thẩm quyền (Sở Kế hoạch và Đầu tư; Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất…).

Theo ông Từ Danh Trung, Trưởng phòng Đăng ký kinh số 3, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, thực tế thực hiện Nghị định 01, cả DN lẫn cơ quan có thẩm quyền đang gặp lúng túng, vì đến thời điểm này chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết. Bởi vậy, dù các trường hợp đăng ký phát hành riêng lẻ chưa nhiều, nhưng đang gây áp lực cho cơ quan có thẩm quyền.

Ông Trung cho biết, để giải toả tình trạng này, cơ quan đăng ký kinh doanh đang cố gắng vận dụng các quy định hiện hành, cũng như tham vấn ý kiến của cơ quan cấp trên để giải quyết vướng mắc cho DN. Tuy nhiên, cách xử lý này gặp nhiều khó khăn, đề nghị cấp có thẩm quyền sớm ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết việc thực thi Nghị định 01.

Khó khăn mà các DN đang gặp phải cũng nhận được sự chia sẻ của một lãnh đạo Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương, khi ông này cho rằng, Nghị định 01 có nhiều bước tiến trong quản lý phát hành cổ phần riêng lẻ, tuy nhiên điều kiện để thực hiện một số quy định mới chưa chín muồi.

Đơn cử, với nhân sự hạn chế hiện tại, các cơ quan đăng ký kinh doanh rất khó có điều kiện giám sát để kịp thời, xử lý vi phạm đối với các DN không tiến hành phát hành cổ phần riêng lẻ như đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền.

Trong trường hợp đủ sức làm việc này, thì với một số quy định còn mang tính nguyên tắc trong Nghị định 01, cơ quan có thẩm quyền không biết bắt đầu từ đâu khi muốn tiến hành kiểm tra, giám sát để phát hiện DN sai phạm, từ đó đưa ra biện pháp xử lý phù hợp.

Ngoài vướng mắc do chưa có văn bản hướng dẫn, một vấn đề khác khiến các DN e ngại khi thực hiện Nghị định 01, đó là trước khi tiến hành phát hành cổ phần riêng lẻ, các DN phải gửi cơ quan có thẩm quyền báo cáo chi tiết về đợt phát hành. Trong đó, làm rõ số lượng cổ phần, cũng như giá dự kiến chào bán; danh sách đối tác dự kiến mua cổ phần…

Theo các DN, các yếu tố trên liên tục biến động từ lúc lên kế hoạch đến thời điểm triển khai. Bởi vậy, với quy định của Nghị định 01, các DN sẽ phải mất nhiều thời gian để điều chỉnh hồ sơ đăng ký chào bán. Điều này có nguy cơ làm mất cơ hội chào bán cổ phần của DN.

Một lãnh đạo Vụ Quản lý phát hành chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, việc soạn thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định 01 đang được UBCK triển khai, hiện bắt đầu tập hợp ý kiến góp ý của các đơn vị trong Ủy ban. Tuy nhiên, phạm vi điều chỉnh của Nghị định 01 khá rộng, liên quan đến các DN hoạt động trong hầu hết lĩnh vực kinh doanh như bảo hiểm, tín dụng…, nên phải lấy ý kiến Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, do đó mất khá nhiều thời gian.

Thực tế, có những văn bản hướng dẫn phải mất hàng năm sau khi nghị định có hiệu lực mới được ban hành, gây “tắc” trong việc triển khai. Các DN hy vọng, Thông tư hướng dẫn Nghị định 01 không rơi vào tiền lệ xấu này, để sớm giúp họ giải toả những vướng mắc hiện nay khi thực hiện kế hoạch phát hành cổ phần riêng lẻ.         

 

4 vấn đề về chào bán riêng lẻ đang chờ Bộ Tài chính hướng dẫn

 

Trước những khúc mắc của nhiều DN trong việc thực thi Nghị định 01/2010/NĐ-CP về chào bán chứng khoán riêng lẻ, UBCK mới đây đã công bố một bản giải đáp 31 câu hỏi của DN liên quan đến văn bản này. Mặc dù vậy, vẫn còn 4 câu hỏi ngỏ về chào bán riêng lẻ nằm ngoài khả năng giải đáp của UBCK và cơ quan này cho biết đang chờ Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết. Cụ thể:

 

1. Việc DN chào bán chứng khoán cho dưới 100 người lao động trong công ty có bị coi là phát hành riêng lẻ hay không?

 

2. Nếu DN dành một phần nhất định trong lượng cổ phiếu chào bán ra công chúng để bán theo giá ưu đãi cho một số đối tượng như HĐQT, ban kiểm soát, ban giám đốc, đối tác chiến lược…, thì các đối tượng này có bị coi là được mua riêng lẻ (bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm) hay không?

 

3. Sau khi phát hành xong cổ phiếu, nếu DN không thực hiện lưu ký và niêm yết thì cổ đông có được chuyển nhượng cổ phiếu mình đã mua hay không? Nếu được thì phải liên hệ với cơ quan nào và thủ tục ra sao?

 

4. Nghị định 01 yêu cầu DN (trừ loại hình CTCK, ngân hàng, DN bảo hiểm) phải nộp hồ sơ xin phát hành riêng lẻ lên sở Kế hoạch đầu tư để xin phép. Tuy nhiên, nếu Sở Kế hoạch và Đầu tư không tiếp nhận loại hồ sơ này (do hiện nay, sở kế hoạch và đầu tư chỉ tiếp nhận hồ sơ đăng ký tăng vốn điều lệ thông thường), thì DN phải làm thế nào?

Hữu Hoè
Hữu Hoè

Tin cùng chuyên mục