Phát hành, niêm yết ở nước ngoài: Sắp có đường đi!

(ĐTCK-online) Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) vừa có công văn lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư hướng dẫn về chào bán và niêm yết chứng khoán của DN Việt Nam tại nước ngoài. Như vậy, DN sắp có cơ chế pháp lý rõ ràng để thực hiện ý định phát hành và niêm yết tại nước ngoài, mà lâu nay vẫn chỉ dừng lại ở "đánh tiếng".
Trong thời gian qua, một số DN Việt Nam “đánh tiếng” muốn niêm yết tại nước ngoài. Trong thời gian qua, một số DN Việt Nam “đánh tiếng” muốn niêm yết tại nước ngoài.

Nội dung dự thảo bao gồm 2 vấn đề lớn là phát hành chứng khoán (bao gồm cổ phiếu và trái phiếu) và niêm yết tại nước ngoài. Về thủ tục chào bán cổ phiếu/trái phiếu ra nước ngoài, cơ bản giống với quy định chào bán cổ phiếu/trái phiếu ra công chúng theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 14/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán. Tuy nhiên, do đặc thù phát hành ra nước ngoài, nên DN phải được nước sở tại (nơi DN dự định phát hành) chấp thuận; phải đảm bảo tỷ lệ sở hữu của người nước ngoài không quá quy định của pháp luật Việt Nam. Ngoài ra, phải có giấy xác nhận tài khoản vốn phát hành chứng khoán bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng được phép.

Có 2 hình thức phát hành ra nước ngoài để huy động vốn là phát hành trực tiếp cổ phiếu/trái phiếu hoặc phát hành thông qua việc bảo lãnh chứng chỉ lưu ký do một tổ chức lưu ký nước ngoài phát hành. Điểm khác biệt của 2 hình thức này chính là việc chứng khoán được lưu ký trực tiếp theo từng nhà đầu tư tại nước ngoài (nếu phát hành cổ phiếu/trái phiếu) hoặc chứng khoán sẽ được lưu ký tại Việt Nam dưới tên tài khoản tổng như một nhà đầu tư (là tổ chức lưu ký nước ngoài). Với trường hợp tổ chức phát hành cổ phiếu ra nước ngoài thông qua việc bảo trợ chứng chỉ lưu ký tại nước ngoài, ngoài việc đáp ứng điều kiện của nước sở tại và quy định nói chung về phát hành cổ phiếu của Việt Nam thì phải có hợp đồng nguyên tắc với Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (TTLK) về việc bảo trợ phát hành chứng chỉ lưu ký tại nước ngoài. Trong đó, khái niệm chứng chỉ lưu ký được hiểu là loại chứng khoán do một tổ chức lưu ký nước ngoài phát hành bên ngoài Việt Nam phù hợp với quy định của nước sở tại ghi nhận quyền sở hữu đối với cổ phiếu của DN Việt Nam đang lưu ký tập trung tại TTLK.

Về quy định liên quan đến việc niêm yết chứng khoán ra nước ngoài: trong trường hợp DN phát hành và niêm yết ở nước ngoài thì chỉ cần đáp ứng điều kiện niêm yết tại sở GDCK của nước mà cơ quan quản lý TTCK hoặc sở GDCK đã có thoả thuận hợp tác với UBCK theo quy định tại Nghị định 14. Ngoài ra, DN chỉ cần gửi một bộ hồ sơ thông báo cho UBCK theo mẫu ban hành kèm Thông tư.

Với trường hợp DN muốn thực hiện niêm yết phần vốn đã niêm yết, giao dịch ở Việt Nam, thì thay vì niêm yết trực tiếp cổ phiếu và chuyển lưu ký ra nước ngoài, DN sẽ thực hiện niêm yết chứng chỉ lưu ký cổ phiếu. Phần cổ phiếu chuyển niêm yết nước ngoài phải được ĐHCĐ đồng ý về phương thức lựa chọn người sở hữu chứng khoán niêm yết và phải được chủ sở hữu (có danh sách) đồng ý. Nếu DN đang niêm yết tại sở GDCK của Việt Nam thì phần cổ phiếu niêm yết nước ngoài phải được hủy niêm yết tại Việt Nam. Cả cổ phiếu niêm yết trong nước và quốc tế đều phải được đăng ký tập trung tại TTLK.

Về cơ bản, dự thảo Thông tư hướng dẫn phát hành và niêm yết chứng khoán của DN Việt Nam tại nước ngoài đã quy định thủ tục khá thông thoáng với chủ trương giám sát quản lý, chứ không phải cơ chế cấp phép xin - cho.

Tiểu Mai
Tiểu Mai

Tin cùng chuyên mục