Phát hành không hết, Index bị ảnh hưởng

Hiện tại, khi các công ty niêm yết tăng vốn bằng cách phát hành cổ phiếu (CP) cho cổ đông hiện hữu, thì ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày giá tham chiếu của CP công ty đó được điều chỉnh giảm theo tỷ lệ tương ứng với lượng CP phát hành thêm.
Khi các công ty niêm yết phát hành không thành công hoặc chỉ phát hành được một phần CP cho cổ đông thì sẽ dẫn đến sự lệch lạc của chỉ số thị trường - Ảnh: Hoài Nam

Ví dụ: Công ty XYZ có vốn điều lệ 200 tỷ đồng, niêm yết 20 triệu CP. Giá hiện tại của CP này là 15.000 đồng/CP. Công ty sẽ phát hành CP nhằm tăng vốn lên 400 tỷ đồng bằng phương án bán CP cho cổ đông hiện hữu, với giá bán bằng mệnh giá là 10.000 đồng/CP. Như vậy, tỷ lệ phát hành hay tỷ lệ quyền mua là 1:1 (1 CP tương ứng với 1 quyền mua và mỗi quyền mua được mua 1 CP phát hành thêm với giá 10.000 đồng). Tại ngày giao dịch không hưởng quyền, giá tham chiếu của CP XYZ được điều chỉnh như sau: (15.000 + 10.000)/2 = 12.500 đồng/CP.

Vốn hóa của cổ phiếu XYZ trước khi điều chỉnh là: 15.000 x 20.000.000 = 300 tỷ đồng. Vốn hóa sau khi điều chỉnh là: 12.500 x 40.000.000 = 500 tỷ đồng.

Giả sử tổng giá trị vốn hóa của thị trường là 3.000 tỷ đồng, thì tỷ trọng vốn hóa của XYZ trước khi tăng vốn là 10%. Sau khi tăng vốn, tỷ trọng vốn hóa của XYZ là 500/(3.000 - 300 + 500) = 16,6%. Điều này nghĩa là trước khi tăng vốn, nếu giá CP XYZ tăng 5% thì chỉ số chứng khoán tăng 0,5% (lấy 5% nhân 10%), còn sau khi tăng vốn thì mức tăng của chỉ số chứng khoán sẽ là 0,83% (lấy 5% nhân 16,6%).

Tuy nhiên, sau một thời gian, các công ty niêm yết thông báo phát hành không thành công hoặc chỉ phát hành được một phần, như vậy chỉ số thị trường sẽ được tính như thế nào?

Với ví dụ trên, sau một thời gian, Công ty XYZ thông báo là chỉ phát hành thành công 1/2 số lượng CP dự kiến phát hành, nghĩa là 10 triệu CP (tỷ lệ phát hành là 1:0,5). Khi đó, nếu tính lại giá tham chiếu trong trong phiên điều chỉnh thì CP XYZ có mức giá: 13.300 đồng/CP = (15.000 + 0,5 x 10.000)/(1+0,5).

Vốn hóa của XZY trước điều chỉnh vẫn là 300 tỷ đồng, nhưng vốn hóa sau điều chỉnh chỉ là: 13.300 x 30.000.000 = 399 tỷ đồng.

Tỷ trọng vốn hóa của XYZ sẽ là 399/(3.000 - 300 + 399) = 11,7% và khi cổ phiếu XYZ tăng 5% thì chỉ số thị trường tăng 0,59% (chênh lệch 0,24%).

Điều này sẽ rõ hơn khi chỉ số thị trường là 500 điểm. Nếu tăng vốn thành công như trường hợp 1 thì khi CP XYZ tăng 5% thì chỉ số thị trường tăng 500 * (1 + 0,83%) = 504,15 điểm. Nếu chỉ phát hành thành công một nửa như trường hợp 2 thì khi cổ phiếu XYZ tăng 5% thì chỉ số tăng 500 * (1 + 0,59%) = 502,95 điểm.

Sự sai lệch trên là khá lớn và nếu giá CP XYZ tăng 5% liên tục trong vài phiên thì sẽ dẫn đến sự lệch lạc về cách nhìn thị trường thông qua chỉ số của nhà đầu tư.           

Nguyễn Tiến Nam, CTCK Trường Sơn namnt@tss.com.vn
Nguyễn Tiến Nam, CTCK Trường Sơn namnt@tss.com.vn