Chính quyền của Tổng thống Donald Trump hôm 2/12 đã cảnh báo có thể áp thuế lên tới 100% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Pháp, sau cuộc điều tra của chính phủ Mỹ cho thấy, thuế dịch vụ kỹ thuật số mới mà Pháp áp đặt sẽ gây tổn hại cho các công ty công nghệ Mỹ và sẽ làm gia tăng tranh chấp thương mại giữa châu Âu và Mỹ.
Tuy nhiên, các sản phẩm của Pháp sẽ không phải đối mặt với thuế quan mới ngay lập tức vì Đại diện Thương mại Mỹ vẫn có ý định thu thập thêm ý kiến công chúng và tổ chức một phiên điều trần công khai vào tháng 1.
Ngay sau tuyên bố của Mỹ, phát biểu trên đài phát thanh Classique, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire gọi lời đe dọa thuế quan mà Mỹ đưa ra là “không thể chấp nhận được” và cho biết EU sẽ đáp trả nếu Mỹ áp đặt mức thuế mới. Bất kỳ hành động trả đũa nào từ Pháp sẽ được thực hiện ở cấp độ toàn EU.
Trong khi đó, Thứ trưởng Kinh tế Pháp Agnes Pannier-Runacher khẳng định, Pháp sẽ là bên nắm quyền trong các thỏa thuận với Mỹ về vấn đề thuế quan và Pháp sẽ không rút lại các kế hoạch đánh thuế kỹ thuật số của mình.
Mở đầu cuộc gặp mặt bên lề Hội nghị thượng đỉnh Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra ở London, Tổng thống Trump và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thắt chặt tình cảm bằng một cái bắt tay trước khi cả hai cho biết, họ hy vọng họ có thể làm dịu đi sự khác biệt của hai nước về vấn đề thuế dịch vụ kỹ thuật số.
Tuy nhiên, đã có một cuộc tranh cãi xảy ra khi ông Trump cho rằng động thái đánh thuế các hãng công nghệ của Pháp là một hành vi bất công nhằm vào Mỹ, vốn là quê hương của đa số các tập đoàn công nghệ lớn.
Trong khi đó, ông Macron cương quyết: “Tôi quyết tâm bảo vệ lợi ích của đất nước tôi và của cả châu Âu”.
Cuộc tranh cãi đã khiến mối quan hệ vốn không mấy tốt đẹp giữa ông Trump và ông Macron lại càng xấu đi. Hai nhà lãnh đạo trước đó đã xảy ra mâu thuẫn trong quan điểm về các vấn đề thương mại, biến đổi khí hậu và Iran.
Cũng vào hôm thứ Ba (3/12), Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết, thuế mà Pháp đang áp dùng là một khái niệm rất cực đoan, nhằm mục đích tăng thu ngân sách do đang thâm hụt.
“Các nước khác sẽ làm tốt hơn để cố gắng phát triển công nghệ của riêng họ, thay vì cố gắng trừng phạt các công ty Mỹ vì những công ty này thành công”, ông Ross trả lời phỏng vấn Reuters ở New York.