Pháp tiêm phòng Covid-19 cho nửa dân số, Nga đối mặt số ca tử vong cao do biến thể Delta

0:00 / 0:00
0:00
Tính đến ngày 29/6, 50% dân số Pháp đã được tiêm chủng ít nhất 1 liều vaccine ngừa Covid-19. Tuy nhiên, các nhà khoa học nước này vẫn lo ngại một làn sóng dịch thứ tư sẽ ập đến vào mùa thu năm nay. Còn tại Nga, tình hình Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp.
Người dân Pháp đi tiêm vaccine Covid-19. Người dân Pháp đi tiêm vaccine Covid-19.

Theo số liệu được Tổng cục Y tế - Bộ Y tế Pháp công bố ngày 29/6, có gần 33,7 triệu người đã được tiêm chủng ít nhất 1 liều vaccine ngừa Covid-19, tương đương với khoảng 50% tổng dân số. Trong đó, hơn 22,265 triệu người đã được tiêm đủ 2 liều. Tổng cộng, kể từ khi chiến dịch tiêm chủng bắt đầu, nước Pháp đã sử dụng hơn 53,7 triệu liều vaccine.

Tuy nhiên, tốc độ tiêm chủng tại Pháp đang có dấu hiệu chậm lại từ nhiều ngày qua, đặc biệt là số người đến tiêm liều đầu tiên đã giảm nhiều.

Trong bối cảnh các biến thể mới của virus SARS-CoV-2, đặc biệt là biến thể Delta, có tốc độ lây nhiễm nhanh và độc tính cao hơn, tốc độ tiêm chủng chậm lại khiến chính phủ và các nhà khoa học tại Pháp quan ngại.

Tại Pháp, biến thể Delta đang tăng tốc nhanh, hiện chiếm tới 20% số ca nhiễm mới hàng ngày, tăng gấp đôi so với cách đây 1 tuần. Các nhà khoa học cho rằng nếu tốc độ tiêm chủng không được đẩy mạnh trở lại, một làn sóng dịch thứ 4 hoàn toàn có thể ập đến, tất nhiên với mức độ nhẹ hơn nhiều các làn sóng dịch trước.

Vào mùa thu tới, các biện pháp y tế chặt chẽ hơn có thể được áp dụng, đặc biệt là đối với đối tượng người trẻ tuổi, thanh thiếu niên. Người dưới 18 tuổi chiếm 22% dân số, nhưng hiện chiếm tới gần một nửa số ca nhiễm vi rút và được tiêm chủng rất ít.

Hiện tại, Bộ Y tế Pháp tích cực tuyên truyền để người dân tiến hành tiêm chủng đầy đủ 2 liều, nhằm ngăn chặn tốc độ lây lan của biến thể này. Bộ trưởng Y tế, ông Olivier Véran trấn an người dân rằng biến thể Delta chỉ tăng về tỉ lệ nhưng thực tế là không quá lo ngại do số ca nhiễm hàng ngày tiếp tục giảm sâu.

Tính đến ngày 29/6, hệ thống bệnh viện còn điều trị cho hơn 8.600 bệnh nhân mắc Covid-19, trong đó 1.250 ca bệnh nặng. Mỗi ngày, Pháp còn ghi nhận khoảng 2.000-3.000 ca lây nhiễm mới, với khoảng 20 đến 40 ca tử vong. Đây là những con số rất thấp so với cách đây khoảng 2 tháng và đang tiếp tục xu hướng giảm.

Còn tại Nga, tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp khi trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 669 ca tử vong, mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát.

Số liệu của Chính phủ Nga công bố ngày 30/6 cho biết, số ca tử vong tăng cao kỷ lục do biến thể Delta được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ đã làm gia tăng số ca nhiễm ở nước này. Trong 24 giờ qua, Nga ghi nhận thêm 21.042 ca mắc mới, trong đó có 5.823 ca mắc mới tại thủ đô Moscow, nâng tổng số ca mắc Covid-19 ở Nga lên 5,514 triệu ca.

Thủ đô Moscow hiện là tâm dịch tại Nga, với khoảng 2.000 người nhập viện mỗi ngày do Covid-19. Thành phố đã huy động 20.000 giường bệnh dành cho bệnh nhân Covid-19, đến nay 14.000 giường đã kín bệnh nhân. Thị trưởng Moscow, ông Sergei Sobyanin, khẳng định biện pháp duy nhất hiện nay để ngăn dịch lây lan là đẩy nhanh chương trình tiêm chủng quy mô lớn.

Tính đến ngày 26/6, tại Nga mới có 21,2 triệu người trong tổng số khoảng 146 triệu dân đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa Covid-19.

Trong khi đó, nhằm đảm bảo nhu cầu tiêm vaccine ngừa Covid-19 trong nước, Myanmar đang đàm phán mua thêm vaccine từ Nga và Trung Quốc.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng thông tấn RIA của Nga hôm nay (30/6), Thống tướng Myanmar Min Aung Hlaing cho biết, ban đầu, Myanmar chỉ lên kế hoạch mua 2 triệu liều vaccine của Nga.

Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở Ấn Độ - quốc gia trước đây cung cấp vaccine ngừa Covid-19 cho Myanmar, nước này quyết định sẽ mua 7 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 của Nga.

Tuy nhiên, ông Min Aung Hlaing không cho biết sẽ mua loại vaccine nào trong hai loại Sputnik V và Sputnik Light.

Thống tướng Myanmar cũng cho biết đã nhận được một số vaccine ngừa Covid-19 mà Trung Quốc trao tặng và đã sử dụng số vaccine này. Phía Myanmar cũng đang đàm phán để nhập thêm vaccine ngừa Covid-19 do Trung Quốc sản xuất.

Cho đến nay, Myanmar ghi nhận hơn 155.697 ca lây nhiễm và hơn 3.320 ca tử vong do Covid-19. Số ca lây nhiễm mới đặc biệt tăng mạnh ở Myanmar trong tháng này.


Theo VOV

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục