Phập phù công bố thông tin…

(ĐTCK-online) Công bố thông tin, vốn là nghĩa vụ chung của các thành viên thị trường, từ DN niêm yết, CTCK đến các cổ đông lớn và cơ quan quản lý. Tuy nhiên, trong giai đoạn vừa qua, việc tăng quá nhanh các đối tượng tham gia cũng như sự trầm lắng của TTCK được coi là nguyên nhân khiến đôi khi, các đối tượng phải công bố thông tin "quên mất" công việc này!
Việc công bố thông tin của DN đã không thể đến với các nhà đầu tư một cách đồng thời và toàn diện. Việc công bố thông tin của DN đã không thể đến với các nhà đầu tư một cách đồng thời và toàn diện.

Chậm bởi… muôn ngàn lý do

Nếu nói các CTCK, công ty niêm yết hay các cổ đông lớn không công bố thông tin trong các trường hợp cần thiết thì không đúng, mà chỉ là việc công bố có đúng thời điểm hay không mà thôi.

Theo Thông tư 38/2007/TT-BTC của Bộ Tài chính, trong vòng 10 ngày kể từ khi có báo cáo tài chính kiểm toán năm, công ty đại chúng phải công bố báo cáo này. Và cũng theo Thông tư 38, báo cáo tài chính năm phải được hoàn thành trong vòng 90 ngày, kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Tuy nhiên, nhiều DN (cả công ty niêm yết và CTCK), với lý do công ty kiểm toán cung cấp dịch vụ không làm kịp, đã "dây dưa" đến gần nửa năm so với hạn cuối. Có trường hợp là "tình ngay, lý gian", nhưng không ít  đối tượng "lý gian, tình cũng gian".  Mặt khác, rất khó giải thích cho việc, nhiều công ty niêm yết "bê trễ" việc công bố kết quả kinh doanh quý, như công văn nhắc nhở của UBCK, mà theo yêu cầu về công bố thông tin thì nội dung này phải báo cáo chậm nhất sau 25 ngày kể từ ngày kết thúc quý.

Chuyện công bố thông tin qua đường chính thống và "tiểu ngạch" cũng có vấn đề. Trong một vài tình huống, thông tin trên website của DN đã "sớm" hơn trên website của Sở/Trung tâm GDCK tới gần 10 ngày. Theo bà Trần Anh Đào, Giám đốc Phòng Quản lý và Thẩm định niêm yết, Sở GDCK TP. HCM, sau khi nhận công bố thông tin của DN, Sở phải kiểm tra lại lôgíc của thông tin trước khi công bố. Với quy trình này, cộng thêm việc thời gian chuyển thông tin từ DN về Sở, tất nhiên sẽ tốn thời gian. Tuy nhiên, một số NĐT đánh giá, thời gian cho việc thẩm tra này là quá lâu, chưa đáp ứng được nhu cầu thông tin của họ, trong khi không phải DN nào cũng có (hoặc không sử dụng) website để cập nhật thông tin hoạt động. Như vậy, rõ ràng việc CBTT của DN đã không thể đến với các NĐT một cách đồng thời và toàn diện.

Cũng trong thời kỳ TTCK đi xuống, chuyện "bán chui" CP của các cổ đông lớn, cổ đông nội bộ và những người có liên quan đã làm suy giảm niềm tin của không ít NĐT. Gần đây nhất là việc bán CP của CTCK Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS). Với vai trò là cổ đông lớn của CTCP Bóng đèn Điện Quang, SBS đã bán CP và giảm tỷ lệ sở hữu từ 5,26% xuống 4,68% mà không công bố thông tin trước khi bán. Chưa có giải thích chính thức của phía Công ty, nhưng nhiều người cho rằng, các cổ đông lớn cố tình không công bố thông tin để "rút ra" một cách êm đẹp, vì sợ nếu công bố ra có thể làm giảm giá trên thị trường.

Thiết nghĩ, để bảo vệ niềm tin của NĐT, các cơ quan quản lý cần nghiêm khắc nhắc nhở, thậm chí là xử phạt để tránh tác động xấu đến niềm tin của thị trường.

 

Và công bố kiểu… chiếu lệ

Công bố chậm là một chuyện, nhưng công bố thông tin mang tính hình thức lại cũng là một "vấn nạn" hiện tại của thị trường.

Trong suốt thời gian vừa qua, chuyện các công ty niêm yết giải trình lý do CP giảm sàn 10 phiên liên tiếp đã sơ sài, qua "tay" của Sở GDCK, nó lại trở nên sơ sài hơn khi được tóm gọn lại thành danh sách theo kiểu "các công ty X, Y, Z...  hoạt động kinh doanh vẫn diễn ra bình thường". Thực tế là, trong giai đoạn vừa qua, rất nhiều mã giảm sàn đơn thuần vì lý do thị trường, chứ không liên quan đến việc làm ăn của DN tốt hay không tốt, nên việc giải trình như thế nào quả thực là gây khó cho DN. Tuy nhiên, tại sao  DN không coi đây là cơ hội để NĐT nhìn nhận và cập nhật thông tin tốt hơn bằng một bản giải trình đầy đủ về hoạt động của mình?

Ngoài ra, chuyện công bố thông tin tài chính DN, báo cáo thường niên, Báo cáo của HĐQT..., đôi khi cũng chỉ là hình thức. Đa phần những người làm phân tích đều than thở rằng, hầu hết báo cáo của HĐQT sơ sài quá, mỗi thông tin đưa ra đều "vừa đủ" cho yêu cầu về số nội dung cần có, còn chất lượng lại là một vấn đề khác. Tương lai của DN được nêu trong các bản báo cáo bao giờ cũng là phấn đấu thế này, mục tiêu thế nọ; còn chuyện làm thế nào để đạt được lại dừng ở những giải pháp hoặc lời kêu gọi khá chung chung.

Muốn thị trường phát triển tốt thì thông tin chất lượng (đảm bảo cả về yếu tố thời gian, nội dung, tính hữu ích...) là một trong những yếu tố quyết định. Minh bạch hoá thông tin thị trường là cách bền vững nhất để thu hút và giữ chân NĐT ở lại với chứng khoán.    

Đông Nhi
Đông Nhi

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,273.11 4.33 0.34% 230,739 tỷ
HNX 241.54 1.53 0.63% 2,110 tỷ
UPCOM 93.07 0.37 0.4% 1,197 tỷ