Pháp lý sẽ hoàn tất cho thị trường chứng khoán phái sinh mở cửa năm 2016

(ĐTCK) “Với tiến độ xây dựng chính sách, cũng như các khâu chuẩn bị về đào tạo thành viên thị trường, người hành nghề, NĐT… như hiện tại, cơ sở pháp lý và nhân sự sẽ đảm bảo để vận hành TTCK phái sinh vào năm 2016 như yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ…”, Phó Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCK) Nguyễn Thành Long trao đổi với ĐTCK.
Pháp lý sẽ hoàn tất cho thị trường chứng khoán phái sinh mở cửa năm 2016

Theo dự thảo Nghị định về chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh mà UBCK vừa công bố lấy ý kiến các thành viên thị trường, các chứng khoán phái sinh được niêm yết và giao dịch trên Sở GDCK gồm hợp đồng tương lai và hợp đồng quyền chọn. Tuy nhiên, được biết, UBCK chỉ đề xuất triển khai hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ và hợp đồng tương lai chỉ số. Tại sao không triển khai hợp đồng tương lai cổ phiếu, hoặc hợp đồng quyền chọn, thưa ông?

TTCK phái sinh hiện rất mới đối với Việt Nam. Trong khi đây là thị trường mặc dù nhằm mục đích phòng ngừa rủi ro, nhưng tự thân các sản phẩm trên thị trường này lại tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với NĐT nếu không được trang bị kiến thức và kinh nghiệm cần thiết, nên mọi khâu chuẩn bị từ xây dựng chính sách, cho tới dự liệu phương án về đào tạo công chúng đầu tư và mô hình tổ chức hoạt động, đều được triển khai chặt chẽ, kỹ lưỡng theo hướng vừa giảm thiểu rủi ro của thị trường, vừa tận dụng tối đa đặc tính phòng ngừa rủi ro của TTCK phái sinh, để hỗ trợ TTCK cơ sở phát triển lành mạnh hơn.

Đây là lý do chính giải thích cho việc tại sao UBCK ban đầu chỉ đề xuất triển khai hai sản phẩm là: hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ và hợp đồng tương lai chỉ số. Đây là các công cụ đơn giản trong vận hành và sử dụng, đồng thời là những công cụ phòng ngừa rủi ro rất hiệu quả.

Việc tổ chức giao dịch các sản phẩm này trước, sẽ giúp công chúng đầu tư từng bước làm quen với TTCK phái sinh, trước khi cho ra đời những sản phẩm đa mục tiêu, phức tạp hơn như: hợp đồng tương lai cổ phiếu, quyền chọn cổ phiếu, hay quyền chọn hợp đồng tương lai…

Một trong những mục tiêu quan trọng nhất khi triển khai TTCK phái sinh như ông đề cập, là tận dụng tối đa thị trường này cho mục đích phòng ngừa rủi ro. Tuy nhiên, các quy định cụ thể để đạt mục tiêu này lại chưa được bao gồm tại dự thảo Nghị định?

Vì TTCK phái sinh rất mới đối với Việt Nam, nên nếu quy định cứng các yếu tố mang tính kỹ thuật, cụ thể là quy định hướng dẫn các giao dịch phòng ngừa rủi ro, dễ tạo ra sự thiếu linh hoạt và hiệu quả cho cơ quan quản lý trong điều hành, giám sát thị trường trong từng giai đoạn phát triển khác nhau, không phù hợp với văn bản pháp lý bậc cao như nghị định.

Thực tế theo thông lệ quốc tế, chi tiết kỹ thuật của các sản phẩm này thường được quy định ở các văn bản hướng dẫn như thông tư, quy chế. Do đó, các quy định chi tiết nhằm định hướng việc sử dụng chứng khoán phái sinh như một trong những công cụ phòng ngừa rủi ro cho thị trường, hoặc công cụ nhằm hạn chế sự biến động phi thị trường của thị trường cơ sở, sẽ được quy định tại thông tư hướng dẫn Nghị định.

Theo kế hoạch, để đảm bảo tiến độ như Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tại Đề án xây dựng và phát triển TTCK phái sinh Việt Nam, là trong năm 2015 sẽ hoàn thiện khung pháp lý và cơ sở vật chất kỹ thuật, để năm 2016 đưa TTCK phái sinh vào vận hành, đồng thời giúp công chúng đầu tư có được cái nhìn toàn diện về cơ chế vận hành, giao dịch của TTCK phái sinh, dự thảo thông tư cũng sẽ được sớm triển khai lấy ý kiến rộng rãi.

Nền tảng pháp lý phục vụ cho TTCK phái sinh đang được thiết kế theo hướng bao quát, thận trọng, tận dụng ưu thế ra sau để tránh các sai lầm đã từng xảy ra tại các TTCK phái sinh quốc tế trong thập kỷ 90, bảo đảm an toàn cho thị trường và cho cả nền kinh tế.

Đặc thù của các sản phẩm chứng khoán phái sinh là có tính đòn bẩy tài chính rất cao so với các sản phẩm trên TTCK cơ sở. Điều này đồng nghĩa, nếu các thành viên tham gia thị trường mất khả năng thanh toán, thì sẽ tác động tiêu cực đến an toàn hệ thống. Để kiếm soát, giảm thiểu tác động của rủi ro này, quy định pháp lý đưa ra các giải pháp nào, thưa ông?

Để được tham gia TTCK phái sinh, các thành viên thị trường, ngoài phải đáp ứng các tiêu chuẩn cứng về vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu... như quy định tại dự thảo Nghị định, tại thông tư hướng dẫn Nghị định này, UBCK sẽ đề xuất nhiều tiêu chuẩn mang tính khắt khe khác về tình hình tài chính, nhân sự, hạ tầng công nghệ...

Cơ chế giao dịch, thanh toán, bù trừ trên TTCK phái sinh có nhiều điểm khác biệt so với TTCK cơ sở. Cụ thể, NĐT trước khi thực hiện lệnh giao dịch phải thực hiện ký quỹ tại thành viên bù trừ. Thành viên này phải tái ký quỹ tại Trung tâm lưu ký (VSD) cho các giao dịch chứng khoán phái sinh của mình và của NĐT. Trước khi mở tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh, NĐT phải nộp tiền bảo đảm thanh toán cho thành viên bù trừ tại một ngân hàng do thành viên bù trừ chỉ định.

Trường hợp thành viên bù trừ mất khả năng thanh toán, VSD có nhiều giải pháp để bảo đảm an toàn cho thị trường như được quyền sử dụng tài sản ký quỹ mà thành viên bù trừ đã nộp cho VSD, bao gồm cả tài sản ký quỹ của NĐT nộp cho thành viên bù trừ; sử dụng khoản đóng góp của thành viên bù trừ vào quỹ bù trừ.

VSD còn được quyền sử dụng khoản đóng góp của các thành viên bù trừ khác tại quỹ bù trừ... Tuy nhiên, trước khi buộc phải sử dụng các giải pháp tài chính này, VSD sẽ yêu cầu thành viên bù trừ phải thực hiện các giao dịch cưỡng chế nhằm đóng các vị thế của mình. Vì vậy, theo thông lệ quốc tế, rất ít khi phải sử dụng các giải pháp tài chính nêu trên.

Ngoài ra, trường hợp NĐT có dấu hiệu mất khả năng thanh toán, thành viên bù trừ cũng có quyền yêu cầu khách hàng đóng vị thế bắt buộc, hoặc có quyền sử dụng tài sản ký quỹ của NĐT để thực hiện các giao dịch đóng vị thế bắt buộc của NĐT.

Hữu Hòe

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục