Xét xử vụ lừa đảo dự án Viet-inc: Các công ty môi giới vắng mặt

(ĐTCK) Tòa án đã triệu tập Công ty Hưng Hải và các công ty môi giới bất động sản có liên quan nhưng họ đều vắng mặt.

Ngày 11/3, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án lừa đảo tại dự án khu nhà ở cao cấp Viet-Inc. HĐXX đã triệu tập Công ty Hưng Hải và các công ty môi giới bất động sản có liên quan nhưng họ đều vắng mặt. Do đó, phiên tòa phải tạm hoãn.

Theo cáo trạng, Dự án Khu nhà ở cao cấp Viet-Inc (xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội) do CTCP Đầu tư tài chính và Bất động sản Việt (Công ty Việt) làm chủ đầu tư với tổng diện tích hơn 100.000 m2, với 34.000 m2 đất ở, bao gồm biệt thự và nhà ở hỗn hợp cao 35 tầng…

Sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính năm 2008 thì dự án này phải dừng triển khai để rà soát lại quy hoạch, khớp nối thống nhất với quy hoạch chung của Hà Nội.

Tuy nhiên, năm 2009, Công ty Việt ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với CTCP Đầu tư xây dựng và Thương mại Hưng Hải để xây dựng dự án này. Công ty Hưng Hải trả 57 tỷ đồng để được hưởng 90% quyền thực hiện dự án, Công ty Việt còn 10%.

Phạm Mạnh Cường (SN 1952) là Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ TST. Năm 2010, thông qua nhân viên Nguyễn Thị Minh Thương (SN 1964), Công ty TST mua lại 90% quyền sở hữu dự án của Công ty Hưng Hải.

Để sở hữu 90% dự án, Công ty TST đã phải trả 295 tỷ đồng, gấp 5 lần so với số tiền Công ty Hưng Hải bỏ ra. Sau đó, Công ty TST thành lập Ban Quản lý dự án và giao cho Nguyễn Thị Minh Thương làm Trưởng ban quản lý, toàn quyền thực hiện dự án.

Nguyễn Thị Minh Thương đã lập báo cáo và phân tích tính khả thi của dự án. Nếu thực hiện theo đúng quy hoạch ban đầu, tổng số tiền thu được hơn 1.000 tỷ đồng. Nhưng nếu thay đổi quy hoạch, chủ yếu là bán nhà liền kề thì số tiền thu được lên đến 1.230 tỷ đồng, trừ các chi phí, lợi nhuận thu được khoảng 405 tỷ đồng.

Mặc dù dự án chưa có quyết định thu hồi đất, chưa giải phóng mặt bằng, Công ty TST không phải là chủ đầu tư nhưng để có tiền trả cho Công ty Hưng Hải, Cường đồng ý với phương án Thương đưa ra, và thông qua các sàn bất động sản để tìm kiếm khách hàng.

Khi giao dịch với các sàn bất động sản và người mua, Thương giới thiệu dự án đã đền bù giải phóng mặt bằng, đang san lấp, dự án này là dự án Khu đô thị Đại học Vân Canh mở rộng…

Để được quyền bán các lô đất, các chủ sàn bất động sản phải đặt cọc bằng số tiền chênh ngoài hợp đồng, từ 2,5 triệu đồng – 4,5 triệu đồng/m2. Khách hàng phải nộp trước 50% giá trị hợp đồng, tiền chênh từ 20 - 80 triệu đồng (không có giấy tờ chứng minh). Giá đất từ 37 - 39 triệu đồng/m2. Hợp đồng ký xong được niêm phong lại, hẹn 1 năm sau mới mở ra, nhận đất và thanh toán nốt số tiền còn lại.

Từ năm 2010-2011, có 148 người ký 176 hợp đồng mua 178 lô đất với số tiền 265,2 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra mới xác định 88 bị hại với số tiền bị chiếm đoạt là 166,7 tỷ đồng.

Công ty TST đưa 249 tỷ đồng cho Thương để trả tiền cho Công ty Hưng Hải (trả tiền mua 90% quyền sở hữu dự án). Thương đã chuyển cho Công ty Hưng Hải hơn 248 tỷ đồng.

Quá trình làm việc với Cơ quan cảnh sát điều tra, ông Mai Thạch Kim, Giám đốc Công ty Hưng Hải cho rằng, hợp đồng giữa Công ty Hưng Hải và Công ty TST là hợp đồng chuyển nhượng quyền hợp tác, không phải mua bán dự án, không trái pháp luật. Việc Công ty TST huy động vốn trái phép, ông Kim không biết và không đồng ý trả lại số tiền 248,7 tỷ đồng đã nhận.

Giám đốc sàn bất động sản khai gì?

Lời khai của các bị hại tại cơ quan điều tra cho biết, họ thông qua sàn bất động sản Tú Minh và Hương Đất hoặc trực tiếp đến công ty gặp Cường và Thương.

Bà Đỗ Thị Hương, Giám đốc Sàn bất động sản Hương Đất khai nhận, sau khi được Thương cho xem bản đồ quy hoạch chi tiết và các văn bản pháp lý của dự án, bà thỏa thuận góp vốn để mua 40 lô đất thuộc lô LK3. Số tiền chênh 8,1 tỷ đồng trả trực tiếp cho Thương. Sau đó, Hương giao nhân viên tìm kiếm khách hàng, giá cả do nhân viên tự thỏa thuận với khách, công ty thu phí từ 20-80 triệu đồng/1 lô.

Việc thỏa thuận môi giới bán đất cho Công ty TST không làm hợp đồng, chỉ có giấy biên nhận đặt cọc vay vốn.

Sau đó, bà Hương tiếp tục môi giới bán 34 lô đất khu LK5, thanh toán tiền chênh 8,9 tỷ đồng cho Phạm Ngọc Tú (con trai Phạm Mạnh Cường). Năm 2011, bà Hương nộp tiếp 3,2 tỷ đồng cho Thương để được quyền bán 20 lô đất khu LK6. Sau khi môi giới bán được 14 lô đất khu LK5 thì bà Hương phát hiện bản đồ quy hoạch phân lô không có thật.

Bà Hương yêu cầu Thương hoàn trả số tiền 3,2 tỷ đồng; Tú 5,2 tỷ đồng…

Tương tự, CTCP Bất động sản Tú Minh cho biết, năm 2010, Công ty TST ký hợp đồng vay vốn đầu tư với Công ty Tú Minh.

Công ty Tú Minh nộp trước tiền đặt cọc 30 tỷ đồng. Mỗi lô đất, Công ty Tú Minh được trả 10 triệu đồng tiền môi giới, ngoài ra công ty không thu thêm khoản chênh khác. Hiện nay, Công ty Tú Minh trả lại 12 lô đất cho Phạm Mạnh Cường. Công ty TST còn nợ Công ty Tú Minh gần 10 tỷ đồng.

VKSND TP Hà Nội truy tố bị cáo Cường và Thương về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bị cáo Cường trả được 107,9 tỷ đồng.

Đỗ Mến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục