Xã, huyện sẽ không được ban hành văn bản pháp luật?

(ĐTCK) Sáng nay (28/10), Bộ Tư pháp thay mặt Chính phủ trình Quốc hội Dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
 
Xã, huyện sẽ không được ban hành văn bản pháp luật?

10 năm ban hành 289.779 văn bản pháp luật

Theo Báo cáo đánh giá tác động của Bộ Tư pháp, ước tính hiện tại ở Việt Nam có khoảng 23.600 cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó chủ yếu là cấp địa phương.

Trong 10 năm thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2004 và 6 năm thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008, các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương đã ban hành 289.779 văn bản, trong đó, tổng số văn bản do Trung ương ban hành là 5.206 và địa phương là 284.519 văn bản.

Việc quy định nhiều chủ thể có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật như hiện nay làm cho hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quá phức tạp, dẫn đến khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong việc áp dụng, thực thi pháp luật.

Dự thảo Luật mới được trình Quốc hội lần này được soạn thảo với tinh thần tạo khuôn khổ pháp lý thống nhất cho việc ban hành văn bản pháp luật, làm cho hệ thống pháp luật đồng bộ, minh bạch, dễ tiếp cận.

Dự Luật gồm 16 chương, 159 điều và đã loại bỏ Chỉ thị của Ủy ban nhân dân các cấp khỏi danh mục các loại văn bản pháp luật,  cũng không quy định về văn bản liên tịch để phù hợp với nguyên tắc phân công rành mạch nhiệm vụ giữa các cơ quan nhà nước.

Hạn chế thẩm quyền ban hành

Nhìn chung, Dự Luật mới này đã loại bỏ thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật của nhiều đối tượng. Trước hết, Dự thảo không quy định thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước.

Về thẩm quyền ban hành của cấp xã, Dự luật đưa ra 2 phương án để xin ý kiến các đại biểu Quốc hội. Phương án thứ nhất, loại bỏ hoàn tòa thẩm quyền ban hành của cấp huyện, xã. Phương án thứ hai, giữ lại một phần thẩm quyền trong trường hợp cấp huyện, xã cần ban hành văn bản để quy định những vấn đề được cấp trên giao và những vấn đề thuộc thẩm quyền tự quản, tự chịu trách nhiệm, nhưng phải được cấp trên trực tiếp phê duyệt.

Dự luật cũng quy định về quy trình ban hành văn bản pháp luật từ quy trình xây dựng chính sách, quy trình soạn thảo, thông qua…

So với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008, Dự thảo Luật sửa đổi lần này bổ sung 4 trường hợp được ban hành văn bản theo thủ tục rút gọn như (1) giải quyết những vấn đề cấp bách; (2) quy định chi tiết văn bản cấp trên mà chính sách đã rõ ràng, cụ thể; (3) để thực hiện các công ước mà Việt Nam tham gia; (4) xây dựng, ban hành Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Còn nhiều ý kiến khác nhau

Thẩm tra Dự luật, Ủy ban Tư pháp cho hay, đối với vấn đề thẩm quyền, ngoài những ý kiến đồng tình vẫn có một số ý kiến cho rằng nên giữ lại hình thức thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước.

Đây là các cơ quan nhà nước được quy định trong Hiến pháp, cần ban hành văn bản để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật. Hơn nữa, Luật của các ngành này vẫn quy định về thẩm quyền ban hành.

Có ý kiến đề nghị giữ lại hình thức văn bản liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ với các tổ chức chính trị - xã hội để hướng dẫn thi hành một số vấn đề.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, không nên giao Chính phủ ban hành Nghị định về những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, nhưng chưa đủ điều kiện xây dựng thành luật, pháp lệnh.Vi ệc ban hành Nghị định “không đầu” đối với một số vấn đề liên quan đến hạn chế quyền con người, quyền công dân là không còn phù hợp với quy định của Hiến pháp. Nếu cần thiết, có thể trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành theo quy trình rút gọn.

Về thẩm quyền cấp huyện, xã, có ý kiến cho rằng, cần giữ lại thẩm quyền ban hành, bởi ở đâu có quản lý nhà nước thì ở đó phải được ban hành văn bản pháp luật, nhưng cần quy định cụ thể các hình thức và trình tự, thủ tục ban hành ngay trong luật.

Theo chương trình làm việc của Quốc hội, ngày 11/11, các đại biểu sẽ thảo luận tại tổ về Dự luật này.

Hoàng Duy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục