Vụ giám đốc người Nhật buôn lậu 7 pho tượng vàng: Tang vật sẽ được xử lý ra sao?

(ĐTCK) Vừa qua, Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội hoàn tất bản cáo trạng truy tố hai người Nhật Bản buôn lậu 7 pho tượng bằng vàng 99,99% nặng 7 kg từ Việt Nam sang Nhật Bản. Các pho tượng này sẽ được xử lý ra sao? Báo Đầu tư Chứng khoán giới thiệu ý kiến của luật sư Vũ Ngọc Chi (Đoàn Luật sư Hà Nội) về vấn đề này.

Theo thông tin sơ bộ thì khi qua soi chiếu hành lý xách tay tại cửa ra tàu bay, Đội Thủ tục hành lý xuất khẩu - Chi cục Hải quan cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài phát hiện trong hành lý xách tay của hành khách Kitada Takayoshi, xuất cảnh sang Nhật Bản mang theo 7 pho tượng bằng kim loại, nghi là vàng, không khai báo.

Vụ giám đốc người Nhật buôn lậu 7 pho tượng vàng: Tang vật sẽ được xử lý ra sao? ảnh 1

Luật sư Vũ Ngọc Chi

Sau đó, cơ quan chức năng đã trưng cầu giám định và kết quả giám định cho thấy đây là các pho tượng bằng vàng 99,99%.

Khi phát hiện và tạm giữ, theo thẩm quyền của cơ quan điều tra sẽ là nơi tạm giữ tang vật của vụ án. Sau khi có kết luận giám định của cơ quan chuyên môn về hàm lượng vàng, cơ quan điều tra tiến hành điều tra tiếp và ban hành kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát nhân dân truy tố và cuối cùng sẽ chuyển hồ sơ sang Toà án để xét xử.

Quá trình xét xử, Tòa án sẽ xem xét các tài liệu, chứng cứ liên quan hành vi phạm tội và tang vật; đưa ra phán quyết đối với các bị cáo và giải quyết các vấn đề dân sự, tài sản, tang vật...

Phải chờ có bản án có hiệu lực pháp luật, chuyển sang giai đoạn thi hành án, thì cơ quan thi hành sẽ căn cứ và phán quyết trong bản án để thực thi. Về cơ bản, với tang vật trong vụ án buôn lậu sẽ bị tịch thu sung công quỹ Nhà nước.

Theo lệ thường, nếu các tài sản mà Nhà nước không có nhu cầu sử dụng thì cơ quan thi hành án sẽ tổ chức bán đấu giá để thu tiền nộp ngân sách nhà nước.

Với trường hợp tài sản như vàng, ngoại tệ… là loại tài sản có giá trị thực tế không cần chuyển háo thì cơ quan thi hành án có thể bàn giao luôn cho các cơ quan tài chính để sung công quỹ nhà nước theo quy định tại Chương V  mục 1 điều 124 Luật Thi hành án dân sự .

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được tang vật bị tuyên tịch thu sung công quỹ nhà nước và với bản án của Toà án, cơ quan thi hành án dân sự sẽ thực hiện việc bàn giao cho cơ quan tài chính cùng cấp .

Đối với tài sản Nhà nước không có nhu cầu sử dụng thì cơ quan chức năng sẽ tiến hành bán đấu giá.

Thực ra, trong Điều 124 Luật Thi hành án dân sư quy định về Xử lý vật chứng tài sản tạm giữ bị tuyên tịch thu, sung công quỹ nhà nước không có quy định về việc bán đấu giá một cách cụ thể. Nhưng theo thông lệ chung, trong trường hợp bán đấu giá thì tuỳ loại hàng hoá mà các cá nhân và tổ chức có nhu cầu có thể được tham gia.

Nếu là loại hàng hoá thông thường thì không hạn chế đối tượng. Nếu là loại hàng hoá cần có điều kiện kinh doanh thì chỉ những cá nhân, tổ chức có chức năng kinh doanh mới được tham gia đấu giá và vẫn trên cơ sở nguyên tắc chung là người đấu giá trả giá cao nhất sẽ được mua nhằm tối ưu hoá việc bán đấu giá. Sau khi bán đấu giá xong tiền lại được chuyển về cơ quan tài chính cùng cấp là kết thúc quy trình.

Hiện nay, Luật Đấu giá đã được Quốc hội thông qua nhưng phải đến 1/7/2017 Luật này mới có hiệu lự. Hiện tại, vẫn áp dụng theo Luật Thi hành án dân sự - Điều 101 Bán tài sản đã kê biên gồm hai hình thức bán đấu giá và bán không qua thủ tục đấu giá, với hai chủ thể thực hiện là tổ chức bán đấu giá và chấp hành viên

Để hạn chế trường hợp người nước ngoài lợi dụng đi công tác và du lịch vào Việt Nam để thực hiện hành vi buôn lậu, cơ bản việc tuyên truyền pháp luật vẫn là ưu tiên hàng đầu. Tất nhiên, chúng ta không thể hoàn toàn trông chờ vào việc tự giác của họ và vì thế, việc tăng cường giám sát, đấu tranh chống buôn lậu phải ngày càng được quan tâm sát sao.

Có vậy một mặt sẽ hạn chế được việc buôn lậu, mặt khác khi họ nhận thức được hành vi không thực hiện việc buôn lậu nữa thì sẽ chống thất thu thuế cho ngân sách nhà nước.

Bùi Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục