Viện Kiểm sát: Thu lời 1 tỷ đồng mới bị xử lý hình sự là quá cao

(ĐTCK) Thế nào là hành vi sẽ bị xử lý hình sự trên TTCK? Các cơ quan chức năng vẫn còn quan điểm khá khác nhau trong việc định khung.
Viện Kiểm sát: Thu lời 1 tỷ đồng mới bị xử lý hình sự là quá cao

> "Xử lý vi phạm trên TTCK không thể bỏ qua yếu tố đặc thù"

> “Tránh hình sự hóa việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán”

Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) muốn tính đến yếu tố đặc thù các hành vi vi phạm trên TTCK để định ra mức thu lợi bất chính lớn, cao hơn so với các tội xâm phạm trật tự kinh tế khác được quy định trong Bộ luật Hình sự. Trên cơ sở này, định ra ranh giới xử lý hình sự. Tuy nhiên, quan điểm này không nhận được sự đồng thuận của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Không thể có ngoại lệ

Dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn áp dụng một số điều của Bộ luật hình sự (BLHS) quy định về các tội phạm trong lĩnh vực thuế, tài chính - kế toán, chứng khoán đang được Bộ Tư pháp gửi lấy ý kiến các đơn vị liên quan. Theo đó, tùy từng tội như sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán hay thao túng giá chứng khoán, mà mức thu lợi bất chính lớn hoặc mức gây thiệt hại về vật chất được quy định dao động trong khoảng 1 - 2 tỷ đồng. Trên cơ sở mức này để định khung hình phạt cho các hành vi vi phạm khác nhau.

Viện Kiểm sát: Thu lời 1 tỷ đồng mới bị xử lý hình sự là quá cao ảnh 1

Theo VKSNDTC, việc đưa ra mức thu lợi bất chính quá cao trong lĩnh vực chứng khoán là không logic về mặt khoa học pháp lý, và không bình đẳng với người vi phạm ở lĩnh vực khác

Theo một thành viên Tổ biên tập dự thảo Thông tư (Bộ Tư pháp), sở dĩ cơ quan chủ trì soạn thảo đưa ra mức thu lợi bất chính cao hoặc mức gây thiệt hại về vật chất lớn, để định ra ranh giới xử lý hình sự là có tính đến đặc thù giao dịch và vi phạm trên TTCK. Qua đó, đảm bảo cho Thông tư khi được ban hành có tính khả thi, phù hợp với đặc thù đấu tranh với các hành vi vi phạm trên TTCK. Tư tưởng này đã được Bộ Tư pháp nhấn mạnh trong công văn gửi lấy ý kiến các bộ, ngành. Tuy nhiên, đề xuất này đã không nhận được sự đồng thuận của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC).

Cụ thể, trong ý kiến góp ý cho dự thảo Thông tư vừa gửi Bộ Tư pháp, VKSNDTC cho rằng, chưa đủ cơ sở thuyết phục khi cơ quan chủ trì soạn thảo đưa ra mức thu lợi bất chính trong lĩnh vực chứng khoán lên đến hàng tỷ đồng mới bị xử lý hình sự. Việc đưa ra mức thu lợi bất chính quá cao như trong dự thảo không logic về mặt khoa học pháp lý, khi đặt trong mối tương quan với các loại tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế khác được quy định trong BLHS, cũng như các văn bản hướng dẫn liên quan.

VKSNDTC còn cho rằng, quy định như dự thảo còn không đảm bảo một nguyên tắc tối quan trọng đã được quy định trong BLHS là mọi người phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt thành phần, địa vị xã hội… Trong khi đó, theo quy định của BLHS, thì các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế có tình tiết tương tự như các hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán, có mức thu lợi bất chính hoặc gây thiệt hại về vật chất ở mức vài chục triệu đồng là đã bị xử lý hình sự.

Chẳng hạn, về tội sản xuất, buôn bán hàng giả, BLHS quy định: người nào sản xuất, buôn bán hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 30 triệu đồng đến dưới 150 triệu đồng hoặc dưới 30 triệu đồng, nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm…

Hay tội trốn thuế, người nào trốn thuế với số tiền từ 50 triệu đồng đến dưới 150 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi trốn thuế, hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 1 - 5 lần số tiền trốn thuế hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm…

Với chứng lý như vậy, VKSNDTC kiến nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo Thông tư điều chỉnh mức thu lợi bất chính lớn hoặc mức gây thiệt hại về vật chất do các hành vi vi phạm trên TTCK gây ra, xuống mức tương đương như mặt bằng của các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế khác, để làm căn cứ xử lý hình sự. Điều này vừa đảm bảo nguyên tắc công bằng, bình đẳng trước pháp luật, vừa tạo ra tính răn đe đối với các hành vi vi phạm trên TTCK, đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật liên quan. Dù phản đối mức định khung khoản lời bất chính 1 - 2 tỷ đồng mới luận tội hình sự là quá cao, nhưng VKSNDTC không khuyến nghị một định khung cụ thể để định tội hình sự trong lĩnh vực chứng khoán.

 

Chốt ranh giới nào?

Theo đại diện Bộ Tư pháp, trong quá trình soạn thảo Thông tư, Bộ Tư pháp đã vận dụng tối đa các quy định của BLHS cũng như các quy định liên quan, để ủng hộ quan điểm của UBCK là khi đưa ra mức thu lợi bất chính hoặc mức gây thiệt hại về vật chất để định khung hình phạt đối với các hành vi vi phạm trên TTCK, có tính đến yếu tố đặc thù giao dịch, cũng như các hành vi vi phạm trên thị trường. Tuy nhiên, theo quan điểm của VKSNDTC, thì dự thảo Thông tư không thể quá nhấn mạnh yếu tố đặc thù này, mà không căn cứ thỏa đáng đến mặt bằng xử lý các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế được quy định trong BLHS, cũng như các văn bản hướng dẫn liên quan.

Đại diện Bộ Tư pháp cho biết, để có cơ sở thảo luận, đi đến thống nhất chốt mức thu lợi bất chính hoặc gây thiệt hại về vật chất là bao nhiêu thì các hành vi vi phạm trên TTCK bị xử lý hình sự, Bộ Tư pháp đang chờ ý kiến góp ý của Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an và Bộ Tài chính. Dự kiến, ngày 10/8 tới, các đơn vị này sẽ gửi ý kiến tới Bộ Tư pháp, để hoàn chỉnh dự thảo Thông tư trình lãnh đạo liên ngành ký ban hành.

Một luật sư có kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán nhìn nhận, với mối quan hệ chặt chẽ của các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thì ý kiến của VKSNDTC cho thấy, không dễ trông đợi Bộ Công an và Tòa án nhân dân tối cao ủng hộ quan điểm của cơ quan chủ trì soạn thảo, cũng như cơ quan quản lý TTCK. Bởi vậy, rất có thể các hành vi vi phạm trên TTCK mà có mức thu lợi bất chính hoặc gây thiệt hại về vật chất vài trục triệu đồng đến vài trăm triệu đồng là đã lọt vào tầm ngắm xử lý hình sự. Tuy điều này tạo ra tính răn đe đối với các hành vi vi phạm, nhưng dễ tạo ra nguy cơ hình sự hóa việc xử lý vi phạm trên TTCK. Muốn giảm thiểu nguy cơ này, Ban soạn thảo cần chi tiết hóa các hành vi có dấu hiệu vi phạm hình sự, tránh tạo ra ranh giới mập mờ, gây tâm lý bất an cho toàn TTCK.   

Hữu Đạo
Hữu Đạo

Tin cùng chuyên mục