Vi phạm chứng khoán, nên phạt tiền hơn phạt tù

(ĐTCK) Đó là quan điểm của Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) về biện pháp xử lý đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán.
Vi phạm chứng khoán, nên phạt tiền hơn phạt tù

> Nên áp biện pháp kinh tế xử lý lỗi chứng khoán

> “Chưa thu lợi, nhưng gây thiệt hại có bị xử lý hình sự không?”

> “Quy tội hình sự là chưa sát thực tế kinh doanh chứng khoán”

> “Coi chừng lạm dụng xử lý hình sự”

"Thông lệ quốc tế thường áp dụng hình phạt tiền, thay vì phạt tù. Việc phạt tù chỉ áp dụng đối với các trường hợp vi phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm này”, ông Vũ Bằng, UBCK đề xuất khi góp ý hoàn thiện dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn một số điều của Bộ luật Hình sự quy định về các tội phạm trong lĩnh vực thuế, tài chính - kế toán, chứng khoán.

Vi phạm chứng khoán, nên phạt tiền hơn phạt tù ảnh 1

Theo dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực chứng khoán là 2 tỷ đồng

Nên lấy 2 tỷ đồng làm ranh giới

Theo UBCK, việc xác định mức gây hậu quả nghiêm trọng bằng vật chất và mức thu lợi bất chính lớn để truy cứu trách nhiệm hình sự trong lĩnh vực chứng khoán cần đảm bảo phù hợp với giá trị của các giao dịch chứng khoán, có tính đến TTCK Việt Nam còn non trẻ. Đặc biệt, cần phân biệt được ranh giới giữa xử lý hành chính và hình sự, tránh hình sự hóa các hành vi vi phạm hành chính, nhằm đảm bảo răn đe, phòng ngừa trong xử lý vi phạm. Với cách tiếp cận này, UBCK cho rằng, mức được coi là thu lợi bất chính lớn và gây hậu quả nghiêm trọng quy định trong dự thảo Thông tư phổ biến từ 1 - 2 tỷ đồng là còn thấp.

Hiện tại, Nghị định 85/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán quy định, mức phạt tiền đối với hành vi thao túng giá chứng khoán, giao dịch nội bộ tối đa là 300 triệu đồng; đối với hành vi công bố thông tin sai lệch, che giấu thông tin, mức phạt cao nhất là 500 triệu đồng. Các hành vi vi phạm này, ngoài bị phạt tiền, còn có thể bị tịch thu toàn bộ khoản thu trái pháp luật. Tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 85 mà Bộ Tài chính đang trình Chính phủ ký ban hành, mức xử phạt đối với hành vi thao túng giá chứng khoán và giao dịch nội bộ được nâng lên 400 triệu đồng.

Còn tại dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính, chuẩn bị được Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp diễn ra vào cuối tháng 5 này, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực chứng khoán được nâng lên 2 tỷ đồng. Trên cơ sở quy định của Luật này, các mức phạt đối với những hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán sẽ được nâng lên rất cao trong thời gian tới.

Với việc tăng mức phạt vi phạm hành chính và tịch thu toàn bộ khoản thu trái pháp luật, UBCK cho rằng, việc xử phạt vi phạm hành chính cơ bản sẽ đảm bảo được tính răn đe, ngăn ngừa vi phạm. Do vậy, quy định mức độ gây thiệt hại và thu lợi bất chính để xử lý hình sự cần nâng lên tương ứng để tránh hình sự hóa các vi phạm hành chính, cũng như đảm bảo ý nghĩa và tác dụng của việc xử lý hình sự.

Từ thực tế hoạt động của TTCK, theo UBCK, việc quy định mức gây hậu quả hoặc thu lợi bất chính thấp sẽ không phù hợp với thực tiễn xử lý vi phạm. Hiện nay, chu kỳ thanh toán giao dịch chứng khoán là T+3 và với biên độ dao động giá trên HNX là 7% và HOSE là 5%, thì chỉ cần giao dịch vài phiên, NĐT có thể thu lời hàng trăm triệu đồng. Ví dụ, một NĐT bỏ ra 5 tỷ đồng để mua một cổ phiếu trên HNX, chỉ cần 3 phiên liên tiếp cổ phiếu này tăng trần từ mức giá mua là NĐT đã lãi 1,05 tỷ đồng.

Từ quy định pháp lý hiện hành, cũng như thực tiễn giám sát, xử lý vi phạm, UBCK cho rằng, với mức gây hậu quả bằng vật chất hoặc thu lợi bất chính dưới 2 tỷ đồng, việc dùng biện pháp xử lý vi phạm hành chính là đủ tính răn đe và ngăn ngừa vi phạm. Còn hành vi vi phạm gây thiệt hại về vật chất hoặc thu lợi bất chính từ 2 tỷ đồng trở lên, kèm theo gây ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, tác động xấu đến sự công bằng, minh bạch và an toàn của TTCK, thì cần bị xử lý hình sự.

 

Cần trọng phạt tiền hơn phạt tù

Theo lãnh đạo UBCK, đối với hành vi sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán, đặc trưng của tội phạm này là cố tình, nhằm thu được khoản lợi lớn hoặc tránh được khoản lỗ lớn. Do đó, nếu quy định mức thu lợi đối với tội danh này từ 200 triệu đồng trở lên như trong dự thảo Thông tư để truy cứu trách nhiệm hình sự, thì trên thực tế có nhiều trường hợp cổ đông nội bộ và người có liên quan vô tình mua bán chứng khoán trước thời điểm thông tin nội bộ được công bố, mà thu được khoản lợi trên 200 triệu đồng, sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Quy định như vậy chưa phù hợp với tính chất, mức độ vi phạm, gây ảnh hưởng tới tâm lý của NĐT.

Do đặc thù trong lĩnh vực chứng khoán, nên việc đưa ra mức gây thiệt hại hoặc thu lợi để xử lý hình sự không thể giống với các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế khác quy định trong Bộ luật Hình sự. Việc đưa ra mức thiệt hại hoặc thu lợi bất chính thấp vô hình trung sẽ hình sự hóa các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán. Mặt khác, việc quy định mức gây hậu quả hoặc thu lợi bất chính thấp không phù hợp với thông lệ và luật pháp quốc tế. Hiện nay, các nước thường hạn chế tối đa hình sự hóa các vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán.

“Ngay cả khi áp dụng biện pháp xử lý hình sự, thì theo thông lệ quốc tế thường áp dụng hình phạt tiền, thay cho hình thức phạt tù. Việc phạt tù chỉ áp dụng đối với các trường hợp vi phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm này để đưa ra những quy định hợp lý hơn trong dự thảo Thông tư…”, ông Bằng nói.

Hữu Hòe
Hữu Hòe

Tin cùng chuyên mục