Tranh chấp chuyển tiền, quyền lợi khách hàng ra sao?

(ĐTCK) Tuần qua, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã giải quyết vụ việc tiền gửi của doanh nghiệp bị chuyển thành tiền tiết kiệm cá nhân. Trên thực tế, có nhiều trường hợp khách hàng, nhân viên ngân hàng chuyển nhầm tiền, trả thừa tiền... Trách nhiệm pháp lý của các bên ra sao, hành xử như thế nào để đảm bảo an toàn pháp lý? Đầu tư Chứng khoán đã trao đổi với luật sư Hồ Anh Khoa, Đoàn Luật sư Hà Nội.
Luật sư Hồ Anh Khoa, Đoàn Luật sư Hà Nội. Luật sư Hồ Anh Khoa, Đoàn Luật sư Hà Nội.

Thưa luật sư, trong trường hợp tài khoản của một cá nhân đột nhiên báo có một khoản tiền mà không biết ai chuyển thì họ có được sử dụng số tiền này không?

Trường hợp chuyển tiền bằng chuyển khoản bị nhầm lẫn là tình huống không hiếm gặp trên thực tế. Thông thường, lỗi thuộc về phía người chuyển tiền, hoặc cán bộ nghiệp vụ của ngân hàng, hoặc do lỗi kỹ thuật/hệ thống của ngân hàng. Cũng có trường hợp lỗi thuộc về phía người được nhận tiền (được thanh toán), do cung cấp thông tin chuyển khoản sai.

Dưới góc độ pháp lý, khi sự việc chuyển khoản nhầm đã xảy ra thì mỗi bên tham gia đều cần lựa chọn cho mình cách ứng xử phù hợp.

Với người nhận được tiền thực tế (do chuyển nhầm), pháp luật quy định, người này có nghĩa vụ hoàn trả, hoặc phối hợp với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán hoàn trả đầy đủ số tiền thụ hưởng do tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chuyển thừa, chuyển nhầm, bao gồm cả lỗi tác nghiệp, sự cố hệ thống của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (theo quy định tại Khoản 2, Điều 14 về “Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ thanh toán”, Thông tư số 46/2014/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn về dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt). Nếu người này không hoàn trả, tùy mức độ thực tế mà có thể xem xét dấu hiệu vi phạm pháp luật đối với hành vi chiếm giữ, sử dụng trái phép tài sản. 

Vậy ngân hàng có bị ràng buộc trách nhiệm trong việc thu hồi khoản tiền cho khách hàng? Người chuyển nhầm liệu có đòi được số tiền đó?

Với ngân hàng cung cấp dịch vụ thanh toán, pháp luật cho phép ngân hàng được quyền phong tỏa toàn bộ hoặc một phần số tiền trên tài khoản thanh toán khi phát hiện nhầm lẫn. Tuy nhiên, số tiền bị phong tỏa trên tài khoản thanh toán không vượt quá số tiền bị nhầm lẫn, sai sót.

Điểm b, Khoản 2, Điều 12 về “Tạm khóa và phong tỏa tài khoản thanh toán”, Nghị định số 101/2012/NĐ-CP của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt là căn cứ pháp lý quan trọng để hỗ trợ ngân hàng trong việc xử lý, giải quyết hậu quả sự việc.

Hỗ trợ, phối hợp với các tổ chức tín dụng có liên quan để thu hồi số tiền chuyển nhầm cũng là nghĩa vụ được pháp luật quy định đối với tổ chức tín dụng cung ứng dịch vụ thanh toán.

Với trường hợp chuyển nhầm do lỗi tác nghiệp của cán bộ nghiệp vụ ngân hàng, cần phải đặc biệt lưu ý đến các nghĩa vụ phát sinh với khách hàng là bên chuyển tiền. Đã có tình huống ngân hàng “đẩy” trách nhiệm sang cho cá nhân cán bộ nghiệp vụ.

Tuy nhiên, theo tôi, đây là hành xử vừa đuối lý, vừa thiếu tình, vì về nguyên tắc, khách hàng thực hiện giao dịch dịch vụ chuyển tiền với ngân hàng, chứ không phải với cá nhân cán bộ nghiệp vụ.

Về phía người chuyển tiền, nếu phát hiện có nhầm lẫn, đầu tiên nên báo ngay cho ngân hàng thực hiện dịch vụ thanh toán. Người này có thể căn cứ vào các quy định pháp luật về quyền/nghĩa vụ của các chủ thể trong giao dịch chuyển tiền bị nhầm lẫn, để xử lý hậy quả sự việc. 

Có trường hợp chuyển tiền gửi của doanh nghiệp thành tiền gửi cá nhân và sau đó ngân hàng phong tỏa sổ tiết kiệm để xử lý nợ của cá nhân. Từ góc độ doanh nghiệp, góc độ của các nhân sự, cần lưu ý những gì để đảm bảo an toàn pháp lý, an toàn tài sản?

Nếu trong tình huống nêu trên, dễ thấy, vấn đề pháp lý nằm ở việc thay đổi tính chất sở hữu (về hình thức) từ sở hữu của pháp nhân sang sở hữu cá nhân. Chưa đặt ra tình huống khác, nhưng nếu doanh nghiệp này đã đồng ý để nhân viên mang số tiền thuộc sở hữu của doanh nghiệp đi gửi tiết kiệm với tư cách cá nhân, thì doanh nghiệp chắc chắn phải đối diện với nhiều rủi ro.

Tình huống này, doanh nghiệp hoàn toàn có thể cân nhắc, chuyển tiền từ dạng chờ thanh toán (vì đang nằm ở tài khoản thanh toán, được hưởng lãi suất theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn) sang tiền gửi có kỳ hạn. Giao dịch này, pháp luật đã có những quy định tương đối rõ ràng, có thể bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp gửi tiền.

Trường hợp doanh nghiệp đồng ý cho cá nhân sử dụng tiền, thì cần phải lưu ý, đầu tiên là cách thức giao tiền cho cá nhân phải hợp pháp, sau đó là việc quản lý khả năng hoàn trả/thu hồi số tiền từ cá nhân, như vậy mới có thể hạn chế tối đa các rủi ro cho doanh nghiệp.

Bùi Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục