Tham nhũng: án treo nhiều, nhưng... đúng luật

(ĐTCK) Số vụ án treo không đúng luật chỉ chiếm 0,065%.
Tham nhũng: án treo nhiều, nhưng...  đúng luật

Ngay đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Viện trưởng Viện KSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình trong kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, đại biểu Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh) đặt vấn đề và yêu cầu Viện trưởng giải thích, vì sao trong các vụ án tham nhũng “tỷ lệ các bị cáo được tòa án tuyên cho hưởng án treo nhiều, dẫn đến sự hoài nghi của quần chúng nhân dân và dư luận xã hội về tính nghiêm minh của pháp luật”.

Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình cho biết, tính đến thời điểm này, số lượng xử án treo chiếm 30,2%, cao hơn tỷ lệ bình quân các loại án khác (21%) và thừa nhận, số lượng vụ án kinh tế nhiều, xử treo cũng nhiều, như vậy có thể tạo ra suy nghĩ, chúng ta không quyết tâm chống tham nhũng, chống tội phạm kinh tế.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, Viện trưởng cho biết, do chủ trương, quan niệm trong việc xét xử các vụ án kinh tế là phải chú trọng thu hồi tài sản chiếm đoạt trái phép, đặc biệt đối với loại tội lấy đồng tiền làm phương tiện và mục đích thì đặt nặng hình phạt kinh tế chứ không chỉ hình phạt tù. Do đó, khi đã khắc phục hậu quả, yêu cầu đặt ra hình phạt tù không phải cao. Điều này cũng trở thành định hướng khi chúng ta sửa đổi Luật Hình sự và Luật Tố tụng hình sự sau khi Hiến pháp được sửa đổi thông qua.

“Đối với án tham nhũng, tôi khẳng định, cơ bản các vụ án mà xử án treo đã vận dụng pháp luật đúng. Mặc dù vận dụng luật là đúng, nhưng nếu quá nhiều thì cũng tạo ra phản cảm. Thực tế, Viện đã kháng nghị một số vụ và được Tòa án chấp nhận 26/39 trường hợp, còn lại đang xem xét”, Viện trưởng Bình cho biết.

Để hạn chế tình trạng án treo, Viện đã yêu cầu các vụ án đề nghị án treo phải trình cấp trên kiểm tra. Trường hợp Tòa án tuyên án treo mà không phải là đề nghị của Viện thì phải báo cáo cấp trên để xem xét kháng nghị. Ngoài ra, Viện đã chỉ đạo một số tình tiết giảm nhẹ được vận dụng để xử dưới khung như nhân thân tốt, phạm tội lần đầu không được áp dụng cho tội tham nhũng.

Liên quan đến án treo, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình làm rõ thêm, năm 2010 số án treo là 36,5%, năm 2011 là 37,1%, năm 2012 là 30,2%. Số án treo có chiều hướng giảm. Nhưng đánh giá án treo phải xem xét ở khía cạnh có đúng pháp luật hay không, chứ không chỉ căn cứ vào con số, bởi đây là một chế định của pháp luật. Nếu bị cáo có đủ điều kiện pháp luật quy định thì Tòa án phải cho hưởng án treo.

Ngành tòa án hàng năm đều có nhiều đợt kiểm tra việc chấp hành án treo và gần đây đã yêu cầu các tòa án khi xét xử có bản án treo thì phải gửi về Tòa tối cao để kiểm tra. Qua kết quả kiểm tra cho thấy, cơ bản án treo là đúng pháp luật, có một số vụ không đúng pháp luật, chiếm tỷ lệ khoảng 0,065%.

Hoàng Duy
Hoàng Duy

Tin cùng chuyên mục