Sai phạm của 2 giám đốc vụ chìm tàu ở Cần Giờ

Trong khi ông Đảo được cho là đã tự ý cho mượn tàu H29 BP chở khách dù đây là tàu của biên phòng, thì ông Quyết lại cho ca nô chở gấp 2,5 lần số người quy định.
Sai phạm của 2 giám đốc vụ chìm tàu ở Cần Giờ

Ngày 24/10, tại Vũng Tàu, ông Vũ Văn Đảo, Giám đốc Công ty Cổ phần Việt - Séc, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vũng Tàu Marina, và ông Đinh Văn Quyết, Giám đốc Công ty Vũng Tàu Marina đã bị Công an TP HCM bắt khẩn cấp để điều tra về tội Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn.

Hai ông này được cho là phải chịu trách nhiệm chính trong vụ chìm tàu ở vùng biển Cần Giờ, TP HCM hơn 2 tháng trước làm 9 người thiệt mạng.

Theo đó, vào đầu tháng 8, ông Quyết trực tiếp mượn ông Đảo 3 chiếc tàu để đi đón công nhân tại Gò Công Đông, Tiền Giang. Tuy 2 trong 3 chiếc tàu là của lực lượng Bộ đội biên phòng Vũng Tàu đang để Việt- Séc bảo dưỡng, song ông Đảo vẫn đồng ý.

15h20 ngày 2/8, các tàu xuất phát từ Xưởng đóng tàu Việt – Séc (Vũng Tàu) đến cảng thuỷ nội địa tại KCN dịch vụ dầu khí Soài Rạp để đón khoảng 66 công nhân. Chiều muộn, chiếc tàu mang số hiệu H29 do ông Phạm Duy Phúc (nhân viên của Vũng Tàu Marina) cầm lái và Nguyễn Văn Dương (nhân viên Công ty Việt Séc) làm thợ máy chở theo 28 công nhân Công ty ống thép Việt (PV PIPE) xuất bến đầu tiên, bắt đầu hành trình về Vũng Tàu.

 

Ông Đảo từng khẳng định H29 là do cấp dưới tự ý cho mượn

 

Theo lời nhân chứng có mặt trên chuyến tàu này, nhiều người đã lo ngại khi thấy chiếc tàu quá nhỏ so với số người có mặt, áo phao trên tàu cũng chỉ có hơn chục cái nhưng sự hào hứng về chuyến đi chơi khiến họ bỏ qua và lên tàu lúc 16h chiều cùng ngày.

Hơn 1 giờ sau, 2 chiếc còn lại cũng xuất bến. Chiếc cuối cùng chở theo gần 20 người trong đó có ông Đảo và ông Hà Ngọc Phước, Giám đốc nhà máy PV PIPE.

Đến 19h, gió bắt đầu mạnh, sóng lớn dồn dập đánh vào tàu. Khi chỉ còn cách mũi Cần Giờ khoảng 10 km, mũi Vũng Tàu khoảng 20 km thì con tàu H29 lật úp sau khi bị một cơn sóng mạnh quật vào. Hầu hết mọi người rớt xuống biển rồi bơi lại bám quanh xác tàu. Chỉ duy nhất anh Nguyễn Văn Cương giữ khô được điện thoại di động nên gọi về công ty, cảnh sát 113 cùng tất cả người thân để cầu cứu. Tuy nhiên, lực lượng cứu hộ chỉ cứu được 21 người.

Sau khi vụ chìm tàu xảy ra, ông Đảo khẳng định chiếc tàu bị chìm đang trong quá trình bảo hành nhưng cấp dưới của ông đã "tự ý cho mượn để làm việc riêng chứ không phải công ty cho thuê". Về phía Công ty Vũng Tàu Marina, ông Quyết cũng phủ nhận thông tin mình là người trực tiếp qua Công ty Việt Séc hỏi mượn 3 chiếc tàu.

Cuối tháng 8, kết quả điều tra bước đầu của Tổ điều tra, Bộ Giao thông vận tải kết luận, Công ty Việt - Séc là đơn vị đầu tiên phải chịu trách nhiệm trong vụ chìm tàu vì đã "tự ý cho mượn tàu H29 BP đi chở khách dù đây là tàu của biên phòng cảng cửa khẩu Bà Rịa - Vũng Tàu". Còn Vũng Tàu Marina đã mượn tàu từ Công ty Việt - Séc để chở khách. Theo giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật của H29 BP do đăng kiểm Quân chủng hải quân cấp ngày 16/7, tàu  này "chỉ được phép chạy tuần tra trên sông, vịnh, không được phép chạy trên biển". Tuy nhiên, công ty này vẫn cho tàu chạy trên quãng đường dài hơn 60 km băng qua biển trong điều kiện sóng to, gió lớn. Đồng thời, tàu chỉ có thể chở được 12 người nhưng vẫn chở đến 30 người.

 

Vụ chìm tàu làm 9 người chết tại vùng biển Cần Giờ cách nay hơn 2 tháng vẫn còn ám ảnh nhiều người

 

Một vấn đề khác cũng được cơ quan điều tra đặt ra là dấu hiệu che dấu thông tin vụ tai nạn của các bên liên quan.

Tường trình với cơ quan chức năng, Giám đốc PV PIPE Hà Ngọc Phước cho biết khi nhận được điện thoại của anh Cương, ngay lập tức, ông liên lạc với ông Đinh Văn Quyết và ông Sơn (đều ở Vũng Tàu Marina) để báo tin tai nạn, gọi cứu hộ. Hai người này xác nhận "tàu cứu hộ đã rời Vũng Tàu" và ông Sơn đi cùng tàu.

Khi nhận tin nhắn tiếp theo của anh Cương, ông Phước đã yêu cầu tàu quay đầu lại để cứu người nhưng vì sóng to, canô công suất nhỏ, nếu quay đầu có thể bị lật ngay nên người lái tàu đã quyết định chạy về Vũng Tàu.

Ngồi chung tàu với ông Phước còn có ông Đảo. Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi trước đây, ông Đảo cho rằng "không nhìn thấy tàu bị nạn". Vị giám đốc này cho hay, buổi tối 2/8, ông chỉ "tình cờ đi kiểm tra tàu và nghe được thông báo tàu bị nạn từ ông Phước". Ngay sau khi biết tin, ông này cũng huy động mọingười tìm kiếm các dấu vết của tàu H29 BP nhưng không ai thấy gì nên chiếc tàu thứ 3 này chạy thẳng đến Vũng Tàu vì nghĩ rằng chuyện cứu hộ đã có lực lượng khác đảm trách.

Trên chiếc tàu thứ 2, tài công Lê Văn Hiếu nhận được tin nhắn báo tàu H29 BP gặp nạn từ ông Đảo nên đã chạy vài vòng tìm kiếm ca nô bị nạn. Một lúc sau, dù nhìn thấy tàu bị nạn nhưng do sóng to gió lớn, trời lại đang mưa, tài công không thể tiếp cận được nên đành cho tàu chạy vào bờ.

Trong khi đó, theo cơ quan điều tra, từ khi xảy ra tai nạn đến trước 21h cùng ngày, có chứng cứ cho thấy dấu hiệu một số cá nhân đã sớm nhận được thông tin tàu bị nạn nhưng không thông báo ngay cho cơ quan chức năng tìm kiếm cứu nạn chuyên ngành. Đến 21h, Trung tâm tìm kiếm cứu nạn Hàng hải khu vực III mới nhận được thông tin về vụ tai nạn.

Đánh giá vụ chìm tàu làm 9 người chết có tính chất đặc biệt nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ngay sau khi xảy ra vụ việc, UBND TP HCM đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an khởi tố vụ án, làm rõ nguyên nhân. Đồng thời, Thành phố cũng đề nghị Bộ Công an giao cho Công an TP HCM thẩm quyền thụ lý, khởi tố, điều tra vụ án vì vụ việc tuy có liên quan đến nhiều đơn vị, địa phương nhưng địa bàn xảy ra tai nạn là ở vùng biển TP HCM.

>> Vụ chìm tàu tại Cần Giờ và câu chuyện của ngành bảo hiểm


VnExpress

Tin cùng chuyên mục