Rủi ro từ vốn vay “ngoài xã hội”

(ĐTCK) Có muôn vàn trường hợp dẫn đến rủi ro cho doanh nghiệp xung quanh câu chuyện vốn vay, đặc biệt là những rủi ro pháp lý.
Rủi ro từ vốn vay “ngoài xã hội”

Trong kinh doanh, nhiều người vẫn thường nhắc đến quan niệm: Kinh doanh giỏi không chỉ là bắt tiền đẻ ra tiền, mà còn phải biết sử dụng đồng tiền của người khác để tạo ra lợi nhuận. Tuy nhiên, đồng tiền của người khác - tức là vốn vay lại không dễ tìm kiếm, đặc biệt với doanh nghiệp vừa và nhỏ, và nó còn tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý.

Mới đây, Tòa án dân dân TP. Hà Nội đưa ra xét xử vợ chồng bị cáo Phạm Phú Thanh - Nguyễn Thị Tý vì tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản sau 5 năm lẩn trốn cơ quan pháp luật.

Số tiền mà 2 vợ chồng bị cáo phải chịu trách nhiệm trong vụ án là hơn 6 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng số tiền vay mượn (chưa được thống kê đầy đủ) lên tới vài chục tỷ đồng.

Bị cáo Phạm Phú Thanh (sinh năm 1967) nguyên là Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Phú Bình, kinh doanh sản xuất kết cấu thép. Công ty này từng có giai đoạn kinh doanh hiệu quả và có quan hệ tín dụng với một số ngân hàng.

Năm 2010, Công ty vay BIDV số tiền 15 tỷ đồng, thế chấp bằng xe ô tô và bất động sản. Nhưng khoảng năm 2011, do hoạt động kinh doanh gặp khó khăn, cần tiền để hoạt động, bị cáo Thanh đã vay nợ nhiều người với lãi suất rất cao.

Cụ thể, bị cáo Thanh vay của bà Chu Thị Ánh (trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) số tiền 4 tỷ đồng với lãi suất 2.500 đồng/1 triệu đồng/1 ngày, tương đương lãi suất khoảng 7,5%/tháng và 91%/năm. Bà Nguyễn Thị Thanh Hà (trú tại Phủ Lý, Hà Nam) cho vợ chồng bị cáo vay tổng cộng 9,3 tỷ đồng, lãi suất còn cao hơn - 5.000 đồng/1 triệu đồng/1 ngày... Bị cáo Thanh khai đã trả được cho bà Hà số tiền 8 tỷ đồng, đến ngày 21/5/2012, hai bên chốt nợ cả gốc và lãi là 23,8 tỷ đồng.

Trong số những người cho bị cáo Thanh vay vốn còn có một nhân viên ngân hàng. Khi bị cáo Thanh đến vay vốn ngân hàng thì quen biết anh Đỗ Xuân Hải (trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) là nhân viên ngân hàng.

Sau này, bị cáo Thanh có 2 lần vay tiền anh Hải với lãi suất 5.000 đồng/1 triệu đồng/1 ngày, lần thứ nhất bị cáo vay 300 triệu đồng (đã trả đủ gốc và lãi), lần thứ 2 vay 1 tỷ đồng đến nay vẫn chưa trả.

Ngoài ra, hai vợ chồng bị cáo Thanh - Tý còn vay nhiều cá nhân khác với mức lãi suất 5.000 đồng/1 triệu đồng/1 ngày, tổng số tiền khoảng 8 tỷ đồng.

Với số tiền vay lớn, lãi suất rất cao so với lãi suất ngân hàng, Công ty Phú Bình dù kinh doanh hiệu quả cũng khó có thể trả được nợ, chứ chưa nói tới lợi nhuận.

Trên thực tế, có trường hợp chủ doanh nghiệp vay nợ bên ngoài xã hội với lãi suất cao, khoản vay ban đầu từ 4 tỷ đồng nhanh chóng “nở” ra thành 23 tỷ đồng và không có khả năng thanh toán.

Một số trường hợp khác, doanh nghiệp gặp rủi ro bị lừa đảo, mất tiền khi nhờ vả người chạy chọt, lo lót để được vay vốn ngân hàng ưu đãi như trường hợp Công ty TNHH Xuất khẩu lương thực thực phẩm gạo Miền Tây đã chi 3,1 tỷ đồng với hy vọng được vay 140 tỷ đồng để đầu tư dự án.

Theo Luật sư Vũ Ngọc Chi (Công ty Luật Tam Anh), về nguyên tắc, vay thì phải trả, nhưng với các khoản vay lãi suất quá cao thì bên vay rất dễ mất khả năng thanh toán. Khi không trả được nợ, bên vay sẽ bị gây sức ép, thậm chí bị "khủng bố", phải bỏ trốn.

“Nếu đã bỏ trốn thì có thể sẽ bị xem xét trách nhiệm hình sự”, Luật sư Chi nói.

Ngay cả việc vay mượn ngân hàng cũng có thể đem lại rủi ro nếu doanh nghiệp tham gia “cuộc chơi” đảo nợ. Đây là tình huống rất phổ biến trong vô số vụ án kinh tế. Doanh nghiệp có nợ đến hạn, nhưng không thể thanh toán.

Nếu giữ nguyên tình trạng đó, hệ thống thông tin tín dụng thể hiện doanh nghiệp có nợ quá hạn, doanh nghiệp sẽ bị tụt hạng trong bảng xếp hạng tín dụng của nhiều ngân hàng, chứ không chỉ ngân hàng đang nợ và các ngân hàng sẽ không cho vay.

Ngân hàng chủ nợ thì bị ghi nhận nợ quá hạn, tùy phân loại nợ sẽ bị trích lập dự phòng. Do đó, doanh nghiệp tìm cách để có tiền trả nợ ngân hàng bằng cách vay một khoản nợ mới, hoặc vay bên ngoài xã hội để lấy tiền trả nợ ngân hàng, rồi tiếp tục vay ngân hàng khoản mới...

Thực tế cho tháy, dù bằng cách nào thì cũng không giải quyết được vấn đề bản chất là việc kinh doanh gặp khó khăn, thiếu hiệu quả và thiếu nguồn tiền trả nợ.

Nếu việc đảo nợ kèm theo những vi phạm pháp luật như lập hồ sơ giả bằng các hợp đồng khống, hóa đơn khống, làm giả các biên bản giao nhận hàng hóa, chứng từ thanh toán... thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

“Doanh nghiệp cần cân nhắc lợi nhuận và rủi ro. Bởi rủi ro ở đây không chỉ là đổ vỡ một doanh nghiệp, mà còn là vấn đề trách nhiệm hình sự”, Luật sư Chi nhấn mạnh.

Bùi Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục