Rủi ro hiện hữu với hàng vạn hợp đồng thế chấp

(ĐTCK) Từ ngày mai (10/4), Nghị định 11/2012/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm sẽ có hiệu lực.

Quy định về xử lý tài sản bảo lãnh trong Nghị định 11 cùng với việc TAND tỉnh Quảng Ngãi tuyên vô hiệu một hợp đồng thế chấp mới đây đang dấy lên lo ngại trong giới ngân hàng về rủi ro nợ xấu tăng lên.

 Rủi ro hiện hữu với hàng vạn hợp đồng  thế chấp ảnh 1

Rủi ro của loại hợp đồng thế chấp nhìn từ một bản án

Bản án của TAND tỉnh Quảng Ngãi có nội dung sơ lược như sau: một ngân hàng đã cho khách hàng vay một khoản tiền lớn và nhận tài sản đảm bảo của bên thứ ba. Hợp đồng được lập sau khi Bộ luật Dân sự 2005 có hiệu lực nên các bên căn cứ vào Bộ luật này để lập hợp đồng thế chấp. Tuy nhiên, khi khách hàng không trả nợ, ngân hàng tiến hành xử lý tài sản thế chấp, ở đây là nhà đất, thì bên thứ ba khởi kiện, yêu cầu tòa án tuyên hợp đồng vô hiệu. TAND tỉnh Quảng Ngãi đã chấp nhận đơn khởi kiện vì Hội đồng xét xử cho rằng, đáng lẽ các đương sự phải ký hợp đồng bảo lãnh thế chấp, chứ không phải hợp đồng thế chấp, dù rằng hợp đồng thế chấp tài sản bảo đảm được các phòng công chứng xác thực và đăng ký thế chấp tại văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất. Phiên xử phúc thẩm diễn ra sau đó vẫn y án sơ thẩm.

Nhiều ý kiến cho rằng TAND tỉnh Quảng Ngãi chưa hiểu đúng tinh thần của Bộ luật Dân sự 2005. Kể từ khi Bộ luật Dân sự 2005 có hiệu lực, hệ thống ngân hàng đã thay đổi, loại hợp đồng bảo lãnh thế chấp, bảo lãnh cầm cố đã không còn tồn tại, thay vào đó là các hợp đồng bảo lãnh, hợp đồng cầm cố, hợp đồng thế chấp. Trong đó, bảo lãnh là cam kết sẽ thực hiện nghĩa vụ thanh toán của bên thứ ba và không có tài sản đảm bảo; đối với hợp đồng cầm cố thì ngân hàng giữ luôn tài sản; đối với thế chấp, ngân hàng chỉ giữ giấy tờ tài sản.

Việc TAND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng đương sự phải ký hợp đồng bảo lãnh thế chấp, vốn đã bị Bộ luật Dân sự 2005 “khai tử” khiến các chuyên gia và ngân hàng lo ngại về rủi ro nợ xấu tăng lên khi các hợp đồng cầm cố, thế chấp khác có thể cũng bị tuyên vô hiệu. Với cách tuyên án này, các khoản vay có tài sản đảm bảo có thể trở thành các khoản vay không có tài sản đảm bảo, trong khi có tới 80% hợp đồng tín dụng của ngân hàng đang được đảm bảo bằng biện pháp thế chấp, cầm cố.

 

Nghị định “đá” Luật

Theo Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành Công ty Luật Chứng khoán - Ngân hàng - Đầu tư (BASICO), trong khi nhiều ngân hàng đang lo lắng bản án của TAND tỉnh Quảng Ngãi tạo tiền lệ xấu thì Nghị định 11/2012/NĐ-CP mới ban hành và sẽ có hiệu lực từ 10/4 tới đây có quy định về xử lý tài sản bảo lãnh như “thêm dầu vào lửa”. Điều 13 của Nghị định 11 quy định về việc xử lý tài sản của bên bảo lãnh đưa ra trường hợp nếu các bên có thỏa thuận về việc cầm cố, thế chấp tài sản thì tài sản được xử lý theo quy định tại Nghị định này. Trong trường hợp không có thỏa thuận về cầm cố thế chấp tài sản thì bên bảo lãnh phải giao tài sản thuộc sở hữu của mình cho bên nhận bảo lãnh. Hiểu theo Nghị định, trong giao dịch bảo lãnh, các bên có thể thỏa thuận cầm cố, thế chấp tài sản để đảm bảo giao dịch bảo lãnh.

Trong khi đó, Điều 361 Bộ luật Dân sự 2005 quy định “bảo lãnh là việc người thứ ba cam kết với bên có quyền sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ, nếu khi đến thời hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ”. Như vậy, trong giao dịch bảo lãnh không có việc đưa tài sản vào để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự. Bản thân bảo lãnh đã là 1 trong 7 biện pháp đảm bảo được quy định tại Bộ luật Dân sự 2005. 

Các chuyên gia ngành luật cho rằng, Nghị định 11 đã hiểu sai tinh thần của Bộ luật Dân sự 2005 và có thể là cái cớ để tòa án vin vào để lý giải cho cách hiểu của họ. Đây là rủi ro tiềm ẩn cho hàng chục vạn hợp đồng thế chấp hiện tại của các ngân hàng.

Theo Luật sư Trần Minh Hải, để thống nhất cách hiểu và áp dụng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên thực hiện chức năng giải thích luật bằng cách có văn bản hướng dẫn rõ ràng Bộ luật Dân sự 2005 để cơ quan tư pháp thực hiện thống nhất. Đồng thời, TAND tối cao cần nghiên cứu các vấn đề pháp lý quy định về thế chấp, bảo lãnh để hiểu đúng nội dung của Bộ luật Dân sự 2005 và những khác biệt với Bộ luật Dân sự 1995, trên cơ sở đó có hướng dẫn xét xử với các tòa án địa phương.       

Tuyên vô hiệu hợp đồng thế chấp dễ dẫn đến bất ổn trong giao lưu dân sự

Bộ Tư pháp nhận được phản ánh của một số tổ chức tín dụng về việc TAND các cấp tuyên vô hiệu hợp đồng thế chấp khi giải quyết các tranh chấp liên quan đến hợp đồng tín dụng.

 

Bộ Tư pháp nhận thấy việc tuyên vô hiệu nói trên đã dẫn đến hệ quả là các khoản vay có đảm bảo trở thành không có đảm bảo. Do vậy phán quyết của TAND các cấp dễ dẫn đến những bất ổn trong giao lưu dân sự, kinh doanh, thương mại, ảnh hưởng trực tiếp đến sự vận hành của thị trường tài chính – tín dụng.

 

Bộ Tư pháp đề nghị TAND tối cao nghiên cứu, hướng dẫn các TAND địa phương áp dụng thống nhất quy định Bộ luật Dân sự 2005, Luật Đất đai 2003 về thế chấp quyền sử dụng đất nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia giao dịch.

Trích Công văn 1345 của Bộ Tư pháp gửi TAND Tối cao

 

Tuyên hợp đồng thế chấp vô hiệu sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường về pháp lý và kinh tế

Theo quy trình tín dụng tại các NHTM, trước khi thực hiện cấp vốn vay, ngân hàng ký hợp đồng đảm bảo tiền vay, sau đó đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định. Đối với tài sản là quyền sử dụng đất thì hợp đồng được ký giữa 3 bên: ngân hàng, bên thế chấp, bên vay vốn. Hợp đồng thế chấp được xác thực tại các tổ chức hành nghề công chứng và Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất.

 

Trong thời gian gần đây, khi xử lý nợ vay bằng tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất, một số bên thứ 3 đã yêu cầu Tòa án tuyên hợp đồng vô hiệu do hợp đồng thế chấp không phải là biện pháp thế chấp mà chỉ là biện pháp bảo lãnh vay vốn. Theo một số tòa án, hợp đồng thế chấp nói trên phải được xác lập lại bằng một hợp đồng cụ thể theo quy định về hình thức bảo lãnh (tức hợp đồng bảo lãnh thế chấp).

 

Việc tuyên vô hiệu hợp đồng thế chấp sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường về pháp lý và kinh tế, gây thiệt hại cho các ngân hàng, các khoản vay của NHTM có nguy cơ chuyển thành khoản nợ không có đảm bảo.

 

Hiệp hội Ngân hàng đề nghị TAND Tối cao có hướng dẫn cụ thể, chính xác về cách hiểu và áp dụng luật đối với trường hợp nhận thế chấp quyền sử dụng đất là tài sản đảm bảo, tránh sự chồng chéo, không thống nhất, tạo nên rủi ro cho hoạt động ngân hàng.

 

Trích Công văn số 17 của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam gửi TAND Tối cao

Hoàng Duy
Hoàng Duy

Tin cùng chuyên mục