Rủi ro cho vay có bảo lãnh

(ĐTCK) Thư bảo lãnh của công ty mẹ được xem là “bảo bối” với tổ chức tín dụng khi công ty con không có khả năng trả nợ. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, bên cho vay vẫn gặp rủi ro lớn.
Rủi ro cho vay có bảo lãnh

Doanh nghiệp nhà nước được quyền bảo lãnh cho công ty con vay vốn. Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất - kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014 quy định nguyên tắc đầu tư, quản lý, sử dụng vốn.

Theo đó, tổng giá trị các khoản bảo lãnh vay vốn đối với công ty con do doanh nghiệp nắm giữ trên 50% vốn điều lệ không được vượt quá giá trị vốn góp thực tế của doanh nghiệp tại thời điểm bảo lãnh. Việc quản lý vốn nhà nước phải thông qua người đại diện, bảo đảm nguyên tắc hiệu quả, bảo toàn và gia tăng giá trị vốn nhà nước, phòng chống thất thoát vốn, tài sản của nhà nước và doanh nghiệp.

Trên thực tế, có những vụ việc cho thấy, tập đoàn, tổng công ty buông lỏng kiểm soát, quản lý vốn, dẫn đến công ty con kinh doanh không hiệu quả. Khi doanh nghiệp không còn khả năng trả nợ, tức hoạt động kinh doanh bê trễ, nợ nần, ngân hàng chỉ còn cách yêu cầu tổng công ty thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, song điều này còn phụ thuộc rất lớn vào sức khỏe tài chính của công ty mẹ.

Điển hình như vụ việc Tổng công ty Sông Hồng (SHG) phải trả thay khoản nợ ngân hàng của công ty con là Công ty cổ phần Thép Sông Hồng, số tiền 238 tỷ đồng. Mặc dù bản án phúc thẩm đã có hiệu lực thi hành, song với tình trạng xuống dốc của SHG trong vài năm gần đây, ngân hàng khó thu hồi nợ.

Được biết, SHG nắm giữ 87,5% vốn điều lệ Công ty Thép Sông Hồng. Năm 2011, SHG ký thư bảo lãnh cho công ty này vay vốn Ngân hàng SHB, số tiền 300 tỷ đồng. Giá trị bảo lãnh là 100 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo của Thép Sông Hồng là hàng hóa tồn kho - thép thanh vằn, trị giá 216 tỷ đồng. Tuy nhiên, Thép Sông Hồng có khoản vay tại ba ngân hàng khác và thế chấp số tài sản trên.

Năm 2012, Công ty Thép Sông Hồng rơi vào tình cảnh trì trệ, mất khả năng trả nợ. Năm 2014, SHB bán khoản nợ trên cho VAMC. Sau đó, VAMC khởi kiện, đòi SHG thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Tuy nhiên, SHG liên tiếp từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh và đổ tránh nhiệm cho Ngân hàng. Mặc dù vậy, đại diện SHG thừa nhận, Tổng công ty đã thiếu trách nhiệm quản lý kinh tế với công ty con.

Theo nội dung cam kết trong thư bảo lãnh, SHG có trách nhiệm trả thay số tiền đến hạn, hoặc thực hiện các nghĩa vụ đã cam kết, ngay khi nhận được văn bản thông báo của ngân hàng và các hồ sơ chứng minh vi phạm nghĩa vụ trả nợ của công ty con.

Khi Công ty Thép Sông Hồng nợ quá hạn, ngày 16/3/2012, Ngân hàng đã gửi công văn đề nghị SHG thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

SHG là cổ đông lớn nhất chiếm đến 87,5% vốn điều lệ của Thép Sông Hồng. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, SHG đã cử người đại diện phần vốn góp và điều hành các hoạt động của công ty con.

Tòa án cho rằng, trên thực tế, thông qua người của mình, SHG đã có thể yêu cầu công ty con dừng các khoản vay cũng như yêu cầu ngân hàng không tiếp tục cấp vốn, song SHG không thực hiện. Vì vậy, SHG phải thực hiện đúng và đủ nghĩa vụ bảo lãnh.

Theo bản án phúc thẩm năm 2018, Tòa án nhân dân TP Hà Nội buộc SHG phải trả cho VAMC nợ gốc 95,4 tỷ đồng, nợ lãi trong hạn 4 tỷ đồng, lãi quá hạn 139,4 tỷ đồng. Tổng cộng số tiền là 238 tỷ đồng. Nếu có quyết định giám đốc thẩm, bản án trên sẽ có hiệu lực thi hành. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của SHG tại thời điểm cuối năm 2017 âm 128,5 tỷ đồng.

Một trường hợp khác, trong vụ án Nguyễn Hồng Anh cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tổ chức tín dụng chật vật đòi nợ.

Cụ thể, năm 2007 - 2009, Nguyễn Hồng Anh, tên khác là Lisa Nguyễn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Container quốc tế Cas (Cascon) ký 2 hợp đồng tín dụng với Công ty Tài chính Công nghiệp tàu thủy (VFC), vay số tiền 199 tỷ đồng và 3,2 triệu USD. Hợp đồng có 2 biện pháp đảm bảo: thế chấp tài sản là kho thép cuộn, container, trị giá 153,7 tỷ đồng và chứng thư bảo lãnh của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (nay là Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam).

Quá trình thực hiện, năm 2011, Nguyễn Hồng Anh bán tài sản thế chấp, nhưng không trả đủ tiền cho VFC. Tổng cộng, bị cáo bán 258 container 20DC, 150 container 40HC và 1,1 triệu kg thép, trị giá 38 tỷ đồng, nhưng chỉ trả cho VFC 10 tỷ đồng. Bị cáo bị truy tố về tội cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Hiện vụ án vẫn chưa giải quyết xong, VFC đang chật vật đòi nợ, trong khi hợp đồng bảo lãnh chưa được làm rõ.

Hà Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục