Quy định về lãi suất tại Bộ luật Dân sự “làm khó” ngân hàng

(ĐTCK) Vịn vào điều luật quy định lãi suất cho vay không được vượt quá 150% lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, Công ty Phúc Thái không trả gốc và lãi đã khiến ngân hàng phải theo kiện đòi nợ 2 năm nay.  
Quy định về lãi suất tại Bộ luật Dân sự “làm khó” ngân hàng

Vừa qua, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đưa ra xét xử vụ kiện tranh chấp giữa Ngân hàng Đ. và Công ty cổ phần Công nghiệp thương mại và dịch vụ y tế Phúc Thái. Số tiền cho vay không phải là lớn, nếu so sánh với nhiều vụ kiện cùng lĩnh vực, nhưng vấn đề áp dụng lãi suất đã khiến cho vụ án phải trải qua hai cấp xét xử và kéo dài 2 năm.

Theo nội dung vụ việc, năm 2014, Ngân hàng Đ. cho Công ty Phúc Thái vay số tiền 1,6 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh, thời hạn vay 12 tháng, lãi suất 3 tháng đầu là 8%/năm, sau đó áp dụng lãi suất 10,3%/năm, lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất trong hạn. Tài sản đảm bảo cho khoản vay là hơn 1.000 m2 đất và tài sản gắn liền với đất tại huyện Sơn Tây (Hà Nội).

Sau đó, ngân hàng đã giải ngân cho Công ty Phúc Thái toàn bộ số tiền nói trên, nhưng Công ty Phúc Thái không thực hiện đúng cam kết, không trả nợ gốc, không trả nợ lãi. Do đó, ngân hàng khởi kiện đề nghị Tòa án buộc doanh nghiệp phải trả tổng nợ gốc và lãi gần 2 tỷ đồng.

Quá trình giải quyết vụ án, doanh nghiệp xác nhận có vay nợ ngân hàng, nhưng do kinh doanh khó khăn nên không thể trả nợ đúng hạn. Công ty mong muốn được tạo điều kiện về thời gian để doanh nghiệp thu nợ từ khách hàng và trả dần ngân hàng. Tuy nhiên, Công ty không đưa ra được lộ trình trả nợ.

Gia đình thế chấp tài sản đảm bảo khoản vay không tham dự phiên tòa, người con trai có tham dự phiên tòa, song không có ý kiến gì khác, chỉ đề nghị Tòa giải quyết theo pháp luật.

Bản án sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện buộc Công ty Phúc Thái phải có nghĩa vụ thanh toán số tiền gần 2 tỷ đồng. Trường hợp Công ty không trả được nợ thì ngân hàng có quyền phát mại tài sản thu hồi nợ.

Tuy nhiên, sau đó, Công ty Phúc Thái đã kháng cáo cho rằng việc ngân hàng áp lãi suất 10,3%/năm là không phù hợp, trái với quy định tại Điều 476, Bộ luật Dân sự 2005 quy định lãi suất ngân hàng không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước quy định trong từng thời kỳ. Tại thời điểm ngân hàng cho vay, Bộ luật Dân sự 2005 vẫn còn hiệu lực, Bộ luật Dân sự 2015 phải đến ngày 1/1/2017 mới bắt đầu có hiệu lực.

Vừa qua, Tòa cấp phúc thẩm đã mở phiên tòa xét kháng cáo của Công ty Phúc Thái. Tuy nhiên, Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng việc áp dụng Bộ luật Dân sự là không phù hợp, các bên đã thỏa thuận mức lãi suất 3 tháng đầu là 8%/năm, các tháng tiếp theo là 10,3%/năm, phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước. Do đó, cơ bản bản án được giữ nguyên, Công ty Phúc Thái phải trả cho ngân hàng số tiền gần 2 tỷ đồng.

Trước đây, trong các tranh chấp đòi nợ ngân hàng, Điều 476 của Bộ luật Dân sự quy định lãi suất cho vay không được vượt quá 150% lãi suất do Ngân hàng Nhà nước quy định trong từng thời kỳ thường được viện dẫn nhằm yêu cầu ngân hàng tính mức lãi suất thấp hơn hoặc gây ra khó khăn về pháp lý khiến vụ việc bị kéo dài.

Lãi suất cho Ngân hàng Nhà nước ấn định thường liên quan đến mục tiêu điều hành chính sách, trong khi các ngân hàng phải tính toán dựa trên lãi suất huy động. Do đó, nhiều khi lãi suất các ngân hàng áp dụng cao hơn 150% lãi suất Ngân hàng Nhà nước áp dụng.

Mặc dù về cơ bản, cơ quan tài phán hoặc các chuyên gia về pháp lý đều thống nhất việc cho vay trong các ngân hàng là hoạt động chuyên ngành, do đó, cần áp dụng pháp luật chuyên ngành.

Trường hợp luật chuyên ngành, ở đây là Luật Các tổ chức tín dụng, không quy định thì mới áp dụng Bộ luật Dân sự 2005, nhưng vẫn có khả năng hợp đồng tín dụng bị tuyên vô hiệu. Nhiều giao dịch phát sinh trong giai đoạn Bộ luật Dân sự 2005 có hiệu lực, nếu xảy ra tranh chấp, vẫn có thể bị kéo dài qua nhiều cấp xét xử khiến các bên đương sự, những người liên quan tốn kém thời gian, chi phí.

Nguyễn Duy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục