Quét sạch các quỹ ngoài ngân sách

Sau nhiều lần trì hoãn, ngày 2/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về Dự án Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) sửa đổi.
Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội

Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, việc lập các quỹ ngoài ngân sách tràn lan khiến nguồn lực tài chính quốc gia bị mất cân đối.
 

NSNN càng ngày càng bị xé lẻ khi mà xây dựng luật nào, các bộ, ngành cũng kiến nghị thành lập các loại quỹ và yêu cầu ngân sách phải bảo đảm. Ông bình luận gì về vấn đề này?

Đúng là có xu hướng xây dựng các luật, bộ, ngành nào cũng muốn có thêm điều khoản phải thành lập quỹ nọ, quỹ kia với lý do đặc thù, cần thiết và yêu cầu ngân sách phải bảo đảm nguồn cho quỹ. Khi thẩm tra dự án luật, Ủy ban Tài chính - Ngân sách rất thận trọng khi cho phép thành lập quỹ.

Với tư cách là thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khi tham gia đóng góp ý kiến vào dự án luật, cá nhân tôi thường phản đối việc thành lập các quỹ ngoài ngân sách.

Vì sao ông thường xuyên phản đối việc thành lập quỹ ngoài ngân sách, trong khi Ban soạn thảo Luật đều đưa ra nhiều lý do hết sức thuyết phục khi thành lập quỹ ngoài ngân sách?

Ngân sách có thể ví như miếng bánh, nếu miếng bánh ngân sách bị xé lẻ, chia nhỏ, thì nguồn lực tài chính quốc gia bị mất cân đối, sức mạnh tài chính quốc gia yếu đi. Vì vậy, phải cương quyết loại bỏ việc thành lập thêm các quỹ ngoài ngân sách, chỉ thành lập đối với các quỹ thực sự cần thiết.

Hơn nữa, nhiều dự án luật thuyết trình việc lập quỹ rất chung chung, hoạt động của lĩnh vực đó chẳng có gì là đặc thù để thành lập quỹ.

Tôi có cảm giác, hình như cơ quan quản lý nhà nước thấy ngành nọ, ngành kia có quỹ, mà mình không có quỹ, thì bị thiệt, nên cứ muốn “thòng” thêm câu ngân sách phải quan tâm thế này, quan tâm thế kia, bảo đảm ngân sách thế nọ, bảo đảm ngân sách thế kia vì hoạt động trong lĩnh vực này là… đặc thù.

Trước đây, việc quản lý thành lập quỹ không chặt chẽ, nên trên thực tế, có quỹ được thành lập, nhưng hầu như không hoạt động.

Sửa đổi Luật NSNN lần này sẽ có điều khoản quét hết các quỹ ngoài ngân sách không thực sự cần thiết.

Hiện có 50 quỹ ngoài ngân sách đang hoạt động, vấn đề là bỏ quỹ nào, giữ quỹ nào?

Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách có vai trò hết sức quan trọng trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước, giúp Nhà nước can thiệp vào các hoạt động của xã hội, cũng như nền kinh tế. Ví dụ, Nhà nước phải bảo đảm an sinh xã hội, thì không thể sử dụng ngân sách để can thiệp trực tiếp, mà phải có Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm y tế, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp…, nên bắt buộc phải có những quỹ này, còn những quỹ khác cần phải nghiên cứu lại, cái gì cần thì giữ, không thì thôi.

Hiện có rất nhiều quỹ, như Quỹ Bảo trì đường bộ; Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá; Quỹ Bảo vệ môi trường; Quỹ Phòng, chống tội phạm… Theo ông, có nên dẹp hết các quỹ này?

Khi sửa đổi Luật NSNN, chúng tôi đã rà lại toàn bộ các quỹ ngoài ngân sách, vấn đề bỏ quỹ nào, để quỹ nào sẽ được các đại biểu Quốc hội bàn bạc, cho ý kiến, bởi nguồn lực tài chính quốc gia có hạn, nếu quỹ ngoài ngân sách tăng thu, thì NSNN không còn nguồn mà thu. Tuy nhiên, như tôi đã nói, có nhiều quỹ rất cần thiết, vì vậy, phải cân nhắc hết sức thận trọng khi quyết định bỏ quỹ nào, để quỹ nào.

Một vấn đề nữa đặt ra trong điều hành ngân sách hiện nay là xu hướng địa phương nào cũng muốn huy động vốn. Luật NSNN sửa đổi xử lý vấn đề này thế nào?

Theo quy định hiện hành, địa phương nào có nhu cầu đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng thuộc phạm vi ngân sách cấp tỉnh bảo đảm, nhưng vượt quá khả năng cân đối của ngân sách cấp tỉnh, thì được phép huy động vốn trong nước với dư nợ không vượt quá 30% (ngoại trừ Hà Nội, TP.HCM) vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong nước hàng năm của ngân sách cấp tỉnh.

Nhiều ý kiến đề nghị, nên “nới room” huy động vốn cho một số địa phương có tiềm lực tài chính và trung tâm kinh tế đặc thù.

Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Địa phương nào chẳng có đặc thù, thế mạnh riêng, nếu nới rộng việc huy động vốn, sẽ “nở rộ” tình trạng vay nợ để đầu tư, nợ công sẽ trở nên rất khó kiểm soát, thậm chí dẫn đến vỡ nợ. Chúng ta đã có bài học “đại công trường Hà Giang”, nên theo tôi, phải quy định cụ thể thế nào là đặc thù; trung tâm kinh tế, trọng điểm kinh tế vùng phải đạt ở mức độ nào đó mới được huy động vốn vượt quy định theo nguyên tắc tự vay, tự trả. Địa phương nào hàng năm vẫn phải trông chờ vào ngân sách Trung ương, dù đặc thù thế nào đi nữa, cũng dứt khoát không cho vay nợ.

Mạnh Bôn
Baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục