Phơi bày nguồn tiền ảo tăng vốn trong đại án DongA Bank

(ĐTCK) Tòa án nhân dân TP.HCM đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại DongA Bank (DAB) với mắt xích lớn nhất giữa Trần Phương Bình và Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “nhôm", trong việc cấu kết mua cổ phần gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng tại Ngân hàng. 
Phơi bày nguồn tiền ảo tăng vốn trong đại án DongA Bank

Trả lời câu hỏi của Hội đồng xét xử: Có quy định tiền tăng vốn DongA Bank phải từ nguồn nào hay không, ông Trần Phương Bình, cựu Tổng giám đốc DongA Bank cho biết, trong một số khoảng thời gian, chưa quy định rõ nguồn tiền tăng vốn.

Sau đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có ban hành quy định cổ đông không được vay tiền ngân hàng để mua vốn tại chính ngân hàng đó. Tuy nhiên, bị cáo không nhớ rõ nguồn tiền được quy định như thế nào, chỉ quy định là nguồn tiền phải rõ ràng, hợp pháp.

Thế nhưng, theo công bố cáo trạng tại phiên xử, với chủ trương tăng vốn điều lệ từ 5.000 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng để thu hút vốn đầu tư nhằm xử lý khó khăn tại DongA Bank, Trần Phương Bình và Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “nhôm” đã bàn bạc và thống nhất phương án: Vũ “nhôm” mua 60 triệu cổ phần DAB với giá 600 tỷ đồng khi Ngân hàng tăng vốn điều lệ vào năm 2014. Mục đích chính là để Vũ “nhôm” trở thành cổ đông lớn, có quyền chi phối tại Dong A Bank.

Phan Văn Anh Vũ thế chấp 220 lô đất tại TP. Đà Nẵng vay 400 tỷ đồng tại DongA Bank. 200 tỷ đồng còn lại, ông Bình chỉ đạo nhân viên xuất quỹ cho Phan Văn Anh Vũ và bị cáo này ký khống chứng từ nộp tiền.

Tuy nhiên, việc tăng vốn điều lệ không được NHNN chấp thuận, dẫn đến tăng vốn bất thành, DongA Bank phải chuyển trả tiền cho các tổ chức, cá nhân đăng ký mua, trong đó có chuyển trả cho Công ty Bắc Nam 79 - do Vũ “nhôm” làm Chủ tịch HĐQT khoản tiền gồm 600 tỷ đồng và hơn 9 tỷ đồng tiền lãi.

Sau khi được DongA Bank trả lại tiền, bị cáo Vũ đã dùng 500 tỷ đồng để mua lại 50 triệu cổ phần của 4 cổ đông khác tại DongA Bank, còn 100 tỷ đồng tiêu dùng cá nhân, đến nay Ngân hàng không thu hồi được.

Tuy nhiên, sau đó, Vũ “nhôm” đã thay đổi lời khai, không thừa nhận có bàn bạc hợp tác đầu tư với ông Bình để mua cổ phần DongA Bank. Cụ thể, Vũ “nhôm” khai mua cổ phần DongA Bank cho ông Bình. Việc bị cáo ký khống chứng từ và mua 500 tỷ đồng tiền cổ phần là do chỉ đạo của Trần Phương Bình và nghĩ rằng, 200 tỷ đồng là vay cá nhân ông Bình.

Cơ quan điều tra cho rằng, hành vi của Vũ “nhôm” đã gây thiệt hại cho DongA Bank 200 tỷ đồng, có dấu hiệu của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với vai trò đồng phạm của ông Bình. Vũ “nhôm” phải có trách nhiệm hoàn trả 200 tỷ đồng cho DongA Bank.

Ngoài khoản tiền đã chi cho Vũ “nhôm” nói trên, ông Bình còn chỉ đạo nguyên thủ quỹ hội sở DongA Bank xuất quỹ hơn 294 tỷ đồng để mua 13,9 triệu USD, trong đó có 13,4 triệu USD là mua giúp Vũ “nhôm”. Số tiền này Vũ “nhôm” chưa trả lại cho DongA Bank.

Đáng chú ý, từ ngày 30/5 - 5/12/2007, bị cáo Bình đã chỉ đạo cấp dưới lập bảng kê kiêm phiếu thu, thu khống tổng số 374 tỷ đồng để mua tổng số 5,3 triệu cổ phần DongA Bank đứng tên cả ông Bình và những người thân khác gồm: ông Cao Ngọc Liên - bố vợ; Trần Phương Ngọc Thảo và Trần Phương Ngọc Giao - con gái.

Theo đó, ngày 10/12/2007, bị cáo Bình đã lập phiếu thu khống 31,3 tỷ đồng mua 523.000 cổ phần DAB đứng tên Cao Ngọc Liên; 8 ngày sau, tiếp tục lập phiếu thu khống gần 78 tỷ đồng mua gần 1.300 cổ phần DAB đứng tên con gái là Trần Phương Ngọc Thảo. Ngày 18/12/2007, bị cáo tiếp tục thực hiện lập phiếu thu khống 64 tỷ đồng mua 1.000 cổ phần DAB đứng tên Trần Phương Ngọc Giao.

Tuy nhiên, khi Cơ quan điều tra phá án, người nhà ông Bình khẳng định, họ không ký chứng từ nộp tiền, không nộp tiền mua cổ phần, số tiền mua trên 3 triệu cổ phần DongA Bank đều do bị cáo Bình tự ý thực hiện trong các giao dịch nói trên.

Chưa kể, cáo trạng cũng chỉ ra, ông Bình đã chỉ đạo cấp dưới lập chứng từ thu khống, chiếm đoạt của DongA Bank tổng cộng 2.057 tỷ đồng trong khoảng thời gian từ năm 2007 - 2014.

Đối với hành vi cố ý làm trái, cựu Tổng giám đốc DongA Bank bị cáo buộc đã gây thiệt hại cho DongA Bank hơn 1.551 tỷ đồng. Trong đó, gần 470 tỷ đồng do xuất quỹ sai nguyên tắc cho 219 công ty để chi lãi ngoài huy động vốn; gần 385 tỷ đồng kinh doanh ngoại hối; hơn 610 lượng vàng tài khoản; hơn 53 tỷ đồng trong việc tất toán tài khoản với một khách hàng về khoản vay 1.900 lượng vàng...

Khi hành vi sai phạm của các bị cáo bị phát hiện, Dong A Bank đã bị thiệt hại 3.608 tỷ đồng; nợ khó thu hồi là 7.960 tỷ đồng, hơn 5.600 tỷ đồng không có khả năng thu hồi.

Vi Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục