Những đại án và bài học kinh nghiệm cho ngân hàng

(ĐTCK) Những vụ trọng án thời gian qua, liên quan đến hàng chục cá nhân, tổ chức, liên quan đến khối tài sản hàng nghìn tỷ đồng đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm, nhiều góc độ suy ngẫm cho các ngân hàng.
Vụ Huyền Như  là một bài học về kiểm soát nội bộ trong các ngân hàng Vụ Huyền Như là một bài học về kiểm soát nội bộ trong các ngân hàng

Huyền Như và mồi câu lãi ngoài

Một vụ án với số tiền bị lừa đảo chiếm đoạt siêu lớn, liên lụy đến nhiều ngân hàng, thời gian xét xử kéo dài 3 tuần làm việc, khoảng 40 luật sư tham gia…, đại án 5.000 tỷ đồng và cái tên Huỳnh Thị Huyền Như sẽ còn được nhắc đến, phân tích, mổ xẻ ở nhiều góc độ.

Góc độ đáng chú ý nhất có lẽ những con số nghìn tỷ đồng được gửi vào, rút ra tại Vietinbank đã để lại dấu ấn đậm nét với những ai quan tâm đến vụ án này, cũng như chính giới ngân hàng.

Hàng loạt ngân hàng đã gửi tiền tại Vietinbank để rồi bị Huyền Như chiếm đoạt. Theo thông tin tại phiên tòa sơ thẩm vụ án Huyền Như, Ngân hàng Hàng hải (MSB) thông qua 3 công ty là Công ty TNHH Đầu tư Phúc Vinh, CTCP Đầu tư Thịnh Phát và CTCP Thương mại và đầu tư Hưng Yên để gửi tiền. Số tiền lên tới 2.501 tỷ đồng và lãi suất từ 18 - 22%/năm.

Vào thời điểm vụ án xảy ra, năm 2011, Ngân hàng Nhà nước có quy định về trần lãi suất tiết kiệm, theo đó, lãi suất tiết kiệm các ngân hàng áp dụng không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản (9%/năm). Khi đó, việc các ngân hàng tìm cách lách quy định này bằng các chương trình khuyến mãi, lãi suất thưởng khá phổ biến. Thậm chí, Ngân hàng Nhà nước đã phải ban hành thông tư quy định lãi suất huy động bao gồm cả khuyến mãi không vượt quá 14%/năm. Đồng thời, nghiêm cấm việc thực hiện khuyến mại bằng tiền, lãi suất và các hình thức không đúng quy định khác.

Trong bối cảnh nhiều ngân hàng khó khăn trong huy động nhưng cũng có ngân hàng đang thừa tiền, không ít ngân hàng đã lựa chọn việc gửi vốn vào ngân hàng bạn, tranh thủ chương trình khuyến mãi, lãi suất thưởng để thu lợi nhuận. Đây là căn nguyên dẫn đến việc hàng nghìn tỷ đồng đã bị Huyền Như chiếm đoạt thông qua “mồi câu” là lãi suất cao.

Không chỉ có MSB, nhiều ngân hàng khác cũng đã gửi trứng cho ác. Ngân hàng ACB vào thời điểm đó đang phải chịu áp lực khi nguồn vốn dư thừa nhưng không cho vay ra được. ACB đã lựa chọn phương án ủy thác cho nhân viên mang tiền đi gửi vào ngân hàng khác để nhận lãi suất tiền gửi và hưởng thêm hoa hồng, khuyến mại.

Cũng theo tài liệu tại phiên tòa, ACB đã gửi gần 719 tỷ đồng vào Vietinbank, hưởng lãi suất trong hợp đồng là 14%/năm, lãi suất ngoài hợp đồng từ 3,8 - 4,5%/năm, nhưng rồi bị Huyền Như bị chiếm đoạt.

Không chỉ gửi tiền vào Vietinbank, trong giai đoạn từ 26/1/2011 đến 26/9/2011, ACB qua ủy thác đã gửi vào 22 ngân hàng số tiền hơn 28.379 tỷ đồng, với lãi suất từ 7,5 - 22%/năm. Tổng tiền lãi là 1.162,5 tỷ đồng, trong đó lãi vượt trần 243,6 tỷ đồng. ACB cũng đã gửi 71,2 triệu USD với lãi suất 3 - 6%/năm, thu được tiền lãi hơn 1,2 triệu USD.

Ngân hàng Tiên phong (TPBank) đã thông qua CTCK Phương Đông và CTCP Đầu tư An Lộc gửi vào Vietinbank TP. HCM 1.860 tỷ đồng, lãi suất trong hợp đồng là 14%/năm, lãi suất ngoài hợp đồng từ 5 - 5,5%/năm, nhưng chỉ quyết toán được 1.310 tỷ đồng, bị chiếm đoạt 550,3 tỷ đồng.

Ngân hàng Nam Việt (Navibank) đã mang 1.543 tỷ đồng đi gửi với lãi suất 16,5 - 22,5%/năm, nhưng chỉ quyết toán được 1.343 tỷ đồng, bị chiếm đoạt 200 tỷ đồng.

Ngân hàng Quốc tế (VIB) cũng tham gia cuộc săn tìm lãi suất thưởng, gửi vào Vietinbank 480 tỷ đồng, bị chiếm đoạt 180 tỷ đồng.

“Bầu” Kiên và quyền lực cổ đông lớn

Tháng 4 vừa qua, vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm được đưa ra xét xử, nhưng rồi phiên tòa sơ thẩm đã tạm hoãn. Tài liệu truy tố cho thấy quyền lực, sự ảnh hưởng của cổ đông lớn “bầu” Kiên trong hoạt động của Ngân hàng ACB.

Theo đó, Nguyễn Đức Kiên là cổ đông của ACB từ năm 1993. Ông Kiên và gia đình sở hữu gần 937,6 triệu cổ phiếu (tương đương 9% vốn của ACB), trong đó cá nhân ông Kiên sở hữu 31,5 triệu cổ phiếu (tương đương 3,37%).

Từ cuối năm 2007, ông Kiên không còn tham gia HĐQT ACB, nhưng tham gia Hội đồng sáng lập ACB. Hội đồng này có chức năng tư vấn cho HĐQT và tham gia, cho ý kiến tại tất cả các cuộc họp của HĐQT, được cung cấp đầy đủ tài liệu về hoạt động kinh doanh của Ngân hàng.

Cơ quan điều tra xác định, ông Nguyễn Đức Kiên đã thành lập và đồng thời là Chủ tịch HĐQT/HĐTV của 6 công ty gồm: CTCP Phát triển sản xuất và XNK Thiên Nam; CTCP Đầu tư thương mại B&B (B&B); CTCP Tập đoàn tài chính Á Châu; CTCP Đầu tư ACB Hà Nội; Công ty TNHH Đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội; CTCP Đầu tư Á Châu.

Không nói đến hành vi kinh doanh trái phép mà ông Kiên bị cáo buộc, chỉ nhìn vào một số hoạt động tạo tiền của các DN này cũng có thể thấy sức ảnh hưởng của ông Kiên là rất lớn.

Ví dụ, CTCP B&B, có vốn thực góp là 1.460 tỷ đồng, tháng 9 - 10/2009, Công ty sử dụng 1.280 tỷ đồng để góp vốn vào CTCP Tập đoàn tài chính Á Châu. Như vậy, số vốn góp ban đầu đã được sử dụng gần hết, để Công ty B&B có vốn kinh doanh, ông Kiên phát hành 10 triệu trái phiếu chuyển đổi bán cho ACB, thu về 1.000 tỷ đồng.

CTCP Tập đoàn tài chính Á Châu sử dụng 3.200 tỷ đồng vốn điều lệ để mua trái phiếu chuyển đổi của ACB, sau đó phát hành 400 tỷ đồng trái phiếu bán cho Ngân hàng Phương Nam.

Công ty Đầu tư ACB Hà Nội từng phát hành trái phiếu trị giá 800 tỷ đồng để bán cho ACB.

Công ty Đầu tư Á Châu đã phát hành 5 triệu trái phiếu trị giá 500 tỷ đồng cho Ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long.

Công ty Đầu tư Tài chính Á Châu Hà Nội có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, đã phát hành trái phiếu trị giá 350 tỷ đồng bán cho Vietbank và phát hành 650 tỷ đồng trái phiếu bán cho ACB. Đồng thời, mua lại 353,4 tỷ đồng cổ phiếu của ACB, mua cổ phiếu của Eximbank, DaiABank, Vietbank, KienlongBank… Tổng cộng, ông Kiên đã sử dụng 1.411 tỷ đồng qua công ty này.

Để những giao dịch nêu trên thành công, những đợt phát hành trái phiếu được mua sạch bán hết, ảnh hưởng của ông Kiên, vị thế của ông Kiên tại ACB có vai trò rất lớn.

Đối với việc đầu tư qua ủy thác dẫn đến việc bị Huyền Như chiếm đoạt gần 719 tỷ đồng, vị trí Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB của ông Kiên có ảnh hưởng không nhỏ. Khi ACB thừa nguồn vốn mà không cho vay được, tại cuộc họp của Thường trực HĐQT ACB, có ý kiến đề xuất giảm lãi suất huy động để giảm áp lực lỗ. Tuy nhiên, theo tài liệu truy tố thì đề xuất này đã bị ông Kiên gạt đi. Sau đó, giải pháp ủy thác đầu tư qua các nhân viên để lợi dụng chính sách lãi suất thưởng của các ngân hàng khác đã được ông Kiên chấp nhận.

Đại án Tây Nguyên và câu chuyện thẩm quyền

Phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án nghìn tỷ xảy ra ở Ngân hàng Phát triển Việt Nam - Khu vực Đắk Lắk, Đắk Nông (VDB Đắk Lắk, Đắk Nông) trong tháng 3/2014 đã thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận. Rất đông người dân đã đến trụ sở TAND tỉnh Đắk Nông để theo dõi diễn biến phiên tòa.

Bên cạnh nội dung về hành vi phạm tội của các bị cáo, quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan, phần tranh luận của các luật sư đã chỉ ra một vấn đề mà có lẽ không chỉ VDB mới mắc phải. Đó là việc giao hạn mức, giao thẩm quyền quá lớn cho người đứng đầu các chi nhánh.

Với hạn mức, thẩm quyền lớn như vậy, khi giám đốc chi nhánh làm sai thì thiệt hại là không nhỏ.

Diễn biến phiên tòa cho thấy, Giám đốc VDB Đắk Lắk, Đắk Nông có thẩm quyền phê duyệt hạn mức cho vay quá lớn. Ban đầu, bị cáo Vũ Việt Hùng được giao hạn mức tối đa 10 tỷ đồng cho một hợp đồng, sau đó được nâng lên gấp đôi là 20 tỷ đồng, nhưng không quy định mức tối đa cho vay đối với một khách hàng.

Chính vì quy định như vậy nên giám đốc chi nhánh có thể chia nhỏ hợp đồng để cho vay một khách hàng nhiều lần lên đến cả nghìn tỷ đồng.

Theo báo cáo thường niên năm 2009 của VDB, khi đó, Ngân hàng có 56 đơn vị cho vay, tổng dư nợ cho vay tín dụng xuất khẩu là 14.467 tỷ đồng. Trong đó, VDB Đắk Lắk, Đắk Nông cho vay 1.580 tỷ đồng, chiếm trên 1/10 tổng dư nợ của toàn hệ thống VDB.

Cho đến tháng 12/2010, sau khi đã giảm hạn mức cho vay đối với VDB Đắk Lắk, Đắk Nông xuống 1.046 tỷ đồng thì đơn vị này vẫn xếp thứ tư trong tổng số 56 đơn vị cho vay có hạn mức cho vay tín dụng xuất khẩu lớn nhất.

Tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đã xảy ra vụ án liên quan đến bảo lãnh vượt quyền phán quyết, không có hồ sơ, không theo dõi trên hệ thống sổ sách của Giám đốc Chi nhánh Hồng Hà Đỗ Đức Hưng và một số nhân viên dưới quyền. Trong vụ kiện dân sự giữa doanh nghiệp và Agribank về bảo lãnh do ông Đỗ Đức Hưng ký, thẩm quyền mà ông Hưng được phép phán quyết lên tới hàng chục tỷ đồng.

Bài viết này nằm trong Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2014, do Báo Đầu tư Chứng khoán - Báo Đầu tư xuất bản ngày 5/5/2014. Tinnhanhchungkhoan.vn sẽ lần lượt đăng tải bài viết của Đặc san này trong thời gian tới.

Quý vị độc giả có thể theo dõi tất cả các bài viết trong Đặc san tại:Toàn cảnh ngân hàng Việt Nam 2014: “Đón vận hội mới”

Hoàng Duy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục