Nhà đầu tư nước ngoài kiến nghị tòa án hạn chế can thiệp hoạt động tố tụng trọng tài

(ĐTCK) Sáng 4/12, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2018, Nhóm công tác Đầu tư và Thương mại đã kiến nghị Việt Nam cần phải có hướng dẫn cụ thể nhằm hạn chế việc Tòa án can thiệp vào hoạt động tố tụng trọng tài.

Tại VBF năm nay, ngoài các vấn đề liên quan đến Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, quy định mới về bảo hiểm xã hội (BHXH) đối với lao động nước ngoài..., Nhóm công tác Đầu tư và Thương mại đề cập đến các vấn đề còn tồn tại về trọng tài kinh tế trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại.

Tự do hóa thương mại cho phép các công ty trong và ngoài nước thực hiện các dự án dài hạn, có lợi nhuận và hợp tác thương mại. Việc hội nhập của nền kinh tế trong nước vào hệ thống toàn cầu đòi hỏi các quan hệ hợp đồng chắc chắn và đáng tin cậy. Tuy nhiên, sự hợp tác đôi khi dẫn đến tranh chấp và cần có cơ chế giải quyết tranh chấp cũng như thừa nhận các phán quyết từ nước ngoài.

Nhóm công tác cho rằng, Tòa án Việt Nam thường ban hành các quyết định từ chối yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam vì các lý do không phù hợp với Công ước New York.

VBF cuối kỳ 2018 diễn ra ngày 4/12

“Chúng tôi kiến nghị có cơ chế để đảm bảo Tòa án Việt Nam áp dụng và tuân thủ Công ước New York 1958 nghiêm túc áp dụng việc công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam, tuân thủ Công ước New York 1958 và phù hợp với Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 và Toà án Việt Nam không được xem xét lại tình tiết vụ việc mà đã được giải quyết bởi trọng tài nước ngoài”, ông Fred Burke, Trưởng nhóm công tác Đầu tư và thương mại nêu kiến nghị.

Tại Việt Nam, ngoài cơ chế giải quyết tranh chấp bằng tòa án, các trung tâm trọng tài kinh tế được hình thành từ những năm 1994. Khi ký kết các hợp đồng kinh tế, hai bên có quyền lựa chọn hình thức giải quyết tranh chấp tại tòa án hoặc trọng tài kinh tế, nhưng vẫn có sự can thiệp của tòa án Việt Nam trong quá trình tiến hành tố tụng trọng tài. Đây là rào cản lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Theo báo cáo của thành viên Nhóm công tác, sự can thiệp của tòa án Việt Nam không chỉ xảy ra trước khi tòa trọng tài đưa ra phán quyết (dẫn đến hoạt động tố tụng trọng tài bị chấm dứt), mà còn khiến phán quyết bị hủy bỏ sau khi đã được trọng tài của VIAC đưa ra. Chẳng hạn, có những trường hợp tòa án Việt Nam bác bỏ phán quyết của trọng tài khi vin vào lý do trái với “những nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam” khi trên thực tế tòa án lại tiến hành xem xét lại tình tiết của vụ việc.

Về thủ tục tố tụng trọng tài tại Việt Nam, mặc dù các hội đồng trọng tài có thể đề nghị tòa án hỗ trợ trong việc triệu tập nhân chứng hoặc thu thập chứng cứ, nhưng trên thực tế, các tòa án không chủ động hoặc không thực sự hỗ trợ hiệu quả đối với hoạt động tố tụng trọng tài.

“Cần có hướng dẫn cụ thể hơn cho các tòa án cấp dưới để hạn chế một cách thống nhất việc can thiệp của tòa án vào hoạt động tố tụng trọng tài và cần áp dụng quyền kháng cáo quyết định của tòa án sơ thẩm về vấn đề thẩm quyền hay về vấn đề hiệu lực của phán quyết trọng tài”, ông Fred Burke nhấn mạnh.

Bùi Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục