Năm 2018, TP.HCM xử lý gần 100 cán bộ sai phạm nhờ nguồn tin nhân dân

Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM, từ khi có quy trình xử lý thông tin phản ánh về sai phạm của cán bộ, đảng viên thì công tác phòng chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy ở thành phố hiệu quả hơn, số lượng cán bộ sai phạm bị xử lý tăng rõ rệt. Đặc biệt, thông tin được tiếp nhận nhiều nhất là từ các khiếu nại, tố cáo của người dân.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân tiếp xúc cử tri quận 4. Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân tiếp xúc cử tri quận 4.

Chiều 18/10, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM đơn vị 1 gồm Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cùng các đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết, Lâm Đình Thắng và Ngô Tuấn Nghĩa đã có buổi tiếp xúc cử tri quận 4 (TPHCM) trước kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV.

Tại đây, cử tri Nguyễn Thị Ái Quốc (cử tri phường 8, quận 4) đã đóng góp nhiều kiến nghị về công tác phòng chống tham nhũng trong bộ máy nhà nước, nhằm làm trong sạch vững mạnh các cơ quan chính quyền và tổ chức đảng.

Bà nói: “Nhân dân đồng tình với chính sách phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước đang triển khai. Tôi cho rằng, thời gian tới cần xác định phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ chủ đạo của hệ thống. Kiên quyết loại bỏ các cán bộ hư hỏng, tham nhũng ra khỏi bộ máy của Đảng, Nhà nước”.

Ngoài ra, bà cũng góp ý về vấn đề kê khai tài sản của cán bộ, về cách xử lý các tài sản không được kê khai, không giải trình được nguồn gốc. Theo bà, có nên chăng những vụ việc phát hiện bất thường thì đưa ra xử lý hình sự thay vì đưa ra tòa dân sự?

Năm 2018, TP.HCM xử lý gần 100 cán bộ sai phạm nhờ nguồn tin nhân dân ảnh 1

 Các đại biểu mong muốn thời gian tới, công tác phòng chống tham nhũng phải là nhiệm vụ chủ đạo của cả hệ thống.

Về vấn đề này, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết sẽ tiếp thu, nghiên cứu thêm. Nhưng theo ông, trên cơ bản thì vấn đề kê khai thu nhập là vấn đề kinh tế, nên giải quyết ở tòa dân sự.

Còn nếu như cơ quan tòa án phát hiện có dấu hiệu sai phạm từ tài sản trên thì họ sẽ kiến nghị chuyển sang cơ quan điều tra, nếu đủ chứng cứ hoàn toàn có thể xử lý hình sự.

Bí thư cho biết thêm: “Liên quan đến phòng chống tham nhũng, chúng tôi chia sẻ thêm, 1 thời gian dài các tổ chức Đảng của chúng ta ít phát hiện ra các sai phạm của cán bộ đảng viên. Chúng tôi đã rà soát lại xem còn nguồn thông tin nào không?

Và chúng tôi thấy là còn 4 nguồn thông tin nữa. Đó là từ nguồn thông tin cử tri phản ánh qua tiếp xúc cử tri; thứ 2 là từ Hội đồng Nhân dân – Mặt trận Tổ quốc thực hiện chức năng giám sát; thứ 3 là ý kiến phản ánh của người dân qua các khiếu nại, tố cáo; cuối cùng là thông tin báo chí phản ánh”. 

 Theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, nhân dân là nguồn thông tin hiệu quả để các cơ quan chức năng phát hiện cán bộ sai phạm.

Theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, 4 nguồn thông tin này trước đây vẫn có nhưng do chưa xác định rõ trách nhiệm trong việc tiếp nhận, xử lý thông tin đó như thế nào nên chưa phát huy hiệu quả. Ông nói: “Có thông tin đó nhưng ai tiếp nhận? Ai sẽ xử lý? Cấp trên có giám sát không?”...

Từ đó, Ban thường vụ Thành uỷ TP.HCM đã nghiên cứu và ban hành quy định số 1374 vào ngày 1/12/2017 về quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Trong đó quy định rõ quy trình tiếp nhận, xử lý, giám sát các tin phản ánh từ 4 nguồn tin trên. Qua đó, cơ quan chức năng đã tiếp nhận xử lý nhiều thông tin có cơ sở và phát hiện nhiều cán bộ - công chức sai phạm, xử lý nghiêm khắc.

Bí thư Nhân cho biết: “Thông tin nhiều nhất vẫn là từ ý kiến tố cáo của nhân dân. Trong quý 1 và quý 2 năm 2018 đã xử lý 25 cán bộ công chức sai phạm, quý 3 đã xử lý 65 cán bộ công chức sai phạm, tăng gấp đôi so với 2 quý trước!”.


Theo Dantri

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục