Mua bán hóa đơn trái phép, vì sao dễ trốn thuế?

(ĐTCK) Nhiều đường dây mua bán hóa đơn đã bị xử lý, nhưng các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn khi làm rõ hành vi trốn thuế của những doanh nghiệp, cá nhân liên quan.
Mua bán hóa đơn trái phép, vì sao dễ trốn thuế?

Rầm rộ “buôn” hóa đơn, bỏ túi tiền tỷ

Vài năm trở lại đây, cơ quan tố tụng làm rõ và xử lý nhiều đường dây mua bán hóa đơn với số tiền thu lời bất chính lớn. Mới đây, Tòa án nhân dân quận Sơn Trà (TP. Đà Nẵng) xét xử vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Xây dựng thương mại và dịch vụ THA.

Công ty THA được thành lập năm 2010, vốn điều lệ đăng ký là 15 tỷ đồng, do Nguyễn Thanh Hải (sinh năm 1971, TP. Đà Nẵng) làm Giám đốc.

Trong 3 năm đầu hoạt động không hiệu quả, tới năm 2013, Hải cùng kế toán và các đối tượng khác lập đường dây bán trái phép 80 hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) với các mặt hàng than, đá… cho 29 đơn vị với doanh số chưa thuế là hơn 10,7 tỷ đồng.

Thấy công việc thuận lợi, Hải còn mua hàng hóa trôi nổi trên thị trường và thành lập Công ty TNHH MTV Thương mại và dịch vụ T.B.L xuất khống 29 hóa đơn GTGT với doanh số chưa thuế là 23,5 tỷ đồng và mua trái phép 300 tờ hóa đơn GTGT với doanh số chưa thuế 67 tỷ đồng để hợp thức hóa đầu vào cho Công ty THA. 

Tổng cộng có gần 100 doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực mua hóa đơn của 2 công ty này. Trong đó, một số doanh nghiệp xây lắp, xây dựng, công nghệ thừa nhận mua hóa đơn trái phép để hợp thức chi phí nhân công. Việc hợp thức chứng từ thông qua môi giới và thực hiện tại ngân hàng.

Có công ty tư vấn - thiết kế xây dựng khai nhận, năm 2014, công ty thi công hạng mục nhà xưởng và có thuê một bên thực hiện công trình. Người này mua hóa đơn từ đường dây của Hải.

Việc mua bán hóa đơn trái phép không chỉ tại địa bàn TP. Đà Nẵng, mà còn diễn ra ở nhiều tỉnh, thành phố khác như Gia Lai, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Bình Dương, Hà Nội.

Cơ quan tố tụng truy tố bị cáo thu lợi bất chính số tiền 804 triệu đồng và xử phạt mức án 12 tháng tù về tội Mua bán trái phép hóa đơn đối với Nguyễn Thanh Hải, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước.

Cuối năm 2017, Tòa án nhân dân huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) đã làm rõ hành vi của Lê Văn Tiệp (cựu Giám đốc Công ty TNHH MTV Xây dựng thương mại vận chuyển Ninh Anh) thu lời hơn 1,4 tỷ đồng do mua bán trái phép hóa đơn cho 30 công ty, doanh nghiệp trên địa bàn.

Trước đó, năm 2016, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội xử phạt đối với bị cáo Nguyễn Trường (sinh năm 1963, quận Hai Bà Trưng) 3 năm tù với cùng tội danh, số tiền thu lời bất chính là 22,9 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia về tội phạm, một trong những nguyên nhân khiến tội phạm lĩnh vực này gia tăng nhanh thời gian qua là do nhu cầu về hóa đơn GTGT của doanh nghiệp rất lớn, lại dễ mang lại lợi nhuận cao, nên các tội phạm “nhắm mắt làm liều”.

Khó xử lý tội trốn thuế

Trong các vụ án trên, vấn đề nhức nhối nhất là làm rõ hành vi trốn thuế để thu hồi tiền và ngăn chặn nguồn thuế thất thu của Nhà nước.

Đơn cử, trong vụ án Nguyễn Trường, cơ quan điều tra làm rõ có 2 giám đốc công ty trốn thuế và bị xử phạt là Công ty cổ phần Công nghệ Việt Huế với số tiền 4,3 tỷ đồng và Trung tâm Truyền thông hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ là 413 triệu đồng.

Còn tại vụ án Công ty THA, khi vụ việc bị phát giác, cơ quan điều tra đã nhiều lần trưng cầu ý kiến của Cục Thuế TP. Đà Nẵng để làm rõ câu chuyện có dấu hiệu trốn thuế hay không và nếu có, thiệt hại về thuế là bao nhiêu?

Ngày 6/11/2018, cơ quan này có công văn trả lời và xác định chỉ giám định được Công ty THA đã khai thuế GTGT đầu vào, khai thuế GTGT đã khấu trừ của các hóa đơn mua bán khống và không có cơ sở xác định hành vi trên có dẫn đến trốn thuế. Việc xác định thiệt hại của Nhà nước cũng không được làm rõ vì các tài liệu đều bị tiêu hủy.

Với các doanh nghiệp mua hóa đơn bất hợp pháp, có trường hợp xuất khống, có trường hợp có hàng thực xuất, nhưng không cụ thể số lượng, đơn giá, thành tiền, đơn vị mua…, nên không có cơ sở xác định thiệt hại về thuế đối với ngân sách nhà nước.

Trong quá trình tố tụng, Viện kiểm sát nhân dân đã rút một phần truy tố hành vi của bị cáo Nguyễn Thanh Hải với 3 đơn vị có mua bán hàng hóa thật và xác định bị cáo không có dấu hiệu vi phạm tội Trốn thuế.

Nguyên nhân cơ quan điều tra không kết luận được về hành vi trốn thuế của các đối tượng liên quan vì bị cáo Nguyễn Thanh Hải đã tiêu hủy toàn bộ hóa đơn, chứng từ, sổ sách kế toán liên quan.

Ở vụ án Lê Văn Tiệp, cơ quan điều tra xác định có các cá nhân là giám đốc 11 công ty, doanh nghiệp có hành vi trốn thuế, nhưng số tiền dưới 100 triệu đồng và chưa bị xử phạt, chưa có tiền án nên không cấu thành tội phạm.

Có 13 công ty khác sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để giảm thuế GTGT phải nộp. Tuy nhiên, sau khi sử dụng hóa đơn khống đã tự kê khai điều chỉnh để nộp tiền thuế, nên không có căn cứ xử lý.

Luật sư Trương Xuân Tám, Chủ nhiệm Đoàn luật sư Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, với một doanh nghiệp bị phạt và truy thu thuế hàng trăm triệu đồng là đã có dấu hiệu của hành vi trốn thuế.

Tuy nhiên, trên thực tế, cơ quan chức năng còn đánh giá thái độ chủ quan của doanh nghiệp, thủ đoạn âm mưu, ý thức có cố tình trốn thuế, hay chỉ là nhầm lẫn nghiệp vụ để xác định tội danh trốn thuế.      

Hà Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục