Lương thực – Thực phẩm Vĩnh Long (VLF) kiện quyết định xử phạt thuế bất thành

(ĐTCK) Tòa phúc thẩm nhận định, CTCP Lương thực – thực phẩm Vĩnh Long (mã VLF – UPCoM) kháng cáo nhưng không đưa ra chứng cứ nào mới chứng minh yêu cầu khởi kiện. Vì vậy, HĐXX không chấp nhận đơn kháng cáo của doanh nghiệp.  
Ảnh Internet Ảnh Internet

Theo đơn khởi kiện, năm 2010, Cục trưởng Cục thuế tỉnh Vĩnh Long ban hành quyết định số 213 xử phạt vi phạm hành chính với CTCP Lương thực – thực phẩm Vĩnh Long (mã VLF – UPCoM), mức phạt 3,1 tỷ đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả là thu hồi số tiền thu thuế TNDN năm 2007, 2008 tổng cộng 31,3 tỷ đồng. Lý do là công ty đã xác định miễn giảm thuế TNDN sai quy định. 

Năm 2011, Công ty đã khiếu nại quyết định trên. Cục thuế đã quyết định không phạt 10% và phạt nộp chậm, giữ nguyên số thuế TNDN truy thu năm 2007, 2008.

Công ty tiếp tục khiếu nại lên Tổng cục thuế nhưng không đạt được kết quả như mong muốn.

Năm 2018, Công ty đã khởi kiện ra tòa án, đề nghị hủy một phần các quyết định hành chính, hủy một phần các thông báo tiền nợ và tiền phạt chậm nộp. Yêu cầu Cục thuế hoàn trả công ty số tiền 17,1 tỷ đồng và tiền phạt chậm nộp 848 triệu đồng. Đồng thời yêu cầu bồi thường thiệt hại số tiền 12,5 tỷ đồng.

Bản án sơ thẩm năm 2018, TAND tỉnh Vĩnh Long đã bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của công ty. VLF tiếp tục kháng cáo lên cấp phúc thẩm. Mới đây, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã xét xử phúc thẩm vụ án hành chính.

Quá trình thu thập chứng cứ, VLF thừa nhận năm 2007, 2008, Công ty và các chi nhánh thành viên chỉ có hoạt động đánh bóng gạo. Nguyên liệu đầu vào là gạo lức (gạo đã bóc trấu) và gạo trắng (thuế GTGT 5%).

Theo tòa án, hoạt động này thuộc mã ngành bán buôn gạo là hoạt động thương mại, không thuộc ngành nghề chế biến nông sản theo Danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư. Do đó không được hưởng thuế TNDN theo Thông tư số 134/2007/TT-BTC ngày 23/11/2007 của Bộ Tài chính.

CTCP Lương thực – thực phẩm Vĩnh Long (mã VLF – UPCoM) được thành lập năm 2006, hoạt động trong 24 ngành nghề, trong đó có 2 ngành nghề là sản xuất, chế biến xay xát lúa, đánh bóng gạo, sản xuất bột thô, sản xuất các loại bánh từ bột.

Năm 2015, cổ phiếu VLF bị kiểm soát do lợi nhuận sau thuế công ty mẹ, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 6 tháng đầu năm 2015 âm.

Đến tháng 10/2016, cổ phiếu VLF bị hạn chế giao dịch do vốn chủ sở hữu trong BCTC hợp nhất bán niên đã soát xét năm 2016 không dương (âm 13,6 tỷ đồng). 

H.Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục