Luật sư của bà Hứa Thị Phấn: Bị cáo Phấn bị Hà Văn Thắm ép

(ĐTCK) Các luật sư bào chữa cho bị cáo Hứa Thị Phấn khẳng định, không bị nhầm lẫn bút lục giữa hai vụ án Hà Văn Thắm và Phạm Công Danh.

Chiều 18/9, tiếp nối phần tranh luận về khoản vay 500 tỷ đồng trái quy định, nhóm luật sư bào chữa cho bị cáo Hứa Thị Phấn gồm bà Trương Thị Minh Thơ và Nguyễn Thị Thanh Thảo tham gia bào chữa tại tòa.

Luật sư của bà Hứa Thị Phấn: Bị cáo Phấn bị Hà Văn Thắm ép ảnh 1

 Luật sư Trương Thị Minh Thơ

Áp lực lớn vì bị nói nhầm lẫn hồ sơ

Trước đó, tại phần thủ tục, các luật sư cho rằng, hồ sơ vụ án bị thay đổi.

Trả lời ý kiến này, HĐXX khẳng định, hồ sơ còn nguyên vẹn. Các lời khai, chứng cứ luật sư kiến nghị là giai đoạn tiền tố tụng nên không đưa vào vụ án. Những tài liệu mà luật sư đưa là nhầm lẫn từ vụ án Phạm Công Danh.

Trở lại vấn đề này, luật sư Trương Thị Minh Thơ trình bày, câu trả lời của HĐXX gây áp lực rất lớn đến nhóm của bà. Luật sư Thơ khẳng định, các bút lục bị rút ra (từ 1-81) trong vụ án Hà Văn Thắm và Phạm Công Danh là hoàn toàn khác biệt và không có sự nhầm lẫn.

Luật sư dẫn đối chứng các bút lục trong vụ án Hà Văn Thắm là lời khai của các bị cáo cùng chứng cứ là thư giới thiệu người của Oceanbank vào tiếp quản Ngân hàng Đại Tín, thư viết tay của Phạm Công Danh gửi Hà Văn Thắm đòi lại 500 tỷ đồng… Còn các bút lục vụ án Phạm Công Danh là thủ tục tố tụng.

Bà Phấn bị ép đưa tài sản?

Tranh luận tội danh Viện Kiểm sát nhân dân truy tố đối với bị cáo Phấn, các luật sư cho rằng, bị cáo Phấn không bàn bạc, tự nguyện cho bị cáo Danh mượn tài sản. Thực chất  là bị cáo Thắm ép bị cáo Phấn cho Tập đoàn Thiên Thanh mượn tài sản để thế chấp, cầm cố tại Oceanbank.

“Bà Phấn nằm trong thế bị kẹp, bị ép. Chúng tôi đã hỏi đi hỏi lại và anh Danh thừa nhận rằng bà Phấn không muốn bán ngân hàng cho anh Danh”, luật sư Thơ nói thêm.

Luật sư của bà Hứa Thị Phấn: Bị cáo Phấn bị Hà Văn Thắm ép ảnh 2

Bị cáo Hà Văn Thắm bị tố đe dọa bị cáo Phấn đưa tài sản cho Phạm Công Danh mượn. 

Các  luật sư cũng chứng minh số tiền 500 tỷ đồng Công ty Trung Dung vay Oceanbank do Phạm Công Danh định đoạt, sở hữu và phục vụ mục đích riêng.

Cụ thể, ngày 23/11/2012, Oceanbank giải ngân 500 tỷ đồng. Cùng ngày, Công ty Trung Dung chuyển số tiền trên về tài khoản tại Ngân hàng Đại Tín.

17 ngày sau (tức ngày 10/12/2012), Công ty Trung Dung trích chuyển 500 tỷ đồng cho 4 cá nhân Tập đoàn Thiên Thanh mở sổ tiết kiệm trong đó tài khoản Phạm Công Danh là 50 tỷ đồng. Đến ngày 27/12/2012, các cá nhân trên tất toán 4 sổ tiết kiệm. Ngoài nhận tiền gốc, mỗi người còn nhận tiền thêm tiền lãi là 141 triệu đồng/sổ tiết kiệm.

Sau đó, đến ngày 28/12/2012, Phạm Công Danh trực tiếp chuyển 593 tỷ đồng đến Ngân hàng Đại Tín thanh lý 5 khoản vay trong 29 khoản vay nằm trong hợp đồng chuyển giao và đề án tái cơ cấu mà Tập đoàn Thiên Thanh cam kết với Ngân hàng Nhà nước.

Xin đình chỉ vụ án vì sức khỏe bị cáo còn 7%

Theo luật sư, để xác định vai trò đồng phạm của bị cáo Phấn cần làm sáng tỏ các nội dung: Tiền lãi phát sinh do Phạm Công Danh và 3 cá nhân khác trực tiếp thụ hưởng; Ngân hàng Xây dựng không giải chấp và giao trả lại 6 quyền sử dụng đất thế chấp cho 5 hợp đồng vay của bà Phấn; trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, chấp thuận, giám sát việc thực hiện đề án tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín…

Luật sư cũng đề xuất đình chỉ vụ án đối với bị cáo Phấn vì hiện tại, tình trạng sức khỏe của bị cáo này chỉ còn lại 7% và đang mắc nhiều bệnh nan y.

Về trách nhiệm dân sự, luật sư Thơ cho rằng, người đi vay phải có trách nhiệm trả.

"Chừng nào người đi vay không trả được thì mới phát mãi tài sản của người cho mượn. Chúng tôi biết ông Danh còn rất nhiều tài sản”, luật sư Thơ nói.

Đỗ Mến - Bùi Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục