Lỗ hổng quản lý lợi thế kinh doanh qua vụ Vũ “nhôm”

(ĐTCK) Rất nhiều khu đất vốn là trụ sở, văn phòng, xí nghiệp của các doanh nghiệp nhà nước, sau cổ phần hóa đã được đầu tư, liên doanh, hợp tác, chuyển đổi mục đích sử dụng để tạo nên các bất động sản có giá trị gấp nhiều lần ban đầu.
Lỗ hổng quản lý lợi thế kinh doanh qua vụ Vũ “nhôm”

Quá trình hình thành và phát triển, các doanh nghiệp nhà nước thường được giao sử dụng đất đai làm trụ sở, cửa hàng, nhà xưởng, xí nghiệp. Sau cổ phần hóa, nhiều doanh nghiệp tiếp tục được giao đất, cho thuê đất hoặc ưu tiên mua lại nhà đất công sản trong trường hợp Nhà nước có chính sách mua bán.

Mặc dù khi xác định giá trị doanh nghiệp, đất cho thuê lâu dài không được tính giá trị quyền sử dụng đất, nhưng lợi thế của quyền được thuê, mua lại rất lớn bởi không phải doanh nghiệp nào cũng được thuê đất của Nhà nước.

Đây cũng là giá trị nhà đầu tư quan tâm khi tham gia vào các đợt đấu giá lần đầu khi doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa.

Thực tiễn cho thấy, rất nhiều khu đất vốn là trụ sở, văn phòng, xí nghiệp của các doanh nghiệp nhà nước, sau cổ phần hóa đã được đầu tư, liên doanh, hợp tác, chuyển đổi mục đích sử dụng để tạo nên các bất động sản có giá trị gấp nhiều lần ban đầu.

Tuy nhiên, nhiều trường hợp, các doanh nghiệp sau cổ phần hóa đã “buông” lợi thế đặc biệt này, như trường hợp các doanh nghiệp ở Đà Nẵng trong vụ án vi phạm quy định quản lý tài sản nhà nước, quản lý đất đai gây thất thoát hơn 22.000 tỷ đồng là một điển hình.

Cụ thể, CTCP Công nghệ phẩm Đà Nẵng, được Ủy ban nhân dân TP. Đà Nẵng chấp thuận cho mua 2 tài sản là nhà đất công sản, gồm nhà số 57 Lê Duẩn (diện tích 1.771 m2) và số 37 Pasteur (diện tích 962 m2) đều nằm ở khu vực trung tâm Thành phố. Đối tượng được mua nhà đất công sản là các đơn vị đang thuê nhà của Nhà nước.

Đây là lợi thế đặc biệt của các doanh nghiệp cổ phần hóa, không phải doanh nghiệp nào cũng thuộc đối tượng được xem xét cho mua.

Tuy nhiên, sau khi được TP. Đà Nẵng chấp thuận cho mua nhà đất, thay vì có phương án khai thác, kinh doanh, CTCP Công nghệ phẩm Đà Nẵng đã làm các văn bản, hồ sơ để chuyển đổi tên người nhận quyền sử dụng nhà đất số 37 Pasteur sang cá nhân Phan Văn Anh Vũ (còn gọi là Vũ “nhôm”), cựu Chủ tịch HĐQT CTCP Xây dựng 79.

Vì sao CTCP Công nghệ phẩm Đà Nẵng dễ dàng từ bỏ quyền được mua “đất vàng”, đổi lại được lợi ích gì?

Câu hỏi này, tòa án đã truy hỏi bị cáo Huỳnh Tấn Lộc, nguyên Chủ tịch HĐQT CTCP Công nghệ phẩm Đà Nẵng, người bị truy tố tội danh Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Bị cáo Lộc trình bày tại tòa rằng, hai bên đã ký hợp đồng và theo đó, Phan Văn Anh Vũ sẽ được nhận quyền sử dụng đất và nộp tiền theo quyết định của Ủy ban nhân dân TP. Đà Nẵng, Công ty sẽ được nhận 1,05 tỷ đồng, bao gồm 2 khoản: 500 triệu đồng cho tài sản trên đất (nhà cửa, kho hàng) và phần còn lại là chi phí di dời, bảo quản tài sản.

Có lẽ nếu được lấy ý kiến, sẽ có nhiều cổ đông của CTCP Công nghệ phẩm Đà Nẵng phản đối việc chuyển quyền này, bởi Công ty đã từ bỏ lợi thế lớn mà không đổi lại được lợi ích tương xứng.

Tương tự, CTCP Xuất nhập khẩu Đà Nẵng được cho thuê nhà đất tại số 106 Trần Phú (diện tích 118 m2) và số 34 Hoàng Văn Thụ (diện tích 1.068 m2) từ năm 1995.

Đến năm 2008, khi TP. Đà Nẵng có chủ trương sắp xếp lại nhà đất công sản và chuyển nhượng cho những người đang thuê nếu có nhu cầu, Công ty đã làm đơn xin mua và được Ủy ban nhân dân TP. Đà Nẵng phê duyệt đồng ý bán nhà.

Nhưng sau đó, CTCP Xuất nhập khẩu Đà Nẵng đã không làm các thủ tục mua bán để nhận quyền sử dụng đất, mà chuyển tên người nhận cho các công ty của Phan Văn Anh Vũ.

Khai tại tòa, bị cáo Trần Phi, cựu Giám đốc CTCP Xuất nhập khẩu Đà Nẵng cho biết, vấn đề này đã được HĐQT Công ty thảo luận. Khi đó, bị cáo Phi đã báo cáo HĐQT về việc TP. Đà Nẵng có chủ trương thu hồi các khu vực nhà đất giao cho doanh nghiệp nhưng sử dụng không hiệu quả.

Trong bối cảnh Công ty gặp khó khăn về tài chính, có nguy cơ bị Nhà nước thu hồi, nên đề nghị HĐQT thông qua chủ trương bán lại cho CTCP Xây dựng 79, Công ty TNHH I.V.C của Phan Văn Anh Vũ.

Phía Vũ sẽ nộp tiền theo quyết định phê duyệt của Ủy ban nhân dân TP. Đà Nẵng và hỗ trợ di dời cho Công ty số tiền 700 triệu đồng với nhà đất số 106 Trần Phú và 1,6 tỷ đồng với nhà đất số 34 Hoàng Văn Thụ.

Trong vụ án này, một số doanh nghiệp khác như CTCP Du lịch Đà Nẵng, CTCP Cung ứng tàu biển Đà Nẵng... đều viện lý do khó khăn tài chính để chấp nhận chuyển tên người nhận quyền sử dụng sang cá nhân Phan Văn Anh Vũ hoặc các công ty của Vũ.

Mặc dù sang tay lợi thế lớn, nhưng các doanh nghiệp này đều nhận về khoản lợi ích không đáng kể, góp phần làm giảm hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Bùi Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục